“Vũ khúc giao hòa” được xem là một hoạt động kỷ niệm 30 năm (22/12/1992 - 22/12/2022) thiết lập quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc.
Chương trình biểu diễn nghệ thuật phục vụ cộng đồng diễn ra tại sân khấu trước Ngọ Môn tối qua, 25/11. Đây là chương trình biểu diễn do Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế phối hợp Hiệp hội Múa Gyeonggi Hàn Quốc thực hiện.
Với 12 tiết mục chính, mở màn là tiết mục hòa tấu “Vọng Kinh kỳ” do dàn nhạc truyền thống trình tấu giai điệu, khái quát về công cuộc dựng Kinh đô một thuở.
Những điệu múa đẹp mắt đến từ xứ Kim chi.
Tiếp đến, công chúng được thưởng thức phần giao hòa âm sắc giữa các vũ khúc truyền thống của Việt Nam và Hàn Quốc.
Các vũ khúc cung đình như Phụng Vũ, Trình tường tập khánh; Lục triệt hoa mã đăng, Lục cúng hoa đăng trên nền nhã nhạc cùng với diễn xướng của vũ công tạo nên âm sắc tươi vui, trang nhã mang tính triết lý của các vũ khúc cung đình.
Hiệp hội Múa Gyeonggi mang đến các tiết mục múa là các di sản phi vật thể của “xứ sở Kim chi” như múa Sunsori Santaryeong, múa sếu Tae Pyung Mu là các di sản văn hóa phi vật thể đặc biệt quốc gia Hàn Quốc; múa Hanryangmu hữu tình gắn với sân múa truyền thống của Bảo tàng Dân gian Gyeongbokgung; điệu múa Daegeumsanjo hình thành từ nhóm múa nữ ở triều đại Goryeo (918-1392); múa Salpuri là điệu nhày cổ xưa; múa Salpuri, Tae Pyung Mu là các di sản văn hóa phi vật thể Gyeonggi-do của Hàn Quốc.
Cách đây gần 20 năm, Nhã nhạc cung đình Huế được UNESCO ghi vào Danh mục Di sản phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại, sau đó là Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại. Hành trình gần 20 năm bảo tồn và phát huy giá trị, di sản Nhã nhạc ngày một tỏa sáng theo thời gian.
Chương trình biểu diễn nghệ thuật phục vụ cộng đồng.
Trải qua thời gian, các giá trị nhân văn của những vũ khúc, giai điệu truyền thống của các quốc gia luôn gìn giữ, trao truyền, phát huy để hòa vào đời sống đương đại bằng hơi thở thẩm mỹ mới.
Chương trình nghệ thuật “Vũ khúc giao hòa” nằm trong khuôn khổ Festival mùa Đông Huế 2022, đã tạo thành điểm nhấn giữa loại hình múa truyền thống của Việt Nam và Hàn Quốc.
Chương trình nghệ thuật “Vũ điệu dân ca Hàn Quốc”.
Trước đó, tại Nhà hát Duyệt Thị Đường cũng đã diễn ra chương trình nghệ thuật “Vũ điệu dân ca Hàn Quốc”, do Hội Âm nhạc Truyền thống Hàn Quốc, Chi nhánh Gyeonggi biểu diễn.
Chương trình đánh dấu sự hợp tác giữa Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế với Hội Âm nhạc Truyền thống Hàn Quốc trong công cuộc bảo tồn và phát huy nghệ thuật diễn xướng truyền thống.
Chương trình nghệ thuật “Vũ điệu dân ca Hàn Quốc” diễn ra ở Nhà hát Duyệt Thị Đường.
Dựa trên bản sắc của Gyeonggi Gugak, Chi nhánh Gyeonggi của Hiệp hội Gugak Hàn Quốc đang hoạt động tích cực trong các dự án giao lưu quốc tế, đóng vai trò chủ yếu nhằm tạo các mối quan hệ giao lưu, tập hợp lực lượng nghệ sĩ nhằm bảo tồn và phát huy di sản biểu diễn truyền thống.
Các nghệ sĩ, nghệ nhân Hàn Quốc đã tham gia biểu diễn trong khuôn khổ Festival mùa Đông Huế 2022 gồm các bản dân ca, các vũ điệu là các di sản văn hóa phi vật thể ở "xứ sở Kim chi".
Một số hình ảnh tại chương trình “Vũ khúc giao hòa”:
“Vũ khúc giao hòa” được xem là hoạt động nhân kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc.
Chương trình nghệ thuật “Vũ khúc giao hòa” nằm trong khuôn khổ Festival mùa Đông Huế 2022.
Chương trình diễn ra trong không gian cổ kính ở khu vực trước Ngọ Môn.