Giữa trưa, má Mười ngồi thẫn thờ ở hàng ghế đá đặt trước khoảng sân rộng. Thỉnh thoảng, bà nhìn vào bên trong mái ấm, nơi mà mình đã dành nửa phần đời để chăm lo, thở dài, trầm ngâm.
Má Mười tên thật là Trần Thị Cẩm Giang (87 tuổi). Bà là chủ của cơ sở bảo trợ xã hội Thiện Duyên (hay còn gọi là mái ấm Thiện Duyên), đặt tại huyện Củ Chi, TPHCM. Hơn 36 năm qua, má Mười đã cưu mang 125 mảnh đời bất hạnh. Họ là những người già neo đơn, trẻ mắc bệnh bại não có gia cảnh khó khăn hoặc thậm chí là bị bỏ rơi.
Dành một nửa cuộc đời để nuôi những con người không máu mủ, dù bị người đời mắng là "đồ thích lo chuyện bao đồng", má Mười chưa từng thấy hối hận.
Người mẹ trăm con
Đồng hồ điểm 16h, má Mười từng bước chậm rãi đi vào gian bếp rộng. Những buổi sáng trước đây, bà luôn là người dậy sớm nhất, tận tay pha sữa, nấu cháo cho những "đứa con" của mình. Nhưng giờ sức khỏe không cho phép, má Mười chỉ đứng từ xa, hướng dẫn các bảo mẫu làm thay mình.
Thấy má Mười đi vào, mấy chục đứa trẻ không biết nói, cười, bất giác tay chân vẫy loạn xạ. Một vài đứa trẻ còn chút tỉnh táo, cố với tới bàn tay đang chìa ra của má Mười.
Dừng chân lại chiếc giường nằm ở giữa lối đi, má Mười chỉ tay vào những đứa "con" của mình, nhớ rõ như in từng hoàn cảnh của chúng.
"Này là con gái của má, tên Bánh Trung Thu", bà nói.
Dù đã hơn 30 tuổi, người con gái này vẫn trông như một đứa trẻ. Tay chân teo tóp, gương mặt vô cảm, nhưng ánh mắt của chị chợt sáng lên khi thấy má Mười đến gần.
Má Mười kể rằng, trước đây bà đi bán bánh trung thu để kiếm tiền lo cho mái ấm. Trong lúc đi bán, má Mười vô tình thấy một đứa trẻ tật nguyền nằm bất động ở một góc đường. Cầm lòng không được, bà một tay cầm giỏ bánh trung thu, một tay bế đứa trẻ này về nuôi dưỡng. Từ đó, bà cũng đặt tên cho chị là Bánh Trung Thu.
Hành trình chăm sóc cho Trung Thu không hề dễ dàng. Lắm lúc, má Mười tưởng chị đã gần với cái chết. Nhưng dường như vì thương má, chị đã mạnh mẽ vượt qua.
Mỗi lần chứng kiến cảnh "con" nằm vạ vật, lờ đờ, má Mười cảm thấy thương xót. Lắm lúc, má Mười tự hỏi: "Các con đâu làm gì, sao phải chịu đau đớn, tủi hạnh như thế?".
Đối với bà, đau lòng nhất là những lúc mở cửa mái ấm vào buổi sáng, thấy một chiếc thùng đặt phía trước. Thấy cảnh đó, lần nào má Mười cũng rơi nước mắt vì biết có thêm một đứa trẻ tàn tật bị ba mẹ bỏ rơi.
Má Mười kể từng có một người phụ nữ đi ô tô đến, đặt chiếc hộp giấy trước cổng mái ấm.
"Tưởng người khác cho bánh, tôi mở ra thì phát hiện có một đứa bé còn đỏ hỏn nằm ở bên trong. Con nặng chưa đến 1 kg, lại không có hậu môn…", má Mười chua chát, nói.
Những lúc như thế, má Mười cũng chẳng oán trách ba mẹ của đứa trẻ. Bà chỉ lẳng lặng đem vào bên trong, từng ngày dốc sức chăm cho con hồng hào trở lại. Có những đứa bé ngày đầu tay chân chỉ còn "da bọc xương", nhưng sau một thời gian ở mái ấm, giờ thậm chí còn tự ngồi ăn được.
Bán nhà nuôi… người dưng
Nhớ về những ngày đầu nhận nuôi những đứa con không máu mủ, má Mười đến giờ không nhớ nỗi mình đã vượt qua bao nhiêu lần gian truân.
Năm 14 tuổi, má Mười tham gia cách mạng. Sau 5 lần ở tù, má Mười trở về, lập gia đình và sinh 2 người con. Không lâu sau, chồng bà qua đời do di chứng của chiến tranh.
Năm 1988, bà về Củ Chi thăm chiến trường cũ. Lúc ấy, má Mười mới bàng hoàng nhận ra những người từng cho cơm nước, giúp đỡ bà trong thời gian chiến tranh đã qua đời hoặc có cuộc sống vô cùng khó khăn.
Con cái của họ bị tật nguyền, không ai chăm sóc. Thấy thương các con, má Mười một tay đưa 3 đứa trẻ về nhà nuôi. Thấy má Mười tự nguyện chăm sóc, không ít người có hoàn cảnh khó khăn, mang con tàn tật đến xin má Mười nuôi giúp.
Từ 3 đứa trẻ ban đầu, bà tiếp tục nuôi thêm 2 đứa nữa. Thời đó, má Mười chỉ có trong tay 15kg gạo và 800.000 đồng để nuôi 5 đứa trẻ, 2 con ruột và chính bản thân mình. Sợ các con lâm vào cảnh đói, bà dốc sức làm đủ thứ nghề để kiếm thêm tiền, từ bán hủ tiếu, bánh tráng, vé số,…
Dần dà, số lượng "con" ngày càng tăng lên cả trăm người. Người ta cứ mang con đến trao tận tay hoặc lén bỏ trước cửa nhà của má. Má Mười quyết định bán luôn căn nhà ở quận Tân Bình. Bà quay về mảnh đất của ông bà để lại ở huyện Củ Chi, dùng tiền bán nhà xây mái ấm rộng hơn.
"Người ta nói tôi sao thích lo chuyện bao đồng quá. Nếu có tiền như tôi, họ có thể sống cả đời không lo nghĩ. Nhưng tôi hỏi ngược lại họ rằng mình có tiền, mình được ăn no, còn người ta đang đói, sao mình lại đứng nhìn được?", bà nói với giọng chắc nịch.
Những năm gần đây, dù tuổi già, sức yếu, má Mười vẫn gắng gượng quản lý đại lý bán vé số, quán nước,… để duy trì tài chính ở mái ấm, có tiền lo cho các con. May mắn, mái ấm được nhiều người biết đến. Mạnh thường quân ở trong và ngoài nước cũng đến phụ má để má lo cho những mảnh đời bất hạnh.
Khu mái ấm của má Mười rộng đến 4.000m2, được chia làm nhiều khu vực tùy theo tình trạng sức khỏe của những đứa trẻ. Ngoài ra, mái ấm còn có thêm nhiều phòng riêng biệt, để chăm sóc những người già neo đơn, bệnh tật.
Để mỗi đứa trẻ đều được quan tâm, má Mười thuê thêm 12 bảo mẫu hằng ngày thay phiên nhau dọn vệ sinh, nấu ăn, chăm sóc cho 125 người tại đây. Một trong số họ, có những người là trẻ từng sống ở mái ấm, cũng có những người vì thương hoàn cảnh của các em mà ở lại phụ việc, không lấy tiền.
Ước nguyện của má
Theo đại diện UBND xã Phú Hòa Đông (huyện Củ Chi, TPHCM), mái ấm Thiện Duyên được cấp giấy phép hoạt động như một cơ sở bảo trợ xã hội từ năm 2011. Tại đây, đối tượng được tiếp nhận chăm sóc là những trẻ em mồ côi, bị bỏ rơi, người già neo đơn có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người khuyết tật.
Má Mười chia sẻ, kể từ khi được cấp giấy phép, bà có thể chủ động làm giấy khai sinh cho những đứa trẻ mà mình cưu mang.
Từ đó, hàng chục đứa trẻ có sức khỏe tốt ở mái ấm đã được đến trường, thay đổi cuộc đời. Lần gần đầy nhất, má Mười đang nuôi 2 đứa "con" học đại học ngành y, chắp cánh cho các con đến với ước mơ làm bác sĩ.
Không những vậy, khi những đứa trẻ này trưởng thành, má Mười còn là người đứng ra dựng vợ gả chồng cho họ. Thậm chí, bà còn cho đất, xây nhà cho một số người có chỗ che nắng, che mưa. Nhờ vậy, không ít người giờ có cuộc sống mới, đã quay lại mái ấm để phụ má Mười nuôi các em.
Những đứa trẻ từng có một số phận éo le, nhờ má Mười mà họ được sống một cuộc đời tươi sáng hơn.
"Dành nửa cuộc đời để làm việc này, đến giờ tôi lãi được nhiều thứ lắm. Cái lãi lớn nhất chính là có thêm hơn 100 đứa con", bà cười, nói.
Trong nụ cười của má Mười, có hi vọng nhưng cũng có trăn trở. Má Mười có một cái sợ duy nhất, chính là khi má mất đi, không biết ai sẽ là người thay má chăm lo cho tụi nhỏ.
"Ngày má mất, tụi con đừng đến viếng hoa. Hãy thay má chăm sóc cho tụi nhỏ, cho một bao gạo, một hộp sữa, như vậy má cũng thấy yên tâm", má Mười nói gọn. Miệng bà cười nhưng khóe mắt đã rưng rưng.