Người thừa kế bảo quản 3.000 hiện vật thời chiến ở bảo tàng tư nhân

27/07/2022 23:30

Sau khi qua đời năm 2021, ông chủ bảo tàng chứng tích chiến tranh Nguyễn Mạnh Hiệp để lại hơn 3.000 vỏ bom, đạn dược, đồ dùng của những người lính cho vợ và các con trông giữ, bảo quản. Các hiện vật này được cựu binh sưu tầm gần 30 năm qua.

Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (phường Phú Thượng, quận Tây Hồ) của ông Nguyễn Mạnh Hiệp được nhiều người biết đến hơn chục năm qua. Nhân Ngày thương binh liệt sĩ 27/7, nhiều cựu binh, bạn bè cũ của ông chủ lại tìm đến tham quan và chiêm ngưỡng bộ sưu tập kỷ vật chiến tranh độc đáo .
Năm 2021, ông Hiệp đột ngột qua đời, căn bảo tàng tư nhân được anh Nguyễn Trường Sơn (người con thứ ba, trong ảnh) cùng gia đình đảm nhiệm chăm sóc, bảo quản.
Bên trong có những hiện vật độc đáo mà người cựu binh dày công sưu tầm suốt gần 30 năm qua.
Thời trẻ, ông Nguyễn Mạnh Hiệp là chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn 420, Sư đoàn 320B. Ông được lệnh đi B và nhận nhiệm vụ làm trinh sát bảo vệ cho Quân khu Trị Thiên. Khi về già, ông chưa bao giờ nghỉ ngơi, tiếp tục sống cống hiến cho những sở thích về quân sự.
Không chỉ có các kỷ vật thời chiến, nơi đây còn lưu giữ nhiều bức ảnh về hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ với nhiều khoảnh khắc chân thực, giàu lòng cảm xúc.
Bộ sưu tập này được coi là gia sản quý giá của cả gia đình. Anh Nguyễn Trường Sơn chia sẻ: "Bố tôi đã dành tất cả tâm huyết để sưu tầm được những đồ vật quý giá này. Hiểu được điều đó, gia đình thường xuyên bảo quản và gìn giữ tốt các hiện vật, sẵn sàng phục vụ bất cứ khách nào có nhu cầu tham quan".
Để sưu tầm được hơn 3.000 hiện vật, người cựu chiến binh Nguyễn Mạnh Hiệp từng phải lặn lội đến những chiến trường xưa và các cửa hàng phế liệu để xin mua lại. Trong bộ sưu tập có không ít những hiện vật quý giá mang đậm dấu tích lịch sử như quân trang và vật dụng của quân đội.
Hầu hết hiện vật đã được ông Hiệp đăng ký quyền sở hữu với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội, cùng với đó là nỗ lực xin cấp phép thành lập bảo tàng tư nhân.
Trước đây mỗi lần hay tin ở đâu người dân tìm được các hiện vật như bom mìn, mảnh vỡ máy bay, quân tư trang của quân đội còn sót lại là ông lại hỏi tìm mua cho bằng được. Trong đó, bom mìn là những thứ tốn công sưu tầm nhất, vì nặng, rất mất công khi vận chuyển, không ít lần người cựu binh phải thuê xe kéo để chuyển từ khu vực núi rừng về đến Hà Nội.
Những mảnh vỡ máy bay được trưng bày bên ngoài sân của bảo tàng. Sau khi ông qua đời, vẫn có rất nhiều người tìm đến để quyên góp hiện vật thời chiến khi họ không còn khả năng bảo quản.
Mỗi kỷ vật lại gắn liền với những hồi ức thời chiến, những câu chuyện trên chặng đường gần 30 năm sưu tầm của người bố. Hiểu được điều đó, hàng năm, anh Sơn lại đem những hiện vật ra để lau chùi cẩn thận.
Thùng điện thoại, một trong những phương tiện thông tin liên lạc nhẹ và cơ động nhất trong thời chiến.
Bình tông đựng nước của quân đội Việt Nam và của lính Mỹ.
Con trai ông Hiệp và mọi người trong gia đình cho biết vẫn đang trăn trở với vấn đề bảo quản các hiện vật này vì cho rằng gia đình không có nhiều chuyên môn.
Bà Phạm Thị Thùy Linh, Phó Chủ tịch UBND phường Phú Thượng, quận Tây Hồ khẳng định thật sự tự hào khi phường có một bảo tàng tư nhân, nơi lưu giữ những ký ức hào hùng của cha ông. "Chúng tôi sẽ cùng gia đình gìn giữ và bảo tồn để những giá trị không bị mai một theo thời gian. Nếu gia đình có nguyện vọng hỗ trợ, chúng tôi sẵn sàng tiếp nhận và giải quyết", nữ phó chủ tịch phường nói.
Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/vo-bom-sung-dan-bao-tang-tu-nhan-2043679.html
Copy Link
https://vietnamnet.vn/vo-bom-sung-dan-bao-tang-tu-nhan-2043679.html
    Nổi bật Việt Báo
    Đừng bỏ lỡ
    Người thừa kế bảo quản 3.000 hiện vật thời chiến ở bảo tàng tư nhân
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO