Nhà cung cấp củi David Wunderink cho biết, trong bối cảnh nhu cầu tăng cao, kho hàng của ông có thể cạn kiệt vào nửa cuối mùa hè. Ông Wunderink giải thích, trước đây hầu hết khách hàng chỉ bắt đầu mua củi vào những tháng đầu mùa thu.
Bản thân các nhà cung cấp cũng phải đối mặt với một số vấn đề. Theo Volkskrant, do cuộc khủng hoảng Ukraine và các lệnh trừng phạt với Nga, nguồn cung gỗ từ Đông Âu đã giảm mạnh.
Ngoài ra, một chính sách mới của công ty lâm nghiệp nhà nước Staatsbosbeheer có nghĩa là cây ở Hà Lan không còn nhiều để có thể làm củi nữa, vì đốt sẽ thải ra carbon dioxide.
Người Hà Lan ồ ạt mua củi để tích trữ. (Ảnh: Global Look Press) |
Theo ghi nhận, tất cả những điều này đã dẫn đến thực tế là giá củi cũng bắt đầu tăng lên. Hiện nay giá củi đắt hơn 50 euro so với năm ngoái.
Cổng thống kê năng lượng Energievergelijk.nl cho hay, Hà Lan đứng thứ hai ở châu Âu về chi phí khí đốt, một mét khối tại đây tiêu tốn của cư dân nước này 2,25 euro.
Hôm 28/6, Bộ trưởng Khí hậu và Năng lượng Hà Lan Rob Jetten cho biết, trong trường hợp xảy ra khủng hoảng khí đốt tại một quốc gia Liên minh châu Âu (EU), toàn bộ châu Âu có thể bị ảnh hưởng.
Ông Jetten cũng nói thêm rằng, nếu một tình huống phát sinh trong đó “tất cả các quốc gia ở Tây Bắc Âu đạt đến giai đoạn thứ ba của kế hoạch khẩn cấp khí đốt và thử tất cả các biện pháp khác để ngăn chặn tình trạng thiếu khí đốt”, thì chính phủ Hà Lan có thể xem xét tăng sản lượng khai thác mỏ khí đốt ở Groningen (phía bắc Hà Lan).
Trước đó, Đại sứ phụ trách An ninh Năng lượng Cộng hòa Czech tại EU Vaclav Bartuška cho biết, đất nước của ông sẽ làm mọi thứ, “đốt bất cứ thứ gì có thể” để tạo ra nhiệt và điện phục vụ nhu cầu giữ ấm cho người dân nếu nguồn cung cấp khí đốt trong mùa đông tới không đảm bảo.
Tuyên bố của ông Vaclav Bartuška phản ánh tình hình khủng hoảng năng lượng trầm trọng đang diễn ra ở châu Âu. Chính phủ và người dân châu lục này chật vật tìm mọi cách để đối phó.
Cuộc khủng hoảng nhiên liệu hiện nay đang tạo ra cơn sốt củi ở châu Âu. Người dân Latvia xếp hàng để xin giấy phép thu gom cành cây thừa từ hoạt động đốn cây đã tăng vọt lên gấp 5 lần. Công ty quản lý hoạt động khai thác gỗ tại Latvia cho hay, lượng gỗ dư thừa từ hoạt động chặt cây mà người dân có thể sử dụng cũng sẽ giảm trong thời gian tới.
Tương tự Latvia, một quốc gia châu Âu khác là Ba Lan trước đó cũng tạo điều kiện giúp người dân lấy củi dễ dàng hơn trong bối cảnh giá năng lượng tăng cao và thiếu nguồn than.
Thứ trưởng Bộ Khí hậu và Năng lượng Ba Lan Edward Siarka cho hay, người dân có thể vào rừng lấy cành cây làm nhiên liệu nếu được các đơn vị lâm nghiệp địa phương cho phép.
Đức, nền kinh tế lớn nhất EU, nhập khẩu hơn một nửa nhu cầu khí đốt và nhiên liệu hóa thạch từ Nga, người dân nước này cũng tích cực tích trữ củi cho mùa đông. Với việc giá năng lượng tăng cao, chi phí sưởi ấm của người dân tăng lên, nhiều người Đức tìm đến lò sưởi bằng củi theo kiểu truyền thống, hy vọng củi có thể góp phần giải cơn khát khí đốt.
Thanh Bình (lược dịch)