Người mẹ chấp nhận diễn tiếp vai kịch cuộc đời

20/09/2024 14:41

Sau rất nhiều cân nhắc, chị quyết định nén nỗi đau vào lòng, giấu đi nỗi buồn và nước mắt, một mình đau khổ dằn vặt, chấp nhận diễn tiếp vai kịch mà cuộc đời đã sắp đặt chị vào.

Một chiều thu ảm đạm, tại phòng làm việc, tôi được tiếp một người phụ nữ. Trong cuộc đời mấy chục năm công tác, tôi đã gặp khá nhiều những hoàn cảnh, những mảnh đời, những câu chuyện muôn hình muôn vẻ, chỉ có điều vì tính chất nghề nghiệp của tôi, tất cả những câu chuyện đó đều là chuyện buồn.

Bởi vậy, gặp người phụ nữ này, tôi đã có chút hy vọng đó là một câu chuyện vui, vì chị đến để xin rút đơn ly hôn đã nộp.

Khi chị bước vào, thoạt nhìn, tôi thấy chị có một phong cách nhẹ nhàng, lịch sự. Trang phục chị mặc là trang phục công sở, nhã nhặn, nghiêm túc nhưng toát lên vẻ sang trọng, kín đáo.

Riêng đôi mắt ngân ngấn u buồn. Nghe chị trình bày lý do gặp tôi là để xin rút lại lá đơn ly hôn, mắt tôi ánh lên vẻ vui mừng vì trong đầu tôi nghĩ nhanh đến một gia đình đoàn tụ, thoát khỏi bờ vực tan vỡ, sẽ có những đứa trẻ không phải tan đàn, xẻ nghé, phải sống trong những gia đình khuyết thiếu.

Tôi khích lệ chị: "Tốt quá! Chúc mừng chị đã có một quyết định đúng đắn. Chắc là anh chị đã giải quyết được vấn đề trong cuộc sống vợ chồng?". Chị trả lời tôi, giọng trầm hẳn, lạc khàn đi: "Dạ không, nhưng em chấp nhận là người thua cuộc".

Và rồi những giọt lệ cứ lặng lẽ chảy dài trên má chị. Cả chị và tôi cùng lặng đi. Tôi hiểu trong lòng người phụ nữ này còn điều ẩn ức. Hồi lâu, chị xin phép được giãi bày tâm sự. Tôi gật đầu và chăm chú lắng nghe.

Tôi luôn chịu khó lắng nghe người khác, hy vọng họ được giải tỏa nỗi niềm ẩn chứa trong lòng họ. Bởi nghề nghiệp của tôi liên quan đến mặt trái xã hội, trong đó chứa đựng nhiều mâu thuẫn, uẩn khúc, vướng mắc, bực bội, bất bình.

Tôi đã nghe, không chỉ ở cơ quan mà cả ở gia đình, xã hội. Bất cứ ai quen, thân với tôi có vấn đề trục trặc cần giải quyết, họ đều muốn tôi nghe và đưa ra lời khuyên, giúp họ tháo gỡ.

Vô hình trung, điều đó khiến cho trái tim, khối óc, tâm hồn của tôi như một cái túi, chứa đựng tất cả những nỗi buồn bực, bức xúc muôn vẻ và đôi khi là cả những tiêu cực nhất trong cuộc sống. Có lúc tôi cảm thấy quá tải. Nhưng không ai hiểu điều đó, vì không ai nghĩ xã hội lại có nhiều vấn đề đến thế.

Và hôm nay, tôi lại nghe. Giọng chị trầm, nhỏ, đều đều, đôi khi có những nấc nghẹn, thổn thức: Chị xuất thân trong một gia đình thanh bần nhưng có truyền thống gia giáo, hiếu học. Bởi vậy các anh chị em của chị đều được giáo dục, ăn học đầy đủ.

Vốn là người có tính tự lập cao nên chị luôn cố gắng làm mọi việc bằng nội lực của mình. Cũng như các anh chị đã phương trưởng, chị cũng có vị trí nhất định trong xã hội. Cuộc hôn nhân của anh chị bắt nguồn từ gốc rễ bền chặt. Anh là một cán bộ trong lực lượng vũ trang.

