Trong hai ngày vừa qua, hàng nghìn người dân đã tập trung về các trụ sở công an ở TPHCM để làm thẻ căn cước mẫu mới.
Ghi nhận của phóng viên Dân trí tại Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06) công an TP, từ 13h30, rất đông người dân đã tập trung, xếp hàng chờ đến lượt thu nhận hồ sơ để cấp thẻ căn cước theo quy định mới có hiệu lực từ ngày 1/7.
Người dân được phát phiếu thứ tự và đợi đến lượt làm thẻ căn cước mới.
Theo quy định, từ ngày 1/7, Luật căn cước chính thức có hiệu lực. Căn cước công dân sẽ đổi tên thành Căn cước. Chứng minh nhân dân sẽ có giá trị sử dụng đến ngày 31/12/2024. Căn cước công dân được cấp trước ngày 1/7/2024 vẫn tiếp tục có giá trị sử dụng đến hết thời hạn ghi trên thẻ.
Trong Luật căn cước mới, các công dân phải thực hiện thu thập sinh trắc mống mắt để làm cơ sở đối soát, xác thực thông tin của từng cá nhân.
Công dân phải thực hiện đầy đủ thủ tục theo quy trình: tiếp nhận hồ sơ, lăn tay, lấy dữ liệu mống mắt, chụp hình, kiểm tra lại kết quả dữ liệu, trả hồ sơ.
Luật căn cước mới cũng mở rộng thu nhận hồ sơ, cấp căn cước cho công dân dưới 6 tuổi, từ 6 đến dưới 14 tuổi và từ 14 tuổi trở lên.
Bé Văn Chung Hiếu Trưởng (8 tuổi) được bố dẫn đến trụ sở công an để làm căn cước chiều 2/7.
"Sau khi hay tin cấp thẻ căn cước cho trẻ trên 6 tuổi, tôi vội đưa con ra trụ sở để làm ngay. Có căn cước rồi, mọi việc sẽ rất thuận tiện, nhất là lúc đưa bé đi máy bay", anh Văn Chung Cang (47 tuổi, bố của bé Trưởng) chia sẻ.
"Là một công dân, tôi có trách nhiệm phải tuân thủ đầy đủ luật pháp. Làm thẻ căn cước cũng là một trong những quyền lợi của công dân", chị Lâm Diệu Tâm Hiếu (52 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) nói.
Anh Bùi Triệu Anh Tuấn (ngụ quận Bình Thạnh) đưa 2 con gái đến làm thẻ căn cước chiều 2/7.
"Vì sợ thời gian tới người dân sẽ đổ xô đến làm thẻ căn cước đông, tôi thu xếp công việc để đưa 2 con đến làm thẻ. Thủ tục làm việc rất nhanh chóng, không mất quá nhiều thời gian như tôi nghĩ", anh Tuấn nói.
Tính đến thời điểm hiện tại, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06) đã tiếp nhận hơn 2.000 hồ sơ.
Trình tự cấp thẻ căn cước cho công dân từ dưới 6 tuổi đến dưới 14 tuổi
Người đại diện hợp pháp cho trẻ dưới 6 tuổi cung cấp thông tin để làm thủ tục cấp căn cước. Sau đó, cán bộ thu nhận thực hiện khai thác thông tin của trẻ trong cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư. Khi có thông tin, cán bộ thu nhận thực hiện tạo lập hồ sơ cấp căn cước từ thông tin khai thác được.
Với trường hợp công dân có nhu cầu tích hợp thêm thông tin (giấy khai sinh, thẻ bảo hiểm y tế…) thì cán bộ thu nhận tiếp nhận yêu cầu tích hợp thêm giấy tờ.
Cuối cùng, cán bộ thu nhận in phiếu thu nhận thông tin căn cước và người đại diện hợp pháp của trẻ kiểm tra thông tin trên phiếu rồi ký nhận.
Trong khi đó, trình tự cấp thẻ căn cước cho công dân từ đủ 6 tuổi đến dưới 14 tuổi được thực hiện với nhiều quy trình hơn. Một trong những quy trình đó là: người đại diện hợp pháp của trẻ cung cấp thông tin của trẻ cho cán bộ thu nhận hồ sơ. Cán bộ thu nhận sau đó tạo lập hồ sơ, thu nhận thông tin sinh trắc như vân tay, mống mắt, ảnh khuôn mặt… Sau đó người đại diện hợp pháp cho trẻ kiểm tra thông tin và ký nhận rồi nhận hẹn kết quả.
Thẻ căn cước mới có nhiều ưu việt, tính bảo mật cao, được chế tạo bằng công nghệ tiên tiến, có khả năng bảo mật cao, bảo đảm chống lại việc làm giả thẻ. Trong chip điện tử trên thẻ căn cước có công nghệ xác thực thông tin qua đối sánh vân tay hoặc khuôn mặt nhằm xác thực chính xác chủ thẻ.
Quy định cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi cũng mang nhiều ý nghĩa quan trọng, góp phần bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của công dân; phát huy giá trị, tiện ích của thẻ căn cước trong hoạt động của Chính phủ số, xã hội số.