'Mình cũng không muốn làm khổ người khác mà!'
Mọi vấn đề người khác nhìn vào thì thấy nhỏ tí, nhưng qua góc nhìn của 'hội' overthinking đều trở nên nghiêm trọng. "Chỉ một vài hành động nhỏ, hay lời nói bông đùa thôi cũng làm hiện lên trong đầu mình hàng ngàn hàng vạn câu hỏi vì sao, liệu có phải người yêu mình hết yêu mình rồi không, hay mình làm sai điều gì rồi chăng,... Nhiều khi người yêu, bạn bè hay bất kì ai khi nói chuyện với mình họ chẳng có ý gì đâu nhưng tự mình cứ suy nghĩ nhiều rồi cũng tự mình dằn vặt mình.
Rồi cứ thế bạn bè cũng dè dặt hơn, người yêu thì lấy lí do là quá mệt mỏi nên đã đề nghị chia tay, overthinking đối với mình thật sự là một căn bệnh. Nó chính xác là một 'bức tường cao' ngăn cách mình với các mối quan hệ xã hội. Thùy Dung (25 tuổi) chia sẻ.
Hay tự dày vò mình vì những lời nói của người khác, Thanh Thủy (22 tuổi): "Suy nghĩ quá mức đã làm khổ mình rất nhiều, kể cả trong chuyện tình yêu hay giao tiếp với bạn bè hàng ngày. Mình cũng có một mỗi tình 3 năm, những năm đầu mọi chuyện rất bình thường cho đến 1 năm trở lại đây, vì áp lực công việc và gia đình khiến mình rơi vào 'căn bệnh' overthinking này. Mình bắt đầu tự suy nghĩ sâu xa về nhiều vấn đề, mình luôn tiêu cực, vô tình mình cũng truyền năng lượng xấu này cho bạn trai của mình. Dù anh luôn tìm mọi cách để cứu mình ra khỏi đống tiêu cực này nhưng không thể.
Vô tình lướt Tiktok mình thấy cũng có rất nhiều bạn mắc chứng overthinking giống mình, tưởng như mình sẽ được thông cảm và thấu hiểu nhưng không. Hầu hết các bình luận đều cho rằng 'Đã overthinking thì xin đừng yêu ai; làm khổ người khác; Sao cứ phải suy nghĩ nhiều làm gì rồi tạo luôn cả áp lực cho người thương mình,...' và nhiều bình luận khác đồng quan điểm rằng overthinking như mình không xứng đáng được yêu. Mình một lần nữa bị rơi vào vực thẳm và muốn đẩy anh người yêu mình đi ra xa hơn. Thật sự thì mình cũng không muốn làm khổ người khác mà."
Overthinking thật ra chỉ là thiếu cảm giác an toàn
Thật ra, đối với người bị overthinking, cảm giác an toàn luôn là yếu tố ưu tiên số một. Chỉ khi mang đến cho người ấy sự an tâm, mới có thể gạt bớt suy nghĩ tiêu cực và có phần vớ vẩn.
"Người yêu mình cũng mắc chứng overthingking, thấy trên mạng hay nói mấy câu overthinking đừng yêu này kia mình thấy cũng khó chịu lắm. Thật ra với người overthinking, mình cần phải đối xử đặc biệt hơn một chút.
Để cho bạn ấy có cảm giác an toàn, bớt nghĩ, bớt suy, mình để tâm nhiều hơn, chia sẻ, lắng nghe, động viên bạn nhiều hơn là được. Quan trọng nhất là dịu dàng đúng lúc, vừa đủ, tuyệt đối không thêm dầu vào lửa khi cãi nhau", Đình Bảo (24 tuổi) chia sẻ.
Có lẽ, đã không ít lần, anh bạn Đình Bảo phải "bất lực" trước trước cô người yêu overthinking của mình. Nhưng nếu trong lòng bạn thực sự yêu họ thì overthinking sẽ không phải là một khuyết điểm, nhỉ?
"Với mình, overthinking không phải là một chướng ngại vật trong tình yêu. Điều này càng làm mình hiểu rõ tình yêu mà mình dành cho người ấy là thế nào. Các bạn nữ bị suy nghĩ quá mức giống người yêu mình cũng không cần vì những lời nói trên mạng mà cố đẩy bạn nam ra xa hơn. Nhiều khi nhờ có tình cảm mà bạn mới thôi được những suy nghĩ tiêu cực đấy, cố gắng tin tưởng chàng trai của bạn nhé.", Bảo nói thêm.
Người bị overthinking cũng xứng đáng được yêu và cảm thông
Theo chuyên gia tâm lý Phạm Thị Thảo Nguyên "Overthinking thường bắt nguồn từ các kỳ vọng của chúng ta về cuộc sống và khả năng chấp nhận rủi ro. Bản thân mỗi người đều hướng tới cuộc sống tốt đẹp hơn, một cuộc sống mà các nhu cầu quan trọng của chúng ta như sinh tồn, an toàn, được yêu thương, thấu hiểu được bản thân, chứng tỏ bản thân… được đáp ứng
Bắt nguồn từ tâm lí nên những người bị overthinking cần nhận được sự cảm thông và quan tâm thay gì miệt thị, nếu bị miệt thị quá nhiều sẽ làm cho tình trạng trở nên nặng hơn. Vậy nên, chỉ cần cho họ cảm giác an toàn, lắng nghe những chia sẻ của họ, thì mọi thứ sẽ dễ dàng giải quyết hơn rất nhiều.