Kazuki Saito (40 tuổi, không phải tên thật) làm việc trong ngành bất động sản ở Nhật Bản. Thu nhập của anh là khoảng 6 triệu yen (58.140 USD)/năm, chưa kể tiền thưởng và các phúc lợi khác.
Để có được mức lương đó, Saito phải làm thêm ngoài giờ 80 tiếng/tháng. Tuy nhiên, từ khi dịch COVID-19 bùng phát, anh dù muốn cũng chẳng còn có thể tăng ca như trước. Hiện, anh làm việc tại nhà, không có tiền làm ngoài giờ và thu nhập chỉ còn khoảng 4 triệu yen (38.760 USD).
"Thu nhập giảm, khoản vay mua nhà, tiền học phí của các con mà tôi phải đối mặt vẫn còn đó", Saito chia sẻ.
Có một điều đáng kinh ngạc là khoảng 92% người Nhật Bản tự nhận mình thuộc tầng lớp trung lưu, theo báo cáo Bộ Lao động Nhật Bản công bố vào năm 2019. Điều này dường như mâu thuẫn với thực tế là gần 40% lực lượng lao động nước này làm việc bán thời gian hoặc tạm thời, nghĩa là họ kiếm được ít hơn và dễ bị sa thải hơn nhân viên bình thường.
Tuy nhiên, theo Japan Times dù tỷ lệ tầng lớp trung lưu Nhật Bản là bao nhiêu, con số đó cũng đang giảm dần.
Theo số liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, tỷ lệ người nghèo ở Nhật Bản là 15,7%. Chỉ số này đề cập đến những người có thu nhập hộ gia đình thấp hơn một nửa mức trung bình của toàn bộ dân số.
"Tầng lớp trung lưu đang dần biến mất ở Nhật Bản", nhà kinh tế học Shigeto Nagai nhận định trên CNBC.
Không chỉ do dịch bệnh, tình trạng này còn đến từ việc gia tăng lượng lao động bán thời gian ở xứ anh đào. Các công ty Nhật Bản đã bắt đầu chuyển từ việc sử dụng nhân viên chính thức - người có thể được hưởng chế độ làm việc trọn đời tương đối đặc quyền - sang lao động bán thời gian.
Theo dữ liệu từ cơ quan thống kê Nhật Bản, số lượng nhân viên bán thời gian tăng 2,1% trong năm 2019. Con số này cao hơn nhiều so với mức tăng 0,5% ở nhân viên toàn thời gian.
Minan Hirakawa (38 tuổi) bước vào năm 2020 với tinh thần phấn chấn. Chồng cô làm trong ngành tài chính và kiếm được 7 triệu yen một năm. Tương lai có vẻ tươi sáng, cô quyết định cho con gái học trường tư thục.
Nhưng rồi COVID-19 ập đến, thu nhập của người chồng giảm xuống còn 5,5 triệu yen và tiền học cho năm đầu tiên của con là 850.000 yen. Hirakawa quyết định đánh cược, vẫn cho con đi học theo kế hoạch ban đầu.
Hai vợ chồng bắt đầu tiết kiệm bằng cách chuyển đến một căn hộ nhỏ hơn, cũ hơn, giảm tiền thuê nhà từ 90.000 yen/tháng xuống còn 60.000. Họ cũng bán những món đồ quý giá của mình ở chợ trời: bộ đánh golf, túi xách hàng hiệu.
Bà nội trợ 8 năm Hirakawa còn quyết tâm quay trở lại làm việc. Cô tìm được một công việc trong nhà máy chế biến thực phẩm gần khu phố. Không có kỹ năng và thiếu kinh nghiệm, cô thường xuyên mắc lỗi.
“Gần đây, tôi chỉ có thể ở bên con gái mình vài giờ mỗi ngày. Hy vọng khi dịch bệnh kết thúc, mọi thứ sẽ tốt hơn", cô nói với Spa.