Người lao động ngược xuôi tìm việc

07/06/2023 07:22

Kinh tế biến động, doanh nghiệp tái cơ cấu, cắt giảm chi phí, nhu cầu tuyển dụng ở một số ngành giảm mạnh. Từ đây, người lao động khó tìm việc.

Kinh tế khó khăn, nhu cầu tuyển dụng giảm

Nửa năm trước, Nguyễn Trung Hiếu (35 tuổi) làm nghề đầu bếp, từ Hà Nội vào TP.HCM, tìm được công việc phù hợp, mức lương tốt và muốn gắn bó lâu dài với vùng đất phía Nam. Tuy nhiên, công việc đầu bếp của anh không suôn sẻ. Ông chủ nhà hàng quyết định cắt giảm nhân sự. Hiếu là một trong số đó.

“Sau 2 tháng không tìm được việc thay thế, tôi quay về Hà Nội, xin phục vụ tại nhà hàng cũ mà tôi từng làm, mức lương thấp”, anh nói.

Kém may mắn hơn Hiếu, gần một năm qua, Hoàng Nam (28 tuổi) loay hoay tìm việc. Anh không nhớ nổi mình đã gửi hồ sơ xin việc cho bao nhiêu công ty và bị "xua tay". Trước đó, Nam là nhân sự của một đơn vị du lịch nước ngoài trụ sở tại TP.HCM. Tháng 8/2022, anh nghỉ việc do môi trường không phù hợp. Từ đó đến nay, Nam chưa thể tìm được công việc khác.

Hiếu có kinh nghiệm hơn 10 năm làm bếp, Nam vừa có kinh nghiệm và khả năng ngoại ngữ tốt nhưng họ vẫn bị các doanh nghiệp từ chối tuyển dụng hoặc tuyển dụng với mức lương thấp. Dù là lao động khối phổ thông hay nhân sự văn phòng thì điểm chung là công việc của hai người đều liên quan tới ngành dịch vụ.

Theo Navigos Group, du lịch, nhà hàng và khách sạn được xem là lĩnh vực chịu ảnh hưởng lớn từ đại dịch Covid-19 cho tới nay. Đơn vị này chỉ ra, bất chấp năm ngoái là giai đoạn phục hồi mạnh sau dịch, 4 tháng đầu năm 2022, nhu cầu tuyển dụng nhân sự của lĩnh vực trên giảm sâu đến 55% so với trước dịch. 4 tháng đầu năm 2023, dưới tác động tiếp của suy thoái kinh tế, nhu cầu tuyển dụng trong ngành vẫn đang giảm 43% so với trước dịch.

Tuy nhiên, không riêng lĩnh vực du lịch, nhà hàng, khách sạn bị tác động. Số liệu còn cho thấy, nhu cầu tuyển dụng chung của các ngành trong 4 tháng đầu năm 2023 giảm trung bình 18% so với thời điểm trước dịch và giảm trung bình 16% so với thời điểm phục hồi sau dịch (năm 2022).

Sinh hoạt của người lao động tại nhà trọ gần một khu công nghiệp phía Bắc. (Ảnh minh họa: Hoàng Hà)

Đơn cử, lĩnh vực dệt may, da giày giảm 39% so với trước dịch; lĩnh vực xây dựng, bất động sản giảm 34%; lĩnh vực xuất nhập khẩu giảm 18%; vận tải và logistics giảm 22%; ngành marketing giảm 28%,...

Thị trường trải qua biến động kinh tế, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, dẫn đến hoạt động kinh doanh giảm sút, các công ty điều chỉnh lại bộ máy bằng việc cắt giảm các bộ phận không trực tiếp tạo ra lợi nhuận, theo Navigos Group.

Còn dữ liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, số người lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1/5/2023 tăng 0,8% so với thời điểm tháng trước nhưng vẫn giảm 4,8% so với cùng kỳ năm 2022.

Trao đổi với PV. VietNamNet, bà Hoàng Thị Hồng Nhung, Quản lý hành chính nhân sự Admicro TP.HCM, Công ty Cổ phần VCCorp, cho hay, thị trường lao động năm 2023 đang trầm lắng so với mọi năm. Nhu cầu tuyển dụng tại một số ngành bị ảnh hưởng như bất động sản, xây dựng, truyền thông quảng cáo hay công nghệ,...

