Khoảng 17h chiều ngày 28/1 (26 tháng Chạp), trên đường Hồng Bàng (Quận 6) hướng về vòng xoay An Lạc mật độ xe lưu thông bắt đầu tăng dần.
Hình ảnh người dân lỉnh kỉnh đồ đạc, chạy xe về quê ăn Tết xuất hiện trên đường phố trong buổi chiều ngày làm việc cuối cùng của năm Tân Sửu.
Chị Phương (32 tuổi, quê ở An Giang) ngồi đợi xe giữa dải phân cách để về quê trên đường Kinh Dương Vương (quận Bình Tân).
"Chiều nay, sau khi xong việc ngay lập tức tôi thu xếp đồ đạc để về quê sớm. Nhà xe hẹn đón ở đây, nhưng ngồi đợi hơn một tiếng đồng hồ mà chưa thấy", chị Phương cho hay.
Khoảng 18h, đường Kinh Dương Vương (quận Bình Tân) hướng từ bến xe miền Tây về vòng xoay An Lạc ùn tắc nghiêm trọng, xe khách và xe máy nối đuôi nhau nhích từng chút trên đường.
Chiếc xe cứu thương bị bao quanh bởi dòng xe kẹt, hú còi inh ỏi trên quốc lộ 1A (đoạn qua huyện Bình Chánh).
Xe cộ kẹt cứng tại cầu Bình Điền (huyện Bình Chánh), hướng từ TPHCM về các tỉnh miền Tây. Hàng nghìn phương tiện tham gia giao thông nối đuôi nhau "bò" chậm chạp qua cầu.
Quốc lộ 1A (đoạn qua huyện Bình Chánh) kẹt xe kéo dài hơn 1km, khi lượng người đổ về quê trong tối 26 tháng Chạp tăng cao.
Tình trạng ùn tắc trở nên nghiêm trọng hơn khi liên tiếp xảy ra các vụ va quẹt trên đường.
Một chiếc xe chết máy dọc đường khiến quãng đường về quê sum họp cùng gia đình của hai người trên xe vất vả hơn.
Sau khi vất vả vượt qua đoạn kẹt xe nghiêm trọng ở cửa ngõ phía Tây TPHCM, nhiều người dân tấp xe vào lề nghỉ ngơi, uống nước.
"Tôi chạy xe máy về Kiên Giang. Mới đi được 10% quãng đường thôi mà tôi đã cảm thấy rất mệt vì kẹt xe kéo dài. Tấp xe vào lề để nghỉ ngơi một chút để lấy lại sức chạy đoạn đường kéo dài hơn 7 tiếng đồng hồ để về quê", ông Nguyễn Anh Phát (41 tuổi, quê Kiên Giang) nói.
Nhiều người dân sau khi thoát khỏi khu vực kẹt xe nghiêm trọng ở khu vực cửa ngõ phía Tây (tiếp giáp giữa TPHCM và tỉnh Long An) đã tấp vào quán ăn dọc đường, ăn uống và nạp năng lượng chuẩn bị cho chuyến đi dài tiếp đó.
Một em nhỏ vật vờ cùng cha mẹ trên chuyến đi dài hàng trăm cây số bằng xe máy về quê ăn Tết. "Sau một năm không về quê được vì dịch bệnh và giãn cách xã hội, hai vợ chồng tôi quyết định chở con gái 2 tuổi về Bạc Liêu. Do chở con nhỏ nên tôi chạy xe rất chậm, quãng đường về Bạc Liêu hơn 300km có thể kéo dài đến 10 tiếng đồng hồ. Tuy vất vả, nhưng tôi mong được gặp lại người thân ở quê, sau những tháng ngày dịch dã khó khăn", anh Hứa Văn Vũ (33 tuổi) chia sẻ.