Công an TP.Huế cho biết, tình trạnh tội phạm hoạt động trên không gian mạng Internet ngày càng tinh vi, xảo quyệt, với nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau.
Trong đó, đặc biệt nổi lên thủ đoạn cho vay online, các đối tượng giả danh nhân viên các công ty tài chính, nhân viên ngân hàng cho vay tín chấp với lãi suất ưu đãi nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Với những thủ đoạn tinh vi, các đối tượng lừa đảo thường lên mạng Internet tìm kiếm, kết bạn với bị hại thông qua mạng xã hội Zalo, Facebook hoặc gọi điện thoại trực tiếp tự xưng là nhân viên tài chính hỗ trợ vay vốn.
Đánh vào tâm lý người dân, các đối tượng đã đưa ra những chính sách vay vốn ưu đãi với lãi suất thấp nhằm lôi kéo, thu hút người vay. Để cho các bị hại tin tưởng, các đối tượng thường giới thiệu là nhân viên công ty tài chính, ngân hàng có uy tín nhằm tạo lòng tin của bị hại khi vay.
Điển hình như Anh Phạm Văn H (SN 1986, trú tại phường Vỹ Dạ, TP Huế). Có người kết bạn với anh H thông qua Zalo, giới thiệu là nhân viên tài chính Tín Nhất liên kết với ngân hàng Vietcombank cho vay tín chấp với lãi suất thấp.
Trong khi anh H đang cần vay tiền gấp và gặp ngay nhân viên ngân hàng hướng dẫn nhiệt tình, lãi suất vay thấp. Anh H không một chút do dự đăng ký vay 30 triệu, với lãi suất rất ưu đãi mỗi tháng trả cả gốc và lãi chia đều 2,6 triệu trong vòng 12 tháng.
Sau khi anh H được đối tượng hướng dẫn truy cập vào trang web có tên là “wap.tpmoney.xyz” đăng ký thông tin vay. Đối tượng thông báo hồ sơ vay đã được chấp thuận. Lúc này trong tài khoản anh H đã có 30 triệu nhưng đang đóng băng, yêu cầu anh H nộp “phí xác thực tài khoản” là 03 triệu để giải ngân khoản vay. Tiền phí sẽ hoàn lại cho anh H sau khi xác thực tài khoản.
Do thiếu tinh thần cảnh giác với tội phạm, anh H đã chuyển 3 triệu vào một tài khoản theo hướng dẫn của đối tượng này.
Chưa dừng lại, đối tượng tiếp tục thông báo, quá trình xác thực tài khoản gặp lỗi xác thực thông tin tài khoản, yêu cầu anh H chuyển thêm 03 triệu. Sau 02 lần chuyển khoản, đối tượng tiếp tục lấy lý do để xác nhận mã giao dịch yêu cầu anh H chuyển thêm 7,2 triệu đồng. Kẻ lừa đảo tiếp tục lấy nhiều lý do khác yêu cầu anh H chuyển thêm 8,6 triệu đồng. Anh H không đồng ý và ra ngân hàng Vietcombank để hỏi thì phát hiện bị lừa nên trình báo Công an. Tổng số tiền anh H đã chuyển cho đối tượng là 13,2 triệu đồng.
Tương tự, ngày 01/9/2021, chị Hồ Thị B (SN 1997, trú tại phường Phú Hậu, TP.Huế) trình báo với cơ quan Công an, có một người tự xưng là nhân viên ngân hàng Nhất Tín liên kết với Vietcombank gọi điện thoại cho vay tín chấp với giá ưu đãi. Chị đã đăng ký vay 30 triệu đồng, sau khi đăng ký đầy đủ thông tin để vay theo hướng dẫn.
Người này thông báo hồ sơ vay đã được chấp thuận nhưng do số tài khoản của chị B bị sai nên không giải ngân khoản vay được. Yêu cầu chị B chuyển khoản chuyển 06 triệu đồng vào một tài khoản người này hướng dẫn để xác thực tài khoản.
Chị B đã chuyển 06 triệu đồng nhưng người này thông báo vẫn chưa xác thực được tài khoản tiếp tục yêu cầu chị chuyển thêm 06 triệu. Mặc dù rất khó khăn nhưng vì đã lỡ nộp hồ sơ nên chị cố gắng vay mượn người thân nộp thêm cho đối tượng 06 triệu đồng.
Tổng số tiền chị chị chuyển cho đối tượng là 12 triệu đồng nhưng để rồi “tiền mất, tật mang” bị đối tượng chiếm đoạt 12 triệu đồng.
Thủ đoạn của các đối tượng là sau khi bị hại đồng ý vay, chúng hướng dẫn nạn nhân nhiều thao tác đăng ký thông tin vay vốn gồm chứng minh nhân dân, hộ khẩu, số điện thoại, tài khoản ngân hàng.... Mục đích làm cho bị hại tin tưởng hồ sơ vay đang được thực hiện.
Sau đó, chúng yêu cầu bị hại nộp một khoản tiền để chứng minh số tài khoản đăng ký nhận tiền giải ngân là đúng với thông tin của bị hại. Số tiền phí này đối tượng giải thích sẽ hoàn lại cho bị hại ngay sau khi được giải ngân nhằm tăng lòng tin của bị hại khi chuyển tiền cho đối tượng.
Sau lần thứ nhất chiếm đoạt tài sản, đối tượng tìm cách lấy nhiều lý do khác nhau yêu cầu bị hại nộp thêm tiền như lý do số tài khoản của bị hại có sai sót, thông tin tài khoản bị hại không khớp, tiền nộp vào liên quan đến hoạt động đánh bạc, phạm pháp... cần phải nộp thêm để chứng minh.
Nếu bị hại không nộp thêm phí thì sẽ mất phí đã nộp xác thực tài khoản trước đó. Nhiều bị hại một phần mong muốn được vay và sót tiền đã nộp “đâm lao phải theo lao” nên vay mượn người thân để nộp tiền cho đối tượng.