Người lính bị biệt kích Mỹ sát hại trong vụ tập kích Sơn Tây: Cuộc tình làng Sen

26/12/2022 19:17

Chúng tôi yêu nhau từ thời còn nhỏ, đi đâu cũng quấn quýt lấy nhau", bà lão 77 tuổi mắt vẫn ánh lên vẻ hạnh phúc khi nói về tình yêu tuổi mới lớn của mình.

Như đã đề cập ở các kỳ trước, phóng viên VTC News đi tìm thông tin về danh tính, thân nhân và phần mộ của 6 bộ đội hy sinh khi biệt kích Mỹ đổ bộ xuống thị xã Sơn Tây hòng cứu tù binh phi công Mỹ cuối năm 1970.

Các nhân chứng nói trong số 6 bộ đội hy sinh, có một người tên là Túc, quê Nghệ An. Và khi tìm được gia đình liệt sỹ, chúng tôi được nghe kể về một câu chuyện tình thời chiến tranh đầy nước mắt…

Người lính bị biệt kích Mỹ sát hại trong vụ tập kích Sơn Tây: Cuộc tình làng Sen - 1

Với từ khóa “tên là Túc”, “người Nghệ An”, chúng tôi liên hệ với Sở Lao động- Thương binh-Xã hội tỉnh Nghệ An để tìm ra người mà bà Trần Thị Liên ở Xã Tắc, Sơn Tây nói đến. Tuy nhiên, trong danh sách liệt sỹ do Sở Lao động-Thương binh-Xã hội tỉnh Nghệ An quản lý có một số liệt sỹ tên Túc, trong đó có liệt sỹ hy sinh năm 1970, nhưng không phải ở Sơn Tây mà ở mặt trận Tây Nam.

Chúng tôi lại nhờ các cán bộ của Sở tra giúp toàn bộ những người hy sinh năm 1970 tại Sơn Tây. Có một cái tên đáng chú ý, đó là liệt sỹ Nguyễn Sinh Cúc, chứ không phải Túc, hy sinh năm 1970 tại Sơn Tây. Liệt sỹ Cúc quê ở Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An.

Chúng tôi về xã Kim Liên, Nam Đàn. Trong danh sách liệt sỹ xã Kim Liên trên tấm bia ở đài tưởng niệm liệt sỹ xã Kim Liên có một dòng ghi: Nguyễn Sinh Túc, quê quán: Làng Sen, năm sinh 1945, hy sinh 21/11/1970.

Theo hồ sơ của UBND xã, liệt sỹ Nguyễn Sinh Túc trước khi mất thuộc quân số của đơn vị 6184 Cục Hậu cần, Quân khu 4.

Như vậy là có một liệt sỹ mang tên Nguyễn Sinh Túc, sinh năm 1945, quê ở làng Sen quê Bác, hy sinh ngày 21/11/1970 tại Sơn Tây.

Tuy nhiên, đài tưởng niệm chỉ có bảng danh sách liệt sỹ mà không có phần mộ.

Theo chỉ dẫn của cán bộ xã, nhóm phóng viên VTC News về thôn Sen 2, xã Kim Liên. Ở đây có gia đình anh Nguyễn Sinh Thành, cháu ông Túc. Bố anh Thành là anh ruột liệt sỹ.

Người lính bị biệt kích Mỹ sát hại trong vụ tập kích Sơn Tây: Cuộc tình làng Sen - 2

Ảnh trên: Bức chân dung liệt sỹ Túc đang được lưu giữ tại nhà anh Thành. Ảnh phải: Bình tông đựng nước của liệt sỹ Túc được gia đình lưu giữ

Anh Nguyễn Sinh Thành xác nhận liệt sỹ Nguyễn Sinh Túc (do ghi nhầm trong hồ sơ thành Cúc) hy sinh trong trận biệt kích Mỹ đổ bộ xuống Sơn Tây giải cứu tù binh phi công. Chị Nguyễn Thị Hải, vợ anh Thành nói gia đình biết tin “chú Túc” hy sinh, nhưng hàng chục năm sau mới có điều kiện từ Nghệ An ra Sơn Tây đưa hài cốt liệt sỹ Nguyễn Sinh Túc về quê. Hiện phần mộ của liệt sỹ Nguyễn Sinh Túc đang nằm trong nghĩa trang gia đình.

“Trong suốt thời gian đi bộ đội, chú Túc về quê được một lần. Chú bảo với mọi người rằng “khi nào hết nghĩa vụ, sẽ về vui vầy với gia đình”, rồi sau đó ra đi mãi mãi”, chị Hải nói. “Năm 1994, gia đình ra thị xã Sơn Tây cất bốc hài cốt. Rồi đưa về đây, làm lễ truy điệu ở sân vận động xã”.

Người lính bị biệt kích Mỹ sát hại trong vụ tập kích Sơn Tây: Cuộc tình làng Sen - 3

Người thân và bà con khu vực Xã Tắc, Sơn Tây trong lễ cất bốc hài cốt liệt sỹ Túc để chuyển về Nghệ An (ảnh tư liệu gia đình).