Lúc này, cắt giảm lương là giải pháp mà nhiều doanh nghiệp áp dụng để đảm bảo quỹ lương khi gặp khó khăn về tài chính. Nhìn chung, đa số doanh nghiệp vẫn cố gắng giữ mức lương cho nhân sự tầm thấp và tầm trung, nhưng một số sẽ cắt giảm nhân sự ở các bộ phận ít quan trọng hoặc doanh thu kém.

“Nếu các công ty giảm mức lương tuyển đầu vào thì phía bộ phận tuyển dụng đương nhiên gặp rất nhiều khó khăn. Dẫu vậy, thị trường lao động vẫn luôn sôi động, kể cả khi kinh tế suy thoái. Vị trí nhân sự ở các công ty về chăm sóc sức khỏe, công nghệ, thương mại điện tử, ngân hàng vẫn sôi động. Suy cho cùng, nhân tài luôn là tài nguyên khan hiếm trong bất cứ bối cảnh nào”, bà Nhung nói.

Vị chuyên gia nhân sự cũng cho rằng, có không ít công ty tận dụng xu hướng thị trường cắt giảm lao động để tiến hành loại bỏ bớt nhân sự hiệu suất kém mà bình thường phía doanh nghiệp khó có thể cho nghỉ. Đồng thời, họ điều chỉnh lại thang bảng lương nếu chưa hợp lý. Ở chiều ngược lại, đại đa số người lao động đang lo ngại trước tình hình kinh tế. Do đó, họ có tư duy an toàn bằng cách giữ công việc hiện tại hơn là mạo hiểm "nhảy" việc.

Hơn 500.000 người đang chờ việc

Dự báo, nhu cầu tuyển dụng giai đoạn tiếp theo trong năm 2023 vẫn chưa có tín hiệu tích cực. Navigos Group nhận định, cho đến khi nền kinh thế giới chạm đáy và phục hồi trở lại, giới doanh nghiệp sẽ cố gắng thực hiện các biện pháp cắt giảm chi phí để bảo toàn nhân sự hoặc thắt chặt thêm chi tiêu nếu tình hình tệ hơn.

Theo "Báo cáo khảo sát khó khăn doanh nghiệp và triển vọng kinh tế cuối năm 2023" của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), có thể làn sóng sa thải người lao động tiếp diễn ở các tháng cuối năm 2023 do khó khăn vĩ mô và nội tại của doanh nghiệp. Khoảng 5.200 trong số gần 9.560 doanh nghiệp được khảo sát cho biết sẽ cắt giảm trên 5% lao động từ nay đến hết năm 2023.

Trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng 6/6, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, ông Đào Ngọc Dung cho biết, thời gian qua, có tình trạng thiếu việc làm. Trong quý I/2023, tỷ lệ thất nghiệp bình quân tại Việt Nam là 2,25%. Cách đây hơn 1 năm, Diễn đàn Kinh tế thế giới xếp Việt Nam là top 5 quốc gia về tỷ lệ thất nghiệp.

Theo ông Dung, đến thời điểm này, tỷ lệ thất nghiệp có gia tăng nhưng không phải chỉ ở riêng Việt Nam. Nếu so với thế giới, tỷ lệ thất nghiệp 2,25% đang ở ngưỡng thuộc các quốc gia thấp.

Tính đến ngày 26/5, số người mất việc làm, giãn việc, thiếu việc là khoảng 506.000 người. Trong đó, khoảng 270.000 người đã bị mất việc. Nguyên nhân của tình trạng này do cắt giảm đơn hàng, doanh nghiệp tái cơ cấu sản xuất, thay đổi về lực lượng lao động.

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/nguoi-lao-dong-nguoc-xuoi-tim-viec-2151617.html
Copy Link
https://vietnamnet.vn/nguoi-lao-dong-nguoc-xuoi-tim-viec-2151617.html
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Người lao động ngược xuôi tìm việc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO