Trên mạng internet và truyền thông, những đoạn video gây "sốc" cộng đồng người gốc Á lần lượt xuất hiện trong thời gian qua.
Cuối tháng 1, một đài truyền hình địa phương chiếu đoạn video về một người đàn ông trẻ thô bạo xô ngã một cụ ông 84 tuổi gốc Thái Lan tên là Vicha Ratanapakdee - người ra ngoài đi bộ ở khu vực Anza Vista, San Francisco. Cụ ông qua đời sau đó.
Một đoạn video khác cho thấy một cụ già 91 tuổi ở khu người Hoa tại Oakland bị đẩy ngã úp mặt xuống vỉa hè bê tông từ phía sau trong một vụ tấn công vô cớ.
Các cuộc tấn công châm ngòi cho sự phẫn nộ âm ỉ, sợ hãi và tổn thương trước làn sóng bạo lực chống người châu Á mà các nhà lãnh đạo địa phương cho rằng đã xuất hiện trước đó trong đại dịch Covid-19.
Carl Chan, người đứng đầu phòng thương mại khu người Hoa tại Oakland ghi nhận hơn 20 vụ tấn công ở khu dân cư người gốc Trung Quốc. Nhiều vụ đã không được báo cáo vì phải mất vài giờ đồng hồ cảnh sát mới tới hiện trường.
"Những người lớn tuổi trong cộng đồng lo sợ khi phải đi ra đường", ông Chan nói.
Các vụ tấn công xảy ra dồn dập trước thềm cộng đồng người gốc Á đón Tết âm lịch, đặc biệt là người lớn tuổi. Năm nay, đại dịch buộc nhiều hoạt động năm mới bị hoãn hoặc hủy bỏ khiến cho bầu không khí đón năm mới thêm phần ảm đạm.
"Cộng đồng cảm thấy buồn bã và phẫn nộ", Alvina Wong, Giám đốc Mạng lưới Môi trường Châu Á Thái Bình Dương cho biết.
Chính quyền hành động
Các cuộc tấn công gần đây cho thấy sự bùng nổ bạo lực về ngôn từ và hành động chống lại người gốc Á kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát hồi năm ngoái với ca bệnh đầu tiên ghi nhận ở Trung Quốc.
Nancy O'Malley, công tố viên hạt Alameda, California cho biết người lớn tuổi gốc Á trở thành mục tiêu bị tấn công vì nhiều đối tượng nghĩ rằng họ sẽ không tố giác tội phạm vì rào cản ngôn ngữ. Văn phòng của O'Malley đã lập ra một đội đặc nhiệm tập trung vào những hành vi gây hại cho người Mỹ gốc Á, đặc biệt là người lớn tuổi.
O'Malley cho biết đội ngũ của bà đang cố gắng tiếp cận và kêu gọi nạn nhân tố giác về những hành vi tội phạm chống lại họ.
Theo AP, cảnh sát đã tăng cường tuần tra và tình nguyện viên cũng xuất hiện trên đường phố để có thể phản ứng nhanh với các vụ việc khi cần thiết.
Các quan chức thành phố cũng đã đến thăm các khu người Hoa ở San Francisco và Oakland trong tuần này để giải quyết các mối lo ngại về an toàn của người dân và lên án những hành vi bạo lực chống lại người gốc Á.
Russell Jeung, chủ nhiệm Khoa Nghiên cứu người Mỹ gốc Á tại Đại học San Francisco State, cho biết cộng đồng gốc Á đang cảm thấy "đau buồn" và muốn công lý được thực thi. Tiến sĩ Jeung cho rằng dù Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi tháng trước mới ký lệnh nhằm chỉ thị cơ quan liên bang chống lại các hành vi phân biệt chủng tộc, kỳ thị người gốc Á, nhưng còn rất nhiều việc cần làm.
San Francisco không phải là khu vực duy nhất tại Mỹ chứng kiến làn sóng thù ghét với người gốc Á gia tăng. Thành phố New York cũng ghi nhận hàng loạt hành vi kỳ thị người gốc Á gia tăng vào năm 2020.
Đức Hoàng
Theo New York Times, AP