Người lính bị biệt kích Mỹ sát hại trong vụ tập kích Sơn Tây: Cuộc tình làng Sen - 4

Người thân và láng giềng làm lễ truy điệu liệt sỹ Túc tại sân vận động xã Kim Liên sau khi cất bốc hài cốt từ Sơn Tây về (ảnh tư liệu gia đình).

Ngoài tấm ảnh chân dung của liệt sỹ Túc, vợ chồng anh Thành còn lưu giữ một số tấm ảnh ghi lại chuyến đi bốc mộ liệt sỹ từ Sơn Tây mang về quê, chiếc bình tông đựng nước quân đội, thứ liệt sỹ Túc sử dụng trong nhiều năm. Anh Thành, sinh năm 1971, nói anh cũng không biết nhiều về người chú bởi khi anh ra đời thì chú đã hy sinh. Bố anh, tức anh trai liệt sỹ Túc, nay vẫn còn sống và đã ngoài 90 tuổi, hiện ở Bàu Bàng, Bình Dương cùng con trai lớn.

Video: Những kỷ vật của người lính

Chúng tôi ra nghĩa trang viếng liệt sỹ Nguyễn Sinh Túc. Mộ phần của ông nằm trong khu mộ của gia tộc Nguyễn Sinh Lan. Anh Nguyễn Sinh Thành cho hay, gia tộc Nguyễn Sinh Lan thuộc dòng họ Nguyễn Sinh ở Kim Liên, cùng chi họ với gia đình Chủ tịch Hồ Chí Minh (tên lúc nhỏ là Nguyễn Sinh Cung).

Người lính bị biệt kích Mỹ sát hại trong vụ tập kích Sơn Tây: Cuộc tình làng Sen - 5

Đại diện VTC News viếng các liệt sỹ tại đài tưởng niệm ở xã Kim Liên (phải); Thắp hương tưởng nhớ liệt sỹ Túc tại khu nghĩa trang của gia tộc Nguyễn Sinh Lan

Người lính bị biệt kích Mỹ sát hại trong vụ tập kích Sơn Tây: Cuộc tình làng Sen - 6

Theo tiết lộ của một số họ hàng của liệt sỹ Nguyễn Sinh Túc, chúng tôi tìm được bà Hoàng Thị Thủy, 77 tuổi. Người ta nói bà Thủy và ông Túc ngày xưa yêu nhau lắm, đã từng hẹn thề với nhau.

Nhà bà Thủy nằm đối diện với ngôi nhà của Bác Hồ ở làng Sen. Qua trò chuyện, chúng tôi được biết bà Thủy không có chồng, ở với con gái. Khi được hỏi về ông Túc, bà tỏ ra bùi ngùi, nhưng thừa nhận ngay tình yêu của hai người. Với chất giọng xứ Nghệ đặc sệt, bà Thủy đã kể cho chúng tôi nghe về chuyện tình của bà với ông Túc.

“Tôi và ông Túc cùng tuổi, lớn lên trong xóm với nhau”, người đàn bà nay đã tóc bạc, da mồi kể về quãng đời tươi trẻ, yêu đương mơ mộng của mình. Bà Thủy bảo bà và ông Túc yêu sớm lắm. “Chúng tôi yêu nhau từ thời còn nhỏ, đi đâu cũng quấn quýt lấy nhau”.

Những năm tháng đi học, Thủy và Túc đi đâu cũng có nhau, rõ ràng là một cặp đôi dù không ai lên tiếng thừa nhận. “Tôi với ông Túc là bạn múa, bất kể múa ở trường hay ở các liên hoan, sự kiện do đoàn xã tổ chức thì đều là một đôi”, bà lão 77 tuổi mắt vẫn ánh lên thứ gì đó như là hạnh phúc khi nói về tình yêu tuổi mới lớn của mình, chuyện đã diễn ra cách nay hơn nửa thế kỷ.

Dù yêu nhau thời gian dài nhưng ngoài hai gia đình thì không ai biết, hai người giấu kín tình yêu ấy. “Tôi có nói với mẹ tôi rằng hai đứa có tình ý với nhau, còn dân làng không ai hay”, bà Thủy kể. “Anh ấy cũng về nói với mẹ anh ấy, rằng sau này con chỉ lấy Thủy”.

Người lính bị biệt kích Mỹ sát hại trong vụ tập kích Sơn Tây: Cuộc tình làng Sen - 7

Bà Thủy bảo trước khi đi bộ đội, ông Túc nói khi trả nợ xong việc nước, sẽ cố “phấn đấu cho bằng Thủy”, khi ấy mới tính chuyện trăm năm.

Theo lời bà Thủy, ông Túc có mấy thứ để tự ti. Thứ nhất là nhà ông nghèo, nên mỗi khi hẹn hò hay có việc đến nhà, ông không dám vào, chỉ đứng ngoài thổi sáo làm hiệu. “Thời đó, gia đình tôi đã có nhà ngói. Còn nhà anh ấy vẫn là nhà tranh, vách đất. Hồi đó mỗi lần sang gặp tôi, anh ấy thường giả vờ sang nhà bên cạnh, hoặc ra chỗ chuồng trâu, đứng thổi sáo. Tôi nghe thấy là biết”.

Thứ hai là bà Thủy phấn đấu sớm, được vào Đảng từ năm 20 tuổi. “Hồi đó tôi làm công tác đội, rồi phụ trách thanh niên, phụ nữ, tham gia nhiều việc”. Năm 1965, bà Thủy trở thành Đảng viên.

Vì thế, ông Túc muốn học cao hơn, phấn đấu vào Đảng để được “môn đăng hộ đối” với người yêu.

“Hai đứa hẹn thề khi về sẽ làm đám cưới, nếu không lấy được nhau thì chúng tôi cũng không lấy ai. Anh Túc còn nói với gia đình mình, Thủy sẽ là con dâu của gia đình sau ngày anh ấy trở về từ chiến trường. Nhưng cũng chỉ biết với nhau. Thời đó yêu nhau kín đáo, không như bây chừ mô”.

Sau khi học xong phổ thông, ông Túc đi học đại học kiến trúc và khi đang còn học dở dang, ông nhập ngũ.

Bà Thủy nói thời gian đầu ông Túc đi bộ đội, cứ cách 1-2 tháng lại gửi thư cho nhau một lần. Mỗi lần viết thư, ông kể những chuyện khó khăn trong chiến trường, chuyện phải nhịn ăn mà vẫn phải hành quân, rồi “nhớ nhung đến Thủy ở nhà”.

Thời gian sau đó, bà Thủy “thoát ly”, đi làm việc tại một cơ quan thuộc Ty Thương nghiệp tỉnh Nghệ An. Ông Túc sau thời gian ở chiến trường được cử đi học tại Hà Tây (việc này trùng khớp với những gì bà Liên (Nghiên “gà”) ở Sơn Tây nói, rằng chiều 20/11/1970, có một chú bộ đội còn trẻ, khoác ba lô hỏi thăm đường vào trại giam. Chú ấy tự giới thiệu tên là Túc, người Nghệ An, mới tốt nghiệp kỹ sư xây dựng, được nhận quyết định về công tác tại trại giam).

Cuộc tình của hai người cứ tiếp diễn như vậy. Nhưng rồi bỗng một ngày cuối năm 1970, khi đang làm việc tại cơ quan, bà Thủy nghe tin sét đánh: ông Túc hy sinh trong một lần bị địch đột kích. Bà bỏ lại công việc, lập tức về quê cùng gia đình ông Túc lo hậu sự.

Tại nhà ông Túc, bà Thủy ôm lấy mẹ ông gào khóc. “Tôi mất một lúc hai người con, vừa con trai vừa con dâu”, bà Thủy nhớ lại những gì mẹ ông Túc nói khi đó.

Sau ngày ấy, bà Thủy qua lại nhà ông Túc như con dâu, gia đình ông Túc cũng đối xử tốt với bà.

Chỉ có điều, dân làng Sen mãi không thấy cô Thủy lấy chồng. Lý do là bởi cô vẫn nhớ đến lời thề từ thủa “thanh mai trúc mã” với người thanh niên Nguyễn Sinh Túc có tài thổi sáo rất hay làm cô mê mẩn.

Người lính bị biệt kích Mỹ sát hại trong vụ tập kích Sơn Tây: Cuộc tình làng Sen - 8

Năm 43 tuổi, nghĩ đến cảnh sau này tuổi già hiu quạnh, bà Thủy “xin” người đàn ông trong làng một đứa con. “Rồi tôi có thai và sinh một cháu gái, nay đã lập gia đình. Tôi sống với con gái từ đó tới nay”, người đàn bà vốn chịu nhiều khổ đau nhưng nay có vẻ những khổ đau ấy đã được hóa giải trong lòng, nói với vẻ thanh thản.

Bà tâm sự thêm với chúng tôi: “Nhiều lúc nhớ tới ông Túc, muốn đưa di ảnh về thờ cúng nhưng trước đây dù gì cũng chưa từng cưới hỏi nên lại không dám. Tình yêu ngày xưa cũng không hề có kỷ vật gì còn sót lại”.

Người lính bị biệt kích Mỹ sát hại trong vụ tập kích Sơn Tây: Cuộc tình làng Sen - 9

Theo vtc.vn
https://vtc.vn/nguoi-linh-bi-biet-kich-my-sat-hai-trong-vu-tap-kich-son-tay-cuoc-tinh-lang-sen-ar722836.html
Copy Link
https://vtc.vn/nguoi-linh-bi-biet-kich-my-sat-hai-trong-vu-tap-kich-son-tay-cuoc-tinh-lang-sen-ar722836.html
    Bài liên quan
    Nổi bật Việt Báo
    Đừng bỏ lỡ
    Người lính bị biệt kích Mỹ sát hại trong vụ tập kích Sơn Tây: Cuộc tình làng Sen
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO