Cần nhất vẫn là nước uống
Nhà báo Lương Thị Bích Ngọc sinh ra ở làng Lệ Sơn, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình. Thủa xưa, mỗi năm, làng chị bị lụt mấy lần. Có lúc, gia đình chị phải ngồi trên gác gỗ sát mái nhà, chờ hết 3 ngày nước mới rút.
Chị Ngọc chia sẻ: “Hồi tôi còn bé, đa số nhà trong làng thấp tè, bé xíu. Qua từng năm, chúng tôi đã chung sống cùng mưa bão, lũ lụt một cách bình tĩnh, kiên cường.
Lũ lụt bây giờ kinh hoàng hơn ngày trước vì thuỷ điện bất ngờ xả lũ, vì con người đã quen đầy đủ tiện nghi. Với kinh nghiệm của người vùng lũ, tôi xin phép đưa ra một số kinh nghiệm sống chung với lũ lụt”.
Chị Ngọc khuyên người dân vùng lũ lụt nên giữ vững tinh thần, tranh thủ nghỉ ngơi. Khi cả nhà phải ở cùng nhau trong hoàn cảnh không có điện, nước, phương tiện giải trí, liên lạc thì căng thẳng, cãi vã có thể xảy ra.
Để tránh điều này, người làng Lệ Sơn sẽ phân công việc cho mỗi thành viên trong gia đình. Phân công xong thì việc ai nấy làm. Trong hoàn cảnh lũ lụt bất thường, mọi người bớt cầu toàn và tránh chỉ trích nhau.
“Hồi bé, khi ngồi trên gác gỗ chạm mái nhà và chờ con nước xuống, tôi thường thấy ông bà nội kể chuyện đời xưa cho các cháu nghe. Còn bây giờ, đọc sách hoặc hát cho nhau nghe có lẽ cũng là cách hay.
Những lúc này, cần nhất là cho nhau năng lượng tích cực để cùng vượt qua khó khăn”, chị Ngọc chia sẻ.
Việc trữ nước uống vô cùng quan trọng. Khi còn điện, người dân nên đun thật nhiều nước, trữ vào bình. Cần trữ đủ nước uống cho cả nhà trong ít nhất 3 ngày. Nếu nhà có em bé thì phải trữ nước nóng để pha sữa.
Khi nước lũ đã tràn về, người dân đừng cuống cuồng tìm cách mua sắm mà hãy kiểm lại lương thực, thực phẩm trong nhà.
Ngay lúc còn có điện, người dân nên đun ngay một nồi cơm, nấu một nồi canh với các loại rau củ quả có thể để được lâu như: Bí đỏ, bí xanh hoặc cà rốt, khoai tây,…
Nấu xong, để nguội, múc ra từng hộp nhỏ và bỏ tủ lạnh. Khi mất điện, có thể lấy từng hộp ra dùng dần.
Chị Ngọc cho biết: “Giả sử như trong nhà không còn thực phẩm gì đáng kể thì cũng đừng hoảng loạn. Chúng tôi đã từng ở trong ngôi nhà ngập nước, chỉ nhai khoai khô cả 3 ngày vẫn ổn.
Nhưng nếu nhà có trẻ nhỏ, trẻ con đang lớn, bạn hãy kiểm lại lương thực, thực phẩm dự trữ và các nguồn lực có thể huy động để chuẩn bị đồ ăn tạm thời”.
Đặc biệt, người dân nên giữ kết nối với hàng xóm và xin ngay số điện thoại của chính quyền địa phương. Ngay khi gặp nguy hiểm hoặc thiếu thốn lương thực, nước uống, bạn có thể cầu cứu và nhờ sự hỗ trợ từ họ.
Đảm bảo trẻ nhỏ trong tầm mắt
Chị Ngô Thị Hạnh (30 tuổi, hiện ở Đà Nẵng) quê ở Hải Phong, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Huyện Hải Lăng thuộc vùng trũng của Quảng Trị. Hầu như năm nào, quê chị Hạnh cũng phải chịu cảnh lũ lụt.
“Tôi từng chứng kiến và trải qua trận lũ lụt kinh hoàng năm 1999. Lúc đó, chúng tôi phải ở tạm nhà hàng xóm hơn 2 tuần.
Gia súc, gia cầm trôi nổi theo nước lũ. Ba tôi ngâm mình trong lũ suốt mấy tuần. Sau lũ, bộ đội ở lại gần 3 tháng để giúp dân dựng lại nhà”, chị Hạnh kể.
Với trải nghiệm từng có, chị Hạnh chia sẻ một số lưu ý mà người dân vùng bão lũ cần đến.
Trước tiên, bà con phải luôn quan sát và theo dõi dự báo về lượng mưa trong và sau bão. Bão thường kèm theo lũ nên mọi người chủ động chuẩn bị, không được chủ quan.
Gia đình có nhà kiên cố, cao tầng thì chọn vị trí cao nhất để dự trữ lương thực, thuốc men,… Nếu nhà không an toàn, người dân cần sơ tán theo hướng dẫn của chính quyền hoặc tạm lánh sang nhà hàng xóm,...
“Bà con cần dự trữ thực phẩm khô (lương khô, mì tôm,…), các món ăn không phải nấu hoặc sử dụng ít nước,… đảm bảo đủ ăn trong hơn 1 tuần.
Vùng lũ sẽ bị mất điện kéo dài, mọi người cần chuẩn bị đèn pin, sạc dự phòng. Chuẩn bị thuốc men trị bệnh cảm, tiêu hóa; các loại men vi sinh để xử lý ô nhiễm môi trường sau lũ.
Ưu tiên đưa trẻ em, người già đến nơi an toàn. Nếu giữ trẻ ở bên cạnh thì người lớn phải phân công người trông giữ. Trẻ dễ bị hụt chân và nước cuốn. Tôi từng biết có cha mẹ lo chống lũ, con nhỏ đứng trên giường bị hụt chân, nước cuốn trôi.
Nếu nhà có heo, bò thì mọi người có thể đưa lên cao, nâng sàn để tránh thiệt hại. Trong trường hợp lũ quá cao, chúng ta phải ưu tiên con người.
Nếu có điều kiện bảo quản, người dân vùng bão lũ nên cất giữ một số quần áo khô để thay đổi, tránh bị cảm lạnh. Mọi người cần bình tĩnh, chờ sự hỗ trợ, hướng dẫn của lực lượng cứu hộ, chính quyền địa phương.
Trường hợp không thể liên lạc với bên ngoài, mọi người có thể dùng sào treo vải trắng ở chỗ cao, dễ phát hiện nhất. Khi nghe tiếng cano, máy bay, thuyền cứu hộ, mọi người phải hô lớn và vẫy cờ cầu cứu”, chị Hạnh nói.
Chị Lê Thanh Giang (Đà Nẵng) may mắn có nhà kiên cố, cao ráo nên bão lũ thường không phải di tản đi nơi khác. Dù vậy, trong trường hợp như chị Giang, mọi người cũng cần lưu ý một số điều cấp thiết.
Theo chị Giang, điều cơ bản nhất là phải đảm bảo có đồ ăn suốt thời gian bão lũ diễn ra. Trong đó, quan trọng nhất là có đồ ăn khô dự phòng khi mất điện.
Đồ ăn khô thì ưu tiên các loại hạt rang sẵn (nhiều năng lượng mà lại no lâu) như: Lạc, hướng dương, hạt bí, hạt điều, bánh đa nướng, gạo lứt rang,… Người dân có thể chuẩn bị trái cây để ăn thay rau, bổ sung chất xơ.
Chị Giang cho biết: “Tôi thường chuẩn bị nước uống đóng chai, nước nấu ăn và nước sinh hoạt. Về dụng cụ chiếu sáng, mọi người cần có đèn pin, nến (gắn pin) hoặc cốc nến loại to.
Điện thoại ưu tiên liên lạc, cập nhật tình hình bão lũ, hạn chế dùng vào việc khác. Nếu nhà ở vùng trũng hoặc gần sông hồ thì cần chuẩn bị áo phao đầy đủ. Chúng ta cần chủ động, nhất là trong nhà có người già và trẻ nhỏ”.
Chị Giang trải qua rất nhiều trận bão lũ lớn, trong đó lớn nhất là bão Xangsane năm 2006.
Với chị, sự hỗ trợ lẫn nhau của hàng xóm trong bão lũ thực sự quý giá. Có năm bị lụt, chị Giang đang mang thai nhưng chồng vắng nhà. May nhờ hàng xóm, chị bình an vượt qua lũ dữ.
Chị Giang nhấn mạnh, mọi người phải chú ý đảm bảo an toàn cho trẻ nhỏ. Chính chị từng chủ quan khiến bản thân và con rơi vào nguy hiểm.
“Năm 2022, dự báo có mưa lớn trên diện rộng toàn thành phố. Tuy nhiên, Đà Nẵng chưa bao giờ bị ngập lụt toàn bộ nên tôi khá chủ quan.
Trời mưa to nhưng tôi cố làm hết việc rồi mới đi đón con ở trường. 16h hôm đó, tôi xuống tầng 1 thì thấy mênh mông biển nước. Mọi người bảo xe máy, ô tô đều bị chết máy.
Tôi chỉ còn cách lội nước đến trường rước con về. Thế nhưng, cách đó quá nguy hiểm và không phù hợp. Chồng vắng nhà, tôi càng thêm hoang mang, nước mắt lưng tròng.
May mắn, người quen ở gần trường đã giúp tôi đưa con về nhà. Đây là bài học cho cá nhân tôi và cha mẹ có con nhỏ. Bởi năm đó, một số em học sinh ở vùng núi đã bị lũ cuốn trôi trên đường đi học về”, chị kể lại.