Họ có hai đứa con, một trai, một gái, đẹp như tranh, ngoan ngoãn, học giỏi, hiểu chuyện. Đơn vị anh ở xa, hầu như chị một mình lo toan mọi việc gia đình. Bằng sự vén khéo của chị, cuộc sống gia đình dần vượt qua những tháng ngày khó khăn, ngày mỗi đủ đầy hơn.

Bên ngoài, họ nhìn gia đình anh chị với một sự ngưỡng mộ: Chồng chỉn chu, vợ có địa vị xã hội, ra đến cổng là một bước lên ô tô. Hơn nữa, họ mạc đều quý trọng chị vì tuy ra ngoài quyền lực nhưng về nhà, chị giản dị hòa đồng, chị không nề hà việc chăm sóc bố mẹ chồng già yếu, ốm đau như một hộ lý, một y tá.

Chị luôn nghĩ mình hết lòng hy sinh, cống hiến, xây đắp gia đình như thế, không khi nào chị lại có thể bị phụ bạc.

Chính vì lòng tự tôn đó, thành trì niềm tin trong chị sụp đổ khi chị phát hiện sự thật: Chị đã bị lừa dối, phụ bạc nhiều năm qua. Cuộc sống của chị bỗng dưng xám xịt. Mỗi ngày, chị không còn tìm thấy sự thanh thản nhẹ nhõm để bước vào một ngày làm việc mới, chị mất niềm tin và hờn lẫy cả thế giới.

Chị luôn bị nỗi ám ảnh kéo dài bởi hình ảnh người chồng phụ bạc cùng "con đàn bà" đã cố tình phá nát gia đình chị luôn hiện hữu khi chị nhắm mắt tìm giấc ngủ, hay là ngay cả khi chị nhắm mắt tập thiền nhằm tĩnh tâm.

Trong cơn tuyệt vọng, chị đã làm đơn ly hôn gửi đến Tòa án. Nhưng rồi, sau nhiều đêm trằn trọc, đau đớn, chị nghĩ đến các đấng sinh thành ra mình, đến ánh mắt hài lòng, nụ cười mãn nguyện của cha mẹ mỗi khi thấy vợ chồng con cái chị về quần tụ, nghĩ đến những đứa con đang yên bình, vô tư, vui sướng chỉ biết học tập và mơ ước.

Họ đều là máu thịt của chị. Chị không thể làm họ buồn khổ, thất vọng. Mục đích sống của cuộc đời chị là vì họ.

Sau rất nhiều cân nhắc, chị quyết định nén nỗi đau vào lòng, giấu đi nỗi buồn và nước mắt, một mình đau khổ dằn vặt, chấp nhận diễn tiếp vai kịch mà cuộc đời đã sắp đặt chị vào.

Nghe chị nói, tôi cũng thấy lòng tái tê. Hoàn tất thủ tục rút đơn, tôi thấy chị cố lau khô những giọt nước mắt còn vương, nét mặt thay đổi hẳn, lại tươi tắn, lại nhanh nhảu năng động, chỉ ánh mắt là còn đằm sâu u uẩn. Chị chào tôi và nhanh nhẹn bước đi.

Bất giác, tôi đi về phía cửa sổ, tiếp tục trông theo chị. Nhẹ nhàng mà dứt khoát, chị mở cửa xe, bước vào. Chiếc xe hòa vào dòng đời đang trôi ngoài kia.

Là một cán bộ thực thi nhiệm vụ, tôi tôn trọng quyết định của đương sự dù biết rằng chưa chắc cách giải quyết mâu thuẫn của chị là giải pháp bền vững. Lòng yêu thương, vị tha và sự hy sinh luôn cần thiết và đáng được tôn trọng, khích lệ nhưng điều quan trọng là phải đúng nơi, đúng lúc, đúng chỗ. Trong trường hợp này chắc chỉ người trong cuộc mới hiểu.

Tôi nghiệm ra rằng: Ngoài đường đời tấp nập kia, trông nhiều người có vẻ hạnh phúc, nhưng chưa chắc lòng họ đã vui, trong khi nhiều người trông khắc khổ, vất vả, nhưng biết đâu, họ lại đang thanh thản, hạnh phúc. Vẻ bề ngoài, nhìn vậy, thấy vậy, mà chưa chắc đã phải vậy. Và cuối cùng, tôi biết rằng: Sự lựa chọn của người mẹ luôn là những đứa con.

Theo PNVN

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Người mẹ chấp nhận diễn tiếp vai kịch cuộc đời
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO