Người dùng Việt dễ bị lừa đảo vì tâm lý thích nhận thưởng

HAI LAM (tổng hợp)| 05/04/2022 14:18

Song song với sự phát triển của thanh toán không tiền mặt là sự gia tăng các mối nguy lừa đảo trực tuyến, chiếm đoạt thông tin cá nhân, tài khoản người dùng.

canh-bao_anh-1.jpg
Các dịch vụ tài chính thường xuyên gửi cảnh báo lừa đảo đến người tiêu dùng

Cụ thể, theo ông Ngô Trần Vũ, giám đốc điều hành Công ty bảo mật Nam Trường Sơn, lừa đảo trực tuyến ngày càng nhiều và trở thành “việc làm ăn” lớn của giới tội phạm mạng.

80% gian lận thanh toán do người dùng cuối

Tại Việt Nam, kịch bản và kỹ thuật lừa đảo phổ biến là kẻ xấu dụ nạn nhân bấm vào trang giả mạo, chiếm tài khoản, sau đó lừa bạn bè của họ, hay giả danh công an đòi kiểm tra thông tin cá nhân, lấy mã OTP… Dù  được liên tục cảnh báo, nhưng vẫn có nhiều người sập bẫy và mất tiền, mất thông tin.

Còn theo ông Nguyễn Bá Diệp, đồng sáng lập kiêm phó chủ tịch ví điện tử MoMo, rất nhiều người dùng Việt hiện nay có tâm lý thích nhận thưởng, và đó chính là điểm yếu đang được tội phạm mạng khai thác mạnh.

Theo đó, tội phạm mạng bằng mọi cách tiếp cận người dùng bằng các thông tin trúng thưởng. Sau đó, chúng dùng các kỹ năng giao tiếp để khiến người dùng cả tin và cung cấp các thông tin như mật khẩu, mã OTP cho tội phạm mạng.

Ông Diệp cũng cho biết nhiều trò lừa khác cũng rất phổ biến hiện nay như mạo danh công an, chuyển cuộc gọi, dụ nâng cấp SIM miễn phí… Nhiều người dùng bị lừa khi báo đến tổng đài MoMo đều viện lý do: “Lúc đó tôi vội quá nên không cảnh giác”.

Trong khi đó, ông Ngô Tấn Vũ Khanh, giám đốc phát triển quốc gia hãng Kaspersky, cảnh báo khả năng hack của tội phạm hiện nay ngày càng tinh vi, chẳng hạn chúng có thể cài mã độc theo dõi màn hình người dùng theo thời gian thực. Từ đó, việc lấy mật khẩu hay mã xác thực OTP là khá dễ dàng.

Theo ông Khanh, một trong những thách thức rất lớn của thanh toán không tiền mặt tại Việt Nam hiện nay là việc dùng các giải pháp chống gian lận thanh toán hiện còn hạn chế.

“80% gian lận thanh toán hiện nay nằm ở người dùng cuối, nhưng có vẻ các ngân hàng tại Việt Nam hiện nay không quan tâm lắm. Một trong những vấn đề quan trọng nhất hiện nay của các ngân hàng hay ví điện tử là làm sao xác nhận được một giao dịch được thực hiện bởi chính người dùng hay không phải do người dùng”, ông Khanh nêu thách thức.

Người dùng lẫn nhà cung cấp đều phải có trách nhiệm

Theo các chuyên gia bảo mật, việc cập nhật và trang bị những kiến thức cần thiết để làm chủ giao dịch, tránh trở thành nạn nhân của những vụ lừa đảo luôn là vấn đề quan tâm hàng đầu không chỉ của người tiêu dùng mà còn của chuyên gia, các nhà hoạt động trong lĩnh vực này nhằm thúc đẩy một môi trường tiêu dùng không tiền mặt trong sạch, phát triển.

Theo ông Ngô Trần Vũ, trước nhất, mỗi người dùng phải có ý thức bảo mật cho các tài khoản ngân hàng, ví điện tử của mình. “Nó cũng giống như ngôi nhà của mình vậy. Nhà mình của mình mà mình không lo gắn khóa bảo vệ thì ai sẽ bảo vệ cho mình được đây”, ông Vũ nhấn mạnh.

Về phía nhà cung cấp dịch vụ, ông Nguyễn Bá Diệp cho biết: “MoMo liên tục khuyến cáo khách hàng tuyệt đối không click vào link lạ, không cung cấp OTP/mật khẩu cho bất kỳ ai để tránh mất tiền. Đồng thời liên tục cung cấp các thông tin để nỗ lực bảo vệ người dùng và giúp người dùng nhận diện những thủ đoạn lừa đảo mới nhất thông qua các tin tức cập nhật trên các kênh truyền thông của MoMo và báo đài”.

Còn theo ​bà Trương Cẩm Thanh, chủ tịch kiêm tổng giám đốc Công ty Zion, đơn vị chủ quản ví điện tử ZaloPay: “Sàn thương mại điện tử - ví điện tử - ngân hàng liên kết đều là những đơn vị lưu trữ những thông quan trọng của khách hàng khi tham gia thực hiện giao dịch mua bán hàng hoá và thanh toán trực tuyến. Vì vậy, trong ngắn hạn, các bên phải tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn bảo mật khi kết nối với nhau như mã hóa đường truyền, đảm bảo toàn vẹn dữ liệu trên đường truyền…

Còn về dài hạn, các bên đều cần thường xuyên rà soát, tuân thủ các quy định của cơ quan quản lý, cũng như có kênh trao đổi, chia sẻ thông tin để kịp thời phối hợp xử lý sự cố, bảo vệ khách hàng”.

Hiện nay, cả nước có hơn 80 ngân hàng triển khai dịch vụ Internet Banking, 44 ngân hàng có Mobile Banking cùng nhiều tổ chức cung cấp dịch vụ thanh toán trung gian, trên 90.000 điểm thanh toán QR và gần 300.000 điểm thanh toán POS. Trong 9 tháng đầu năm 2021, thanh toán qua di động tăng 76,2% về số lượng và 88,3% về giá trị, thanh toán qua Internet tăng lần lượt 51,2% và 29,1% so với cùng kỳ 2020.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Người dùng Việt dễ bị lừa đảo vì tâm lý thích nhận thưởng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO