Người giữ gìn thanh âm Kinh Bắc

Khánh Dương - Tùng Dương - Ngọc Hải - Hà Trang | 02/07/2024 12:07

31 năm gắn bó với dân ca Quan họ, Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Phú Hiệp là biểu tượng của lòng đam mê và sự cống hiến quên mình cho di sản văn hóa phi vật thể độc đáo này.

“Quan họ chọn tôi”

Lớn lên cùng những làn điệu dân ca Kinh Bắc, vào mỗi dịp hội xuân, ông Hiệp lại cùng những người bạn của mình ra đình làng để được xem Quan họ. Những làn điệu ấy khiến con người ông trở nên nhẹ nhàng và bay bổng đến lạ, , khiến ông say mê mà thuộc lòng từng câu hát.

thiet-ke-chua-co-ten-2-.png
Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Phú Hiệp biểu diễn Quan họ cổ.

Năm 1979, chiến tranh biên giới Việt Trung nổ ra, ông nhập ngũ và tham gia chiến đấu ở Lạng Sơn. Với chất giọng ngọt ngào, ông Hiệp được chuyển sang đội văn công của đơn vị. Sau chiến tranh, với niềm đam mê mãnh liệt, ông Hiệp tự mình nghiên cứu và sưu tầm các tài liệu về Quan họ.

Chưa từng được học qua trường lớp, ông tự mình tìm đến các cựu nghệ nhân Quan họ có tiếng để học hỏi và tích lũy thêm kinh nghiệm. Dần dần, ông trở thành giọng ca có tiếng . Cứ mỗi khi hội hè hay các cuộc thi lớn, cái tên Nguyễn Phú Hiệp luôn là cái tên được khán giả chờ đợi nhất.

quanhothoha.jpg
Đoàn Quan họ cổ của làng Thổ Hà

Năm 1984, nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Phú Hiệp đã thành lập CLB Quan họ Thổ Hà với hơn 30 thành viên. Thời đó điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, mỗi hội viên chỉ đóng 1000 đồng. Để có kinh phí duy trì, ông Hiệp đã cùng với anh em nảy ra ý tưởng mời đoàn chiếu phim về làng để bán vé kinh doanh. Số tiền kiếm được dành hết cho các buổi giao lưu văn nghệ. Sau 40 năm CLB vẫn duy trì họa động mỗi cuối tuần. Có những cựu thành viên làm ăn xa, mỗi khi về đến làng lại háo hức được đến nhà ông Hiệp để được tham gia vào buổi sinh hoạt Quan họ của làng.

img_0127.jpg
Câu lạc bộ Quan họ cổ Thổ Hà sinh hoạt mỗi tuần.

Cái đặc biệt của ông Hiệp là chỉ hát Quan họ cổ, Quan họ chay mà không cần sự hỗ trợ của nhạc cụ nào. Biến lời ca thành những giai điệu, từng câu chữ nhả ra trọn vẹn, gọn gàng mà da diết thiết tha. Với tình yêu dành cho Quan họ, ông khẳng định: “Chừng nào trái tim tôi còn đập, miệng vẫn còn nói được thì tôi vẫn còn hát Quan họ, đó là điều chắc chắn,...”

Mang Quan họ đến miền Đông Nam nước Pháp

Đầu năm 2012, nghệ nhân Phú Hiệp được chọn là một trong những đại diện di sản Quan họ Bắc sông Cầu biểu diễn nhân kỷ niệm 66 năm thành lập UNESCO tại Paris (Pháp).

Lúc đó, một đoàn kiều bào về Việt Nam tìm nghệ sĩ sang Pháp biểu diễn đã đi hết cả hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang để tìm ra một giọng ca phù hợp nhưng vẫn chưa thực sự tìm ra giọng ca ưng ý. Phải đến khi về đến làng Thổ Hà, được nghe tiếng hát của nghệ nhân, mọi người mới thật sự trầm trồ mãn nguyện. Giáo sư Trần Quang Hải (con của GS. TS. Âm nhạc Trần Văn Khê) phải thốt lên: “Anh chính là người mà chúng tôi cần tìm.”

luu-dien-phap.jpg
Ông Nguyễn Phú Hiệp trong chuyến lưu diễn tại Pháp năm 2012.

Ông Hiệp kể rằng, đây là lần đầu tiên được đi và được biểu diễn ở nước ngoài. Trước chuyến lưu diễn, vì khó khăn về kinh tế và chi phí sinh hoạt tại châu Âu quá đắt đỏ khiến chuyến đi phải hủy. Ông Hiệp lại vui vẻ động viên anh em cố gắng, cùng nhau vun vén để lên đường.

“Lúc đi thì vất vả như thế, nhưng quá thật, tôi đã có một kỷ niệm xúc động mà có lẽ suốt đời tôi cũng không thể quên.” Sau buổi diễn, cả đoàn đang đứng trước trụ sở UNESCO ở Paris, chuẩn bị sáng sớm mai bay về Việt Nam thì lại được bà con kiều bào ở Lyon đến mời  biểu diễn. Đoàn lại tức tốc vượt 500km để tới Lyon diễn giao lưu với bà con. Lúc kết màn rồi khán giả vỗ tay xong chúng tôi đi vào trong nhưng sau đó lại nghe thêm một tràng vỗ tay nồng hậu nữa chúng tôi ra tiếp, cứ thế đến năm lần”.

Ông mê Quan họ từ khi còn nhỏ và đến khi tóc đã bạc vẫn một lòng. Mấy chục năm đi hát, trong nhà ông giờ xếp kín những tấm bằng khen, huy chương tại các cuộc thi, các kỳ hội diễn dân ca Quan họ từ Trung ương đến địa phương. Thuở mới vào nghề, ông Hiệp đã đạt Giải A liên quan ca nhạc Quan họ các năm 1996, 1997.

Với tài năng và những đóng góp của mình cho dân ca Quan họ, năm 2015, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú”. Năm 2022, một lần nữa ông vinh dự được Nhà nước trao tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”, là danh hiệu cao quý cho nghệ nhân và được Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang tặng danh hiệu “Công dân Bắc Giang ưu tú” vào năm 2023. Đến năm 2024, tư liệu của Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Phú Hiệp được trưng bày tại triển lãm các chuyên đề phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” năm 2024 tại bảo tàng Hồ Chí Minh (Hà Nội).

trao-nghe-nhan-nhan-dan.jpg
Ông Nguyễn Phú Hiệp được trao tặng danh hiệu ' Nghệ nhân Nhân dân'.

"Nói giới trẻ không tiếp nhận văn hóa dân tộc là một sai lầm!", ông Hiệp hồ hởi và tin rằng người trẻ ngày nay vẫn rất thích thú và sẵn sàng tìm hiểu về Quan họ. Một trong những lý do khiến giới trẻ chưa đến gần hơn với Quan họ là do âm nhạc dân gian thường kén khán giả. Việc sân khấu hóa Quan họ để thu hút giới trẻ đôi khi khiến mất đi bản sắc vốn có của loại hình nghệ thuật này.

image.png
Nghệ nhân Nguyễn Phú Hiệp tham gia giảng dạy tại trường Trung cấp Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang.

"Tôi tin tưởng vào tương lai của Quan họ", Nghệ nhân khẳng định. "Với sự chung tay của cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ, Quan họ sẽ tiếp tục vang vọng, tô điểm cho đời sống văn hóa của người Việt". Việc gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống không chỉ là để lưu giữ lịch sử, mà còn là để nuôi dưỡng tâm hồn và bồi đắp những giá trị nhân văn cao đẹp cho thế hệ tương lai.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Người giữ gìn thanh âm Kinh Bắc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO