Nguyên mẫu Burlak với khung gầm T-72B
Burlak (đặt theo tên tàu kéo trên sông nổi tiếng của Nga trước thế kỷ 20) là một chương trình kéo dài từ năm 2005-2009 của phòng thiết kế KBTM ở Omsk, có nhiệm vụ phát triển một tháp pháo chiến đấu hiện đại cho hai người (chỉ huy và xạ thủ) dạng mô-đun, có thể sử dụng trên nhiều khung gầm xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT), bao gồm các dòng T-72, T-80 và T-90, nhằm thay thế các MBT thời Liên Xô vào năm 2025.
Nó là kết quả của một cuộc thi giữa KBTM Omsk và Uralvagonzavod (UVZ) và KBTM Omsk đã giành chiến thắng nhờ ước tính chi phí thấp hơn; sử dụng nhiều kinh nghiệm từ các chương trình phát triển trước đó (đáng chú ý nhất là từ xe tăng mang mật danh Đại bàng đen); vào thời điểm đó, KBTM Omsk đang trong tình trạng khó khăn về tài chính và chương trình này thực sự là một khoản trợ cấp của chính phủ để duy trì hoạt động.
Tháp pháo thống nhất đã được phát triển, bao gồm một cơ cấu nạp đạn tự động mới cho pháo chính từ một giá đạn nằm trong tháp (dòng T-72/90 và T-64/80 không có cơ cấu nạp đạn giống nhau, thiết kế này sẽ khắc phục điều đó, loại bỏ nhu cầu sản xuất phụ tùng thay thế và bảo trì cùng lúc hai loại hệ thống khác nhau). Hình thức tháp pháo cơ bản giống với T-90A, chỉ khác là có một khung lớn với các tấm giáp phản ứng nổ (explosive reactive armour - ERA), được đặt khác với thiết kế Kontakt-5 thông thường của Nga.
Các tấm ERA nhô ra ngoài tháp pháo từ dưới lên trên thay vì từ trên xuống dưới, tạo ra một cái nhìn rất đặc biệt mà khó có thể nhầm lẫn với bất kỳ thiết kế nào khác. Bộ giáp này cũng có tính mô-đun cao và dễ thay thế trong chiến đấu, hoặc thậm chí nâng cấp lên các thiết kế ERA hiệu quả hơn sẽ ra mắt trong tương lai. ERA được cài đặt là một hệ thống có tên Kaktus. Tháp pháo sẽ được chia thành ba ngăn riêng biệt (cho pháo, chỉ huy và pháo thủ), nâng khả năng bảo vệ mà không tăng bất kỳ kích thước nào và với sự gia tăng khối lượng tối thiểu.
Các biện pháp bảo vệ bổ sung bao gồm tùy chọn lắp đặt Hệ thống bảo vệ tích cực (APS) tiêu diệt cứng Shtandart từ Object 195 và hệ thống phóng lựu khói. Cơ cấu nạp tự động nằm bên ngoài khoang chiến đấu; các vụ cháy hoặc nổ đạn nào cũng không khiến hư hại phần bên trong xe hoặc khiến tổ lái gặp rủi ro. Toàn bộ các cơ cấu được đặt trong tháp pháo để đảm bảo tháp pháo có thể được sử dụng trên nhiều loại thân xe.
Tháp pháo dự định được trang bị pháo nòng trơn 125 mm 2A46M-5 (cùng loại được sử dụng trên T-90A sau năm 2005) và được thiết kế để gắn các thiết bị quang học hiện đại (cũng đến từ T-90MS hoặc thậm chí T- 80BVM); súng phòng không Kord 12,7 mm được điều khiển từ xa nằm ở phía bên phải tháp pháo. Chỉ huy có một hệ thống quan sát toàn cảnh theo ý của mình. Thiết kế này đã được đè xuất từ năm 2008-2009 và sự xuất hiện của tháp pháo đã gây ra khá nhiều chấn động vào thời điểm đó, đặc biệt là ở Ukraine, nơi nhiều chuyên gia lớn tiếng cáo buộc Nga sao chép giáp mô-đun từ BM Oplot.
