Trên đường phố, những tấm biển hiệu với nhiều hình ảnh, màu sắc đang ngập tràn, không còn ai sử dụng bảng hiệu vẽ tay. Vậy mà, vẫn còn một người thợ vẽ hàng ngày miệt mài với cây cọ, lon sơn. Có lẽ ông là thợ vẽ bảng quảng cáo duy nhất còn sót lại ở thành phố này...
Người thợ cười xòa, cho biết: "Bây giờ mấy ai còn sử dụng bảng hiệu vẽ tay. Vì thế nghề vẽ này đã chết từ nhiều năm nay. Những đồng nghiệp của tôi, người bỏ nghề, người đã mất... có lẽ may mắn chỉ còn tôi bám trụ với nghề".
Xưởng vẽ của ông Nguyễn Thế Minh
Xưởng vẽ của ông ở số 603 An Dương Vương (phường An Lạc A, quận Bình Tân, TP.HCM). Nơi đây vừa nhà ở vừa là nơi làm việc của ông Nguyễn Thế Minh (67 tuổi, nghệ danh Hoài Minh Phương), người đã gắn bó cả đời với nghề cầm cọ.
Trong xưởng vẽ của mình, ông cởi trần, tay cầm cọ chấm vào sơn vẽ lên tấm bảng. Ông ngồi vẽ như thế thật lâu. Thỉnh thoảng người họa sĩ già dừng lại, rít một hơi thuốc lá rồi sau đó, nét vẽ lại tung hoành trên tấm bảng.
Ông bắt đầu trải lòng với chúng tôi ...
Pha màu
Ông kể: "Tôi đến với cây cọ từ những năm đầu thập niên 1970. Tôi không qua một trường lớp nào mà chỉ theo 2 người thầy là họa sĩ Hoa Huệ và họa sĩ Vũ Trọng Hợp tập tành cầm cọ trong 3 năm mới thành nghề. Sau đó tôi vẽ quảng cáo trong 2 năm tiếp theo.
Vẽ quảng cáo thời điểm đó qua rất nhiều công đoạn. Người thợ vẽ phải biết đóng khung gỗ, lợp tôn. Thị trường lúc này chưa có tôn tĩnh điện, phải dùng tôn dầu nên phải có thêm một lớp chống sét trước khi phủ sơn nền.
Vẽ bảng hiệu quảng cáo cần sự tỉ mỉ. Màu và nét vẽ phải có sự đặc trưng của người cầm cọ. Nét vẽ của tôi rất riêng, không giống bất cứ một người nào. Chính vì điều này tôi đã tạo cho mình một số khách hàng "ruột". Họ càng tín nhiệm, mình phải hết sức cố gắng để không phụ lòng.
Tôi sống với nghề vẽ như thế cho đến 1975 thì tạm nghỉ. Tôi vào làm việc ở một cơ quan hành chính trong hơn 10 năm. Khi cơ quan giải thể, tôi lại trở về tiếp tục mở xưởng vẽ... ".
Lúc này đã qua thời kỳ bao cấp, nhiều hàng quán, cơ sở sản xuất, công ty xí nghiệp hình thành. Nhu cầu về bảng hiệu rất lớn nên có thể gọi đó là thời điểm huy hoàng nhất của nghề vẽ quảng cáo.
Vẽ tranh
"Tôi làm không hết việc. Đứa con trai giữa là đứa con duy nhất mê nghề vẽ của cha đã tham gia với tôi trong suốt thời gian này. Những tấm bảng hiệu được hoàn thành mang đi, những khung mới được đưa tới. Cha con tôi làm việc không biết mệt mỏi", ông Thế Minh kể.
Nghề phụ, chuyên trị bong gân trật xương được ông thi vị hóa bằng thơ: "Anh phân nửa, phần em phân nửa / Hai nửa trời thương nhớ ngập hồn"
Giai đoạn vàng son ấy chỉ kéo dài được 2 năm. Công nghệ phát triển cho ra đời máy cắt decal, máy kỹ thuật số làm qua máy vi tính tạo nên những sản phẩm vừa nhanh vừa sắc sảo. Nhìn qua những tấm bảng hiệu làm bằng máy, ít có tính nghệ thuật bằng vẽ tay nhưng lại rất được lòng thị trường.
"Bảng hiệu vẽ tay dần dần thưa khách, người vẽ cũng không còn nhiều nếu không muốn nói là chỉ còn một mình tôi. Những ai còn lưu luyến với cây cọ, với lon sơn thì tìm đến tôi và nhờ vậy mà tôi vẫn còn sống lay lắt với nghề đến bây giờ", ông buồn bã chia sẻ.
Ông Minh cho biết thêm: "Bây giờ, thỉnh thoảng mới có một khách thuê vẽ. Gần đây, một phụ nữ đến nhờ tôi vẽ bức tranh bằng sơn theo ý tưởng của bà.
Bức tranh của bà được dựa trên một câu chuyện. Theo đó, có một người đàn ông bị người tình phụ bạc. Ông buồn quá bỏ vào rừng sâu và dựng chòi để sống, ngày ngày vui với cỏ cây muông thú.
Bức tranh này có chi phí là 2 triệu đồng nhưng đã nhiều ngày rồi, ông Thế Minh mới chỉ phác thảo.
"Không dễ kiếm được tiền vì nghề vẽ đòi hỏi phải có hứng thú mới có sáng tạo. Tôi còn phải mất nhiều thời gian để hoàn thành bức tranh theo ý muốn", ông nói.
Không thể tiếp tục sống bằng nghề vẽ nên ông Minh nhận thêm việc chữa trị bong gân, trật xương. Đây là nghề gia truyền bởi cha ông là một võ sư. Cũng nhờ thế ông có đồng ra đồng vào, sống qua ngày.
Tuổi đời đã cao, mấy tháng trước đây, trong một lần vẽ bảng quảng cáo cho một tiệm ăn, không may ông bị ngã làm gãy tay trái. "Nhưng dù thế nào tôi không thể nào xa cây cọ, lọ sơn. Với tôi, chúng là tâm huyết là nỗi niềm của tôi từ bao năm nay".
Cuộc sống của ông hiện nay không sung túc nhưng qua câu chuyện chúng tôi nhận thấy ông rất lạc quan, yêu đời. Dường như đó là tố chất giúp ông cầm cây cọ để làm nghề vốn đã bị người đời dần lãng quên...
Trần Chánh Nghĩa
Đã đăng trên VietNamNet ngày 29/07/2017
https://vietnamnet.vn/vn/doi-song/song-la/loi-de-nghi-bat-ngo-cua-quy-ba-sai-gon-voi-nguoi-hoa-si-gia-386825.html?fbclid=