Hang Sơn Đoòng nổi tiếng khắp năm châu và là điểm đến hấp dẫn với du khách ưa thích khám phá thiên nhiên, du lịch mạo hiểm. Bên cạnh sự kỳ vỹ, hoang sơ của hang động lớn nhất thế giới, câu chuyện về người tìm ra Sơn Đoòng cũng hết sức thú vị.
Người đầu tiên tìm ra hang Sơn Đoòng là ông Hồ Khanh (SN 1969), trú xã Sơn Trạch (nay là thị trấn Phong Nha), huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Ông Khanh từng là thợ rừng, còn bây giờ là chủ của một cơ sở du lịch bên bờ sông Son.
Ông Khanh mồ côi cha từ khi 13 tuổi, gia đình nghèo khó, đông anh em nên chỉ học hết lớp 6. Năm 18 tuổi, cùng với bao thanh niên vùng quê nghèo ấy, ông Khanh bắt đầu đi rừng, tìm kiếm trầm hương, rong ruổi mưu sinh khắp các vùng của Phong Nha - Kẻ Bàng.
Theo ông Khanh, trong những chuyến đi xuyên rừng dài ngày, các hang động chính là nơi trú ẩn thích hợp nhất cho thợ rừng, đây cũng là lý do mà ông biết đến rất nhiều hang động ở Phong Nha - Kẻ Bàng.
Ông Khanh đặt chân đến hang động lớn nhất thế giới cũng là cơ duyên. Trong chuyến đi tìm trầm hương vào cuối năm 1990, ông Khanh gặp trận mưa lớn nên đã tìm đến một vòm hang đá để trú ẩn.
"Vòm hang này khá lớn, tôi định vào trong trú mưa, nhưng khi đến cửa hang thì gặp một luồng gió mạnh thổi liên tục từ trong ra khiến tôi sợ hãi. Tôi không dám vào mà chỉ nép bên vách đá, chờ mưa tạnh rồi đi tiếp. Đây là lần đầu tiên tôi đặt chân đến cửa hang này và cũng không để tâm nhiều, mà tiếp tục hành trình mưu sinh", ông Hồ Khanh nhớ lại.
Năm 1993, khi Phong Nha - Kẻ Bàng trở thành khu bảo tồn thiên nhiên, nhờ sự tuyên truyền vận động của Nhà nước, nhiều người dân xã Sơn Trạch, trong đó có ông Hồ Khanh dần từ bỏ nghề đi rừng.
Tuy nhiên với kinh nghiệm đi rừng, những người như ông Khanh rất thông thuộc và biết nhiều điều bí ẩn từ núi rừng Phong Nha - Kẻ Bàng, nhờ vậy họ đã giúp đỡ rất nhiều cho công tác thám hiểm, nghiên cứu của các chuyên gia hang động.
Riêng với đoàn thám hiểm của Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh, rất nhiều lần sang Việt Nam và thực hiện các chuyến thám hiểm ở Phong Nha - Kẻ Bàng, họ đều nhờ ông Khanh dẫn đường.
Với sự giúp đỡ vô tư, tận tình của những người dân địa phương, trong đó có ông Khanh, các chuyên gia hang động đã gặt hái được rất nhiều thành công, tìm và khám phá ra nhiều hang động mới.
Trong những lần hỗ trợ các chuyên gia, câu chuyện về hang động bí ẩn, nơi mình từng trú mưa đã không ít lần được ông Khanh nhắc đến. Thế nhưng giữa núi rừng bạt ngàn, ông không thể nhớ được vị trí chính xác của hang động này.
Vào năm 2007, đoàn thám hiểm của Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh tiến hành đợt tìm kiếm mới tại Phong Nha - Kẻ Bàng, các chuyên gia với sự hỗ trợ của ông Hồ Khanh đã cố gắng đi tìm hang động bí ẩn mà ông nhắc đến, nhưng không có kết quả.
Thời điểm ấy, khi quan sát hiện tượng tự nhiên khu vực xung quanh, chính ông Howard Limbert, Trưởng đoàn thám hiểm của Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh cũng khẳng định với ông Hồ Khanh rằng, khu vực này nhất định phải có một hang lớn.
Trước khi về nước, ông Howard Limbert đã nhắn nhủ ông Hồ Khanh cố gắng nhớ và tìm bằng được hang động bí ẩn đó. Được đặt niềm tin, giữa năm 2008, một mình ông Khanh lại khăn gói vào rừng. Những nỗ lực của người thợ rừng năm nào đã được đền đáp sau một ngày một đêm lầm lũi trong rừng sâu, ông Hồ Khanh đã tìm lại được hang động bí ẩn trong niềm vui vỡ òa.
"Được các chuyên gia thám hiểm giải thích gió lùa từ bên trong hang là hiện tượng tự nhiên, tôi không còn sợ như trước, vội men theo cửa hang tiến vào trong nhưng cũng không thể vào sâu. Tôi đã quan sát, đánh dấu rất kỹ càng trước lúc về để có thể tìm đường trở lại", ông Hồ Khanh cho hay.
Đầu năm 2009, các chuyên gia của Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh trở lại Việt Nam, ông Hồ Khanh đã vui mừng báo tin đến với các chuyên gia hang động, ai cũng hào hứng và muốn lên đường ngay.
Với sự hỗ trợ của ông Hồ Khanh, các chuyên gia đến từ Anh đã lập đoàn, phối hợp với Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng thực hiện chuyến thám hiểm tiến vào hang động bí ẩn.
Ngày 7/4/2009, đoàn đã bước chân vào hang, đây cũng là lần đầu tiên ông Hồ Khanh vào sâu bên trong vì trước đó không có thiết bị an toàn, trong khi lối xuống cửa hang có dốc cao đến 50m.
Trong lần thám hiểm này, cùng với các kết quả đo vẽ bằng thiết bị laze, các nhà thám hiểm xác định đây là hang động tự nhiên lớn nhất thế giới. Ông Hồ Khanh cùng các thành viên đoàn thám hiểm bàn bạc và đặt tên hang là Sơn Đoòng (Sơn là núi, Đoòng là tên của thung lũng nơi có suối Rào Thương chảy qua).
Tháng 4/2009 cũng là lần đầu tiên hang Sơn Đoòng được Đoàn thám hiểm Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh công bố trước báo giới tại Quảng Bình. Ông Howard Limbert khẳng định, Sơn Đoòng là hang động lớn nhất thế giới, với chiều rộng lên đến 250m, chiều cao có nơi hơn 150m.
Đến năm 2013, tour mạo hiểm khám phá hang Sơn Đoòng đã được đưa vào khai thác, ông Hồ Khanh trở thành porter (người khuân vác), đưa các đoàn khách, đoàn làm phim, hãng thông tấn nước ngoài thám hiểm hang động lớn nhất thế giới.
Hiện tại, ông Hồ Khanh là đội trưởng, quản lý một đội porter của công ty khai thác du lịch gồm 125 người, toàn bộ là dân địa phương. Mỗi năm, ông cũng dành thời gian 1-2 lần cùng đoàn thám hiểm của Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh tiến hành khám phá, tìm kiếm hang động mới.
Với những cống hiến và đóng góp trong công tác thám hiểm hang động cho Di sản Thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, ông Hồ Khanh đã 2 lần được UBND tỉnh Quảng Bình tặng Bằng khen. Đặc biệt, ông cùng với nhà thám hiểm hang động Howard Limbert được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.
Ông Howard Limbert, Trưởng đoàn thám hiểm của Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh nhấn mạnh, từ năm 1990 cho đến nay, chính những người dân địa phương như ông Hồ Khanh đã giúp đỡ các chuyên gia hang động rất nhiều.
Nếu không có người dân địa phương, các chuyên gia sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong công tác khám phá và tìm kiếm các hang động mới, đặc biệt phải kể đến kỳ tích tìm ra hang Sơn Đoòng của ông Hồ Khanh.
Chính sự nhiệt tình, giúp đỡ không biết mệt mỏi của người dân địa phương đã tạo động lực để các chuyên gia hang động tiếp tục băng rừng, lội suối, vượt khó khăn, hiểm nguy để tìm kiếm những kỳ quan mới, bồi đắp thêm giá trị cho di sản Phong Nha - Kẻ Bàng.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Hoàng Hải Vân, Phó Giám đốc Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng cũng cho biết, việc tìm ra hang Sơn Đoòng thực sự là một sự kiện đặc biệt quan trọng, trong đó không thể không nhắc đến ông Hồ Khanh, người đầu tiên phát hiện và sau đó góp phần cùng với Hiệp Hội Hang động Hoàng gia Anh và Công ty Oxalis đưa hang động này đến với thế giới.
"Phong Nha - Kẻ Bàng nổi danh thế giới bởi hệ thống hang động khác biệt, đến nay, đã có hơn 400 hang động được tìm thấy qua các chuyến khảo sát, khám phá. Đây là điều kiện tiên quyết để hàng loạt các sản phẩm du lịch mang đẳng cấp khu vực và quốc tế ra đời như khám phá hang Én, hang Va, hang Hổ-Over-Pygmy, Hố Sụt Kong, … đặc biệt là sản phẩm du lịch Chinh phục Sơn Đoòng Hang động lớn nhất thế giới", ông Vân nhấn mạnh.
Tháng 7/2003, Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới với tiêu chí giá trị ngoại hạng toàn cầu về địa chất, địa mạo.
Tiếp đến, tháng 7/2015, Phong Nha - Kẻ Bàng được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới lần thứ 2 với tiêu chí các giá trị nổi bật đại diện cho các tiến trình tiến hóa và phát triển của các hệ sinh thái trên cạn, sở hữu môi trường sống tự nhiên có ý nghĩa nhất đối với việc bảo tồn đa dạng sinh học.
Theo Ban Quản lý Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, tính đến nay, các chuyên gia đã khảo sát, phát hiện 425 hang động thuộc 7 hệ thống hang khác nhau tại Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.