T-90A Burlak có một giá đỡ với hai loại đạn đặc biệt, nơi cả hai viên đều có bộ hẹn giờ nạp đạn riêng biệt. Về khả năng di chuyển và các thông số khác, T-90A Burlak sẽ hoạt động gần giống như T-90A tiêu chuẩn. Với trọng lượng 49,5 tấn (đây là một yêu cầu cực kỳ quan trọng do những hạn chế của máy bay vận tải Nga), nó sẽ được trang bị động cơ 1.130 mã lực và tốc độ tối đa đạt 65 km/h.
Ít nhất một nguyên mẫu đã được chế tạo và thử nghiệm trên khung gầm T-72B vào năm 2008 hoặc 2009, mặc dù có sự khác biệt đáng kể so với các bản vẽ và bằng sáng chế trước đó. Vào thời điểm đó, Văn phòng thiết kế Omsk, đối mặt với những khó khăn tài chính lâu dài, cuối cùng được hợp nhất vào UVZ. UVZ có sẵn hai dự án cạnh tranh ít nhiều cùng một lúc - chương trình Burlak và các biến thể của riêng nó của T-90M Proryv-2, cụ thể là T-90MS. Trong hoàn cảnh đó, dự án Burlak không được coi là khả thi; cuối năm 2009, chương trình bị dừng.
Ứng viên thay thế T-14 Armata?
Tháng 6/2015, Chính phủ Nga đã công bố Armata được thiết kế để thay thế các xe tăng T-72B3 và T-80 cũ hơn trong trang bị của Lực lượng mặt đất Nga. Moscow lên kế hoạch chế tạo 2.300 xe Armata vào năm 2020, đủ cho khoảng 8 sư đoàn xe tăng và bộ binh cơ giới. Được trang bị động cơ mới, giáp phản ứng kép, tiết diện radar thấp hơn và hệ thống phòng thủ chủ động Afghanit, NATO coi Armata là một mối đe dọa mới đáng gờm.
Nhưng bất chấp nhiều nỗ lực, dự án Armata gặp khó khăn về tài chính và công nghệ khiến quá trình phát triển chậm lại. Ngày nay, Quân đội Nga chưa có xe tăng Armata, việc giao hàng được hứa hẹn vào cuối năm nay. Một blog quân sự của Nga gần đây đã phát hiện ra thiết kế xe tăng mang mật danh Burlak, dường như đã thua Armata vào cuối những năm 2000, sẽ là là một phương án thỏa hiệp thú vị giúp tận dụng kho xe tăng cũ và công nghệ xe tăng hiện có để Nga có được một phương tiện tốt gần như Armata.
Xe tăng T-80 được coi là một thất bại, vì động cơ điện tuabin khí của nó không đáng tin cậy, nhưng Nga đã chế tạo khoảng 3.000 chiếc T-80, và hàng trăm chiếc (nếu không phải là hàng nghìn chiếc) trong số đó vẫn đang được dự trữ trên khắp đất nước. Một tổ hợp động lực mới và đang được tân trang lại có thể trở thành một ngôi nhà khang trang cho tháp pháo Burlak. Liệu Burlak có thể thay thế Armata trong các sư đoàn xe tăng Nga?
Một đặc điểm khiến Burlak có giá cả phải chăng hơn và dễ sản xuất hơn so với Armata là việc nó sử dụng khung xe tăng T-80. Burlak cũng được trang bị vũ khí mạnh, và chi phí thấp hơn và giảm thiểu rủi ro chắc chắn khiến nó trở nên hấp dẫn. Và mặc dù Burlak sẽ không có lớp bảo vệ thân xe như Armata, nhưng các tấm giáp phản ứng nổ và hệ thống bảo vệ chủ động Afghanit có thể giúp tạo nên sự khác biệt.
Điều đáng chú ý là sự xuất hiện của tháp pháo xe tăng đã trải qua một số thay đổi, điều này cho thấy chương trình Burlak đã nhận được một bước phát triển mới. Một chiếc xe tăng nâng cấp như vậy sẽ thiếu một số tính năng tiên tiến của T-14, nhưng chắc chắn nó sẽ có giá cả phải chăng hơn, trong khi Nga có thể nhanh chóng sản xuất hàng trăm chiếc. Việc sở hữu những chiếc xe tăng hiện đại hóa vẫn còn tốt có vẻ hấp dẫn hơn là mãi chờ đợi một vài chiếc T-14 tiên tiến hơn xuất hiện.
Theo Lê Ngọc
VOV