Đưa con đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Thanh Nhàn, chị Lê Thị Thanh Vân (Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ hai con gái song sinh 3,5 tuổi sốt cao kéo dài 3 hôm không đỡ, chị Vân gọi dịch vụ xét nghiệm tại nhà nhưng không rõ tác nhân gây sốt. Sốt ruột, chị Vân cho hai bé đi khám thì một trường hợp đã có biểu hiện viêm phổi, một cháu viêm tiểu phế quản.
Hơn 3 năm nuôi con thơ, chị Vân than thở trong năm 2022 các con của chị nhiều lần phải vào viện. Tháng 3 các bé mắc Covid-19 từ đó đến nay suy giảm miễn dịch nên ốm đau liên miên và nhiều lần khiến ba mẹ hốt hoảng.
Còn chị Nguyễn Thị Phương (Tương Mai, Hoàng Mai, Hà Nội) cũng đưa con vào viện khám vì sốt cao, co giật. Chị Phương hốt hoảng vì con sốt cao tới gần 40 độ C và bé co giật trong gần 1 phút.
Hai vợ chồng chị đưa con tới trạm y tế gần nhà sau đó bác sĩ khuyên nên đưa vào viện theo dõi. Bác sĩ cho biết cháu bị sốt virus và có biểu hiện viêm phổi nhẹ.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, các phòng khám có số bệnh nhi đến khám tăng đột biến, bệnh viện phải mở thêm các phòng để khám chữa bệnh cho các bệnh nhi được nhanh hơn.
Chị Vân An (Mỹ Đình, Hà Nội) cho biết chị đưa con vào Bệnh viện Nhi Trung ương khám từ 7h sáng và đến 11 h trưa mới làm xong các thủ tục xét nghiệm, phòng khám nào cũng đông. Kết quả bé nhà chị sốt do adenovirus. Bác sĩ tư vấn điều trị ngoại trú tại nhà vì đã quá tải.
Không chỉ trẻ em, người già cũng là đối tượng dễ ảnh hưởng do trời rét kéo dài. Tại khoa phổi mãn tính, Bệnh viện Phổi Trung ương số bệnh nhân nhập viện do viêm phổi, co thắt phế quản, hen phế quản, tắc nghẽn phổi mãn tính đều tăng.
Bác sĩ Vũ Văn Thành – Trưởng khoa Bệnh phổi mãn tính, Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết bệnh nhân vào khám tăng từ 30 – 50 % so với trước. Các bệnh nhân đều là người cao tuổi. Nguyên nhân gia tăng người bệnh vào viện là do nhiệt độ giảm cộng với tác nhân của môi trường, khói bụi.
Theo PGS Nguyễn Thị Hoài An – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa An Việt, so với các mùa đông khác thì mùa đông năm nay mới tới khoảng 2 tuần nhưng các bác sĩ đã quay cuồng vì bệnh nhân quá tải.
Bác sĩ An chia sẻ bệnh nhân nhập viện gia tăng. Nếu như trước, virus hợp bào hô hấp RSV hay adenovirus là bình thường, vẫn lưu hành trẻ mắc hầu như không có triệu chứng hoặc rất nhẹ thì đến năm nay trẻ mắc virus này lại có diễn biến nặng thậm chí ghi nhận trẻ tử vong.
BS An cho biết tại bệnh viện số bệnh nhân đến khám, nhập viện đông đúc, quá tải. Nhiều bệnh nhân bác sĩ phải chuyển viện hoặc tư vấn đều trị ngoại trú.
Bác sĩ An không lý giải được vì sao diễn biến dịch bệnh lại gia tăng. Nhiều giả thuyết do hậu Covid-19 suy giảm miễn dịch, thời gian giãn cách xã hội lâu con người ít tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh nên miễn dịch kém và khi gặp virus gây viêm hô hấp, viêm mũi họng là virus nhanh chóng xâm nhập vào cơ quan hô hấp dưới như phổi, phế quản. Thậm chí cả người lớn sốt, ho… virus cũng kéo vào gây viêm phổi.
Để tránh nguy cơ diễn tiến nặng, phải nhập viện trong bối cảnh dịch bệnh bất thường như hiện nay, PGS An khuyến cáo các bậc phụ huynh cần chủ động vệ sinh liên tục đường hô hấp trên cho trẻ bởi đây là nơi vi khuẩn, virus xâm nhập đầu tiên.
Trẻ cũng cần được tăng cường miễn dịch bằng chế độ sinh hoạt khoa học và phải cách ly sớm với các bạn đã có triệu chứng nhiễm bệnh.
Cần giữ ấm cơ thể nhất là vùng đầu cổ để tránh nhiễm lạnh. Nếu nhiễm lạnh sẽ làm cho cơ quan hô hấp dễ bị virus tấn công hơn.
Khánh Chi