Mới đây, Chi cục Thủy lợi TPHCM vừa tiếp nhận văn bản đề nghị từ tiến sĩ Nguyễn Hoàng Điệp, Giám đốc Trung tâm Dịch thuật, Dịch vụ văn hóa và khoa học - công nghệ (CTCS), giảng viên thỉnh giảng cao cấp của 3 trường đại học và nguyên Phó Hiệu trưởng Viện Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người, về việc có một nhân vật có thể cầu mưa giúp miền Nam thoát cảnh hạn hán.
Người có khả năng "siêu nhiên" được ông Điệp giới thiệu tên Lê Minh Hoàng (SN 1967, ngụ huyện Mỹ Đức, Hà Nội).
Nên cho cơ hội thử nghiệm
Trong văn bản gửi Cục Thủy lợi TPHCM, tiến sĩ Điệp cho biết có gặp gỡ ông Hoàng 2 lần. Người đàn ông có khả năng "hô mưa, gọi gió" nhờ CTCS giới thiệu ông với lãnh đạo các tỉnh phía Nam tạo điều kiện trổ tài.
Ông Điệp dù chưa kiểm chứng được khả năng của ông Hoàng, nhưng ông rất xót xa khi hạn hán kéo dài làm mùa màng thất bát ở các tỉnh phía Nam.
Ông Điệp giới thiệu ông Hoàng với Chi cục Thủy lợi TPHCM, hy vọng người này có khả năng kỳ diệu gúp ích được đất nước.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Hoàng Điệp cho biết, Việt Nam và thế giới có rất nhiều người sở hữu năng lực đặc biệt, đến nay khoa học chưa kiểm chứng được. Vật lý lượng tử hiện làm đảo lộn toàn bộ các nghiên cứu vật lý trước đây.
Ví dụ, một người đàn ông tên Thế Trường ở nước ta gần 100 tuổi, bác sĩ chẩn đoán ông ta chết từ năm 1960 vì bị cắt gần hết dạ dày và phổi. Tuy nhiên, ông này luyện tập yoga và có khả năng ngồi vào chậu, hút nước từ hậu môn qua đại tràng.
Bên cạnh đó, ở Việt Nam có một nhà địa chất cầm cành cây đi trên đường. Nếu khu vực nào cành cây quay, khi đào xuống sẽ có mạch nước ngầm.
Ông Điệp tiếp tục dẫn chứng thời ông Donald Trump còn làm Tổng thống Mỹ, có một cơn bão dự báo đổ bộ vào bang Taxas. Lúc này, một nhà thờ đã rung chuông, hàng nghìn con chiên hướng não bộ vào tâm bão. Quả thật cơn bão không đổ bộ vào bang này.
Ông Điệp cho rằng khả năng của ông Hoàng chưa ai kiểm định. Ông không phủ định cũng không khẳng định ông Hoàng có khả năng "hô mưa, gọi gió", nhưng ông tin rằng con người có năng lực vô tận.
"Nhìn vào khoa học hiện tại phán xét sẽ không ổn. Tôi nghĩ nên để ông Hoàng có điều kiện phát huy hết khả năng để chứng minh sức mạnh của mình, thử nghiệm. Biết đâu ông cứu được hàng triệu nông dân ở miền Nam đang khốn khổ vì thiếu nước", tiến sĩ này nói.
Người "hô mưa, gọi gió" nói gì?
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Lê Minh Hoàng cho biết, ông khám phá ra năng lực siêu nhiên của bản thân từ những năm 2000-2004. Năng lực cầu mưa của ông đã được hàng triệu người ở các tỉnh thành chứng kiến và công nhận. Sau mỗi lần cầu mưa thành công, ông đều lấy sổ ghi chép lại.
"Năm 2015, tôi vào Lâm Đồng cầu mưa cho người dân tưới cà phê, lượng mưa đổ xuống hơn 100mm. Tôi cầu đến 7 trận tầm tã, ngập nương rẫy mới về quê. Năm 2019, tôi cầu mưa lớn ở Bến Tre. Các tỉnh khác, tôi cầu mưa không biết bao nhiêu lần", ông Hoàng nói.
Theo người đàn ông, việc cầu mưa nhờ vào khả năng cầu nguyện của ông. Ông đang theo một tôn giáo được pháp luật nước ta công nhận. Nhiều năm qua, ông đi cầu mưa một cách âm thầm, ít nói ai biết.
Nới đây, năm 2023, ông cho biết đã cầu nguyện cho các thủy điện trên cả nước không thiếu nước để phát điện cho người dân và đạt được ước nguyện.
"Tôi muốn các cơ quan chức năng phía Nam bảo hộ để tôi cầu mưa. Nếu làm tự phát, công an kiểm tra, tôi lại mang tiếng này kia. Tôi hy vọng khả năng của tôi được công nhận, có kinh phí tạo nên một lễ hội có sự lan tỏa", ông Hoàng nói.
Ông cho biết, nhiều người không tin khả năng của ông, bắt ông cầu mưa trong vòng 1 giờ. Tuy nhiên, ông khẳng định chỉ cầu mưa hiệu quả trong khoảng thời gian 11-17h. Có thời gian, ông cầu mưa 100 lần trong 4 ngày đều thành công 100%.
"Dân khu vực hạn hán mà đủ khao khát sẽ nhanh có mưa hơn. Tôi khẳng định, khả năng cầu mưa của tôi thành công trên 98%. Tôi đang đi nghiên cứu biến đổi khí hậu chứ không có nghề gì cụ thể", ông Hoàng chia sẻ.
Một nguồn tin cho biết Chi cục Thủy lợi TPHCM đã nhận được văn bản giới thiệu người có khả năng cầu mưa của tiến sĩ Nguyễn Hoàng Điệp và đang xem xét. Đơn vị này đang trao đổi với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM để có hướng triển khai trong thời gian tới.