Bộ sưu tập mứt Tết được làm từ đất sét vừa để tưởng nhớ đến nơi được xem là cái nôi làm mứt giữa Sài thành đang dần mai một, vừa là cái hồn Tết Việt xưa mà người nghệ nhân trẻ muốn thổi vào từng thớ gân, miếng mứt.
Mứt Tết
Từ nhiều năm trước, anh Nguyễn Tấn Đạt (Quận 3, TPHCM) được người ta biết đến là dân chơi tranh cá 3D và nghệ thuật tạo hình từ đất sét. Từ khi còn đang là sinh viên Đại học Luật, anh đã sẵn sàng "quay xe" với ngôi trường của mình để chuyển hướng thả mình với nghệ thuật.
Vài năm trước, với ý tưởng táo bạo, anh đã "ẵm" thành công bộ sưu tập hơn 200 món ăn truyền thống ngày Tết của ba miền Bắc-Trung-Nam. Bộ sản phẩm được thực hiện công phu, mang nét đẹp tinh xảo nhưng…cũng vô cùng chân thật.
Với anh, bộ sưu tập món ăn ngày Tết sẽ là một làn gió mới cho ngành nghệ thuật tạo hình về đất sét, đất nặn Việt Nam - một bộ môn tạo hình nghệ thuật vẫn còn mới lạ và ít người biết tới.
Khi xuân Nhâm Dần đang tới, với mong muốn tiếp tục thổi hồn Tết vào món ăn Việt nên anh Đạt đã tạo ra thêm một bộ sản phẩm mới-bộ mứt Tết bằng đất sét nhằm "khơi dậy hương vị Tết cổ xưa.
Lấy nguồn cảm hứng từ tuổi ấu thơ, nơi anh sinh ra và lớn lên từng gắn bó với các lò mứt Tết cư xá đường sắt. Nhắc đến đây là nhớ đến những cái lò làm mứt Tết lâu đời.
Trải qua thăng trầm, đến nay mọi thứ đều mai một, mứt gừng, mứt dừa…cũng dần đi vào trong ký ức của anh.
Bộ sản phẩm mứt đất sét đã ra đời như thế. Anh bắt đầu tìm hiểu từng loại mứt để hiểu về nó: "Nhìn thành phẩm thì vô cùng đơn giản, nhưng khi bắt tay làm tôi mới nhận ra chúng thực sự cầu kỳ, tỉ mỉ từ màu sắc cho đến từng sợi gân ở bên trong mỗi sản phẩm".
Mứt dừa cần độ trong và cần pha màu màu sắc xanh, hồng, vàng chuẩn. Tạo ra mứt gừng không đơn giản khi phải có những sợi nhỏ, mỏng bên trong. Với mứt Mãng cầu có hai kiểu để tạo nên sản phẩm. Chúng ta có thể quấn hình con sò là cách làm thông dụng. Cách quấn theo hình cây đèn cầy cổ xưa, hơn hai năm qua họ không làm theo kiểu này nữa vì nếu làm theo cách đó sẽ khiến đường sẽ bị chảy ra ngoài…
"Nhìn vào mứt củ sen, làm thế nào để người ngắm sản phẩm sẽ tái hiện được hình hài của nó và phải có những hạt đường. Nho khô, mứt hạt sen, táo khô…hạt xí muội…Tất cả đều mang đậm sự khác biệt của mỗi sản phẩm", anh chia sẻ.
Đó là các sản phẩm trong bộ sưu tập của anh. Đặc trưng của các loại mứt là đều có một độ trong nhất định. Từ đất sét để hình thành được độ trong đó cần bàn tay khéo léo khi pha màu. Ngoài ra, các hạt được rắc lên mứt cũng đòi hỏi sự đặt biệt. Để sản phẩm được thật nhất, anh Đạt đã dùng bột giấy làm hạt đường khiến sản phẩm thật nhất có thể.
Nghe đến mứt Tết là gợi nhớ sự lâu đời, sự truyền thống để mọi người biết đến nó. Tuy nhiên, quá trình tìm hiểu anh cũng nhận ra các món mứt Tết truyền thống cũng đang dần bị thay thế bởi các loại mứt khác như mứt kiwi.
Quan điểm "bán nghệ thuật để nuôi nghệ thuật" là kim chỉ nam cho người nghệ nhân trẻ có thể cháy với đam mê mà không quá bận rộn với cơm áo gạo tiền. Do đó, các sản phẩm anh tạo ra đều thực sự hài lòng: "Tôi hi vọng rằng, bộ sản phẩm được nhiều người đón nhận. Những người còn luyến lưu hương vị Tết cổ truyền, những người con xa quê, dù Tết đến năm hết vẫn không thể về do dịch Covid-19, những kiều bào còn đau đáu với quê nhà khi nhìn thấy mứt là thấy Tết quê hương", anh nói.
Bộ sản phẩm hoàn thành được kiều bào quan tâm và yêu thích. |
Để giữ "hồn" Tết Việt, trong bộ sưu tập của mình từ nguyên liệu đất sét, anh đã lưu giữ 200 món ăn ngày Tết cả ba miền Bắc-Trung-Nam. |
Khi tìm hiểu để làm mỗi sản phẩm đều bắt đầu từ những điều vô cùng nhỏ bé đến độ tinh xảo. |
Một chiếc bánh dẻo từ nguyên liệu đất sét, sản phẩm không hề "giả trân". |
Mai vàng bên bánh mứt, chẳng ở đâu có ngoài… Tết quê hương.
(Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị)