Người phụ nữ Hà Nội mắc bệnh phong sau 3 năm ủ bệnh

Phương Linh| 05/12/2020 06:05

Việt BáoBệnh viện Da liễu Trung ương vừa tiếp nhận và điều trị cho nữ bệnh nhân nữ, 47 tuổi bị bệnh phong.

Người bệnh cho biết, chị có tiền sử khỏe mạnh, sống tại Hà Nội, trong gia đình, khu vực xung quanh không có bệnh nhân phong. Chị cũng không di chuyển đến vùng dịch tễ bệnh phong.

Ba năm trước, chị bị khởi phát với ban đỏ, ngứa ở bàn tay hai bên kèm dát đỏ ở mặt, tăng nhạy cảm với ánh sáng, rụng tóc, đau khớp gối và khớp cổ chân. Chị đi khám ở một bệnh viện và được bác sĩ chẩn đoán lupus ban đỏ hệ thống, kết quả xét nghiệm miễn dịch âm tính. Tại đây, chị được điều trị bằng Medrol (liều gần nhất 16mg/ngày), HCQ 400mg/ngày và Neoral không rõ liều trong vòng 3 năm. Tuy nhiên, bệnh tiến triển từng đợt.

Đầu ngón chân người bệnh bị cắt cụt. Ảnh: BVCC.

Một năm trước, bệnh nhân có hoại tử đầu ngón hai bàn chân phải, được điều trị cắt cụt.

3 tháng gần đây, bệnh nhân xuất hiện tổn thương dạng cục ở vùng cẳng tay, cẳng chân và thân mình, tổn thương đỏ, ấn đau, một số mất đi để lại dát thâm, kèm sốt. Chị đến Bệnh viện Da liễu Trung ương khám.

Kết quả thăm khám lâm sàng, các bác sĩ ghi nhận, bệnh nhân có tổn thương dạng hồng ban nút; phù nề nhẹ 1/3 dưới cẳng chân phải, ấn đau; da mỏng, giãn mạch do tác dụng phụ của của corticoid; mất đốt xa ngón 2 bàn chân phải...

Làn da sần sùi, thâm đen của người bị bệnh phong. Ảnh: BVCC.

Qua khai thác lâm sàng, bác sĩ hướng đến các chẩn đoán, mycosis fungoides, hồng ban nút, bệnh phong, cơn phản ứng phong loại 1 hoặc loại 2. Cuối cùng, bệnh nhân được chẩn đoán phong thể LL-cơn phản ứng phong loại 2 có nhiều điểm phù hợp nhất.

Bệnh nhân được điều trị theo phác đồ phong thể nhiều vi khuẩn gồm Rifampicin, Clofazimin, DDS và Methylprednisolon 16mg.

Theo dõi điều trị sau 10 ngày, bệnh nhân có đáp ứng tốt, không sốt, cơ năng hết đau, hầu hết tổn thương hết đỏ, trở thành dát tăng sắc tố.

Bệnh phong là một bệnh truyền nhiễm mạn tính do vi khuẩn Mycobacterium leprae gây ra, chủ yếu biểu hiện ở ngoài da và hệ thống thần kinh ngoại biên. Bệnh này trước đây được xem là bệnh nan y và khiến nhiều người khiếp sợ.

Mặc dù đã được công bố loại bỏ vào năm 2000, các ca bệnh mới vẫn được phát hiện với những triệu chứng lâm sàng, xét nghiệm và mô bệnh học biến đổi, đặt ra thách thức lớn trong chẩn đoán bệnh.

Cơ chế lây nhiễm của bệnh phong chủ yếu qua tiếp xúc. Tuy nhiên, nếu người bệnh đã bắt đầu điều trị thì khả năng truyền bệnh của họ giảm tới 99%. Tỷ lệ lây giữa vợ chồng chỉ là 2-3%. Bệnh không di truyền và có thể chữa khỏi.

Theo TS.BS Nguyễn Hữu Quang – Phó Trưởng khoa phẫu thuật thẩm mĩ và phục hồi chức năng, bệnh viện Da Liễu Trung ương, Việt Nam đã thực hiện chương trình chống phong quốc gia rất tốt. Hiện nay có rất nhiều loại thuốc điều trị bệnh phong rất hiệu quả, do đó tỷ lệ mắc phong tại Việt nam hiện nay thấp, do đó, đã có sự chủ quan.

Nhiều trường hợp mắc bệnh phong bị chẩn đoán muộn, để lại di chứng tàn tật nguy hiểm cho bệnh nhân và có thể tạo thành các ổ bệnh nguy hiểm trong cộng đồng. Bác sĩ Quang cảnh báo, không được mất cảnh giác với bệnh phong. Khi nghi ngờ có bệnh nhân mắc bệnh cần chuyển tới các cơ sở y tế chuyên khoa để thăm khám và làm các xét nghiệm chẩn đoán.


Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Người phụ nữ Hà Nội mắc bệnh phong sau 3 năm ủ bệnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO