Người dùng than khó cập nhật sinh trắc học là cơ hội cho kẻ xấu lừa đảo chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng

Định Phạm (tổng hợp)| 07/07/2024 12:46

Tình trạng khách hàng gặp khó khi cập nhật sinh trắc học trên các ứng dụng đang được xem là cơ hội cho kẻ xấu giả danh cán bộ ngân hàng với danh nghĩa hỗ trợ để lừa đảo, chiếm đoạt tiền trong tài khoản của nạn nhân.

30% người dùng gặp khó khi cài đặt sinh trắc học

Đó là thống kê từ Cốc Cốc dựa trên dữ liệu thu thập từ khảo sát trực tuyến trong những ngày đầu tháng 7 khi người dùng đang phải "vật lộn" vì cài đặt sinh trắc học cho việc chuyển tiền trên 10 triệu đồng/lần và 20 triệu đồng/ngày.

Theo đó, có tới 50% người dùng tham gia khảo sát cho biết họ có sử dụng dịch vụ của từ 2 ngân hàng trở lên, điều này cần thiết cho việc phải cài đặt sinh trắc học cho số tiền chuyển khoản theo quy định.

Trong con số này, có 75,4% người dùng đã thực hiện cài đặt xác thực sinh trắc học. Cụ thể, Hà Nội và TP.HCM hiện đang là hai khu vực có tỉ lệ người dùng thực hiện cài đặt xác thực sinh trắc học thành công tất cả các ngân hàng cao nhất.

Khu vực miền Nam (trừ TP.HCM) và khu vực miền Trung có tỉ lệ người dùng gặp khó khăn trong việc cài đặt sinh trắc học cao hơn so với các khu vực khác khi có đến khoảng 30% chưa thực hiện thành công bất kỳ ngân hàng nào.

nguoi-dung-than-kho-cap-nhat-sinh-trac-hoc-la-co-hoi-cho-ke-xau-lua-dao-chiem-doat-tien-trong-tai-khoan-ngan-hang.jpg
Nhiều người dùng gặp khó khi cài đặt sinh trắc học. Ảnh: Internet.

Quá trình cài đặt sinh trắc học cũng gây phiền hà cho nhiều vấn đề phát sinh khi gần 2/3 người dùng gặp phải. Trong số đó, có tới 44% người dùng gặp từ hai vấn đề trở lên. Người dùng thường gặp phải các vấn đề liên quan căn cước công dân, nhận diện khuôn mặt, thiết bị, thông tin hướng dẫn hay thậm chí là phải ra ngân hàng mới thực hiện được.

Cũng theo Cốc Cốc, có hơn 36% người dùng lo ngại về bảo mật, hơn 42% ở trạng thái trung lập và hơn 20% còn lại không lo ngại khi được hỏi về nguy cơ an toàn.

Đặc biệt, có tới 50% người dùng 35-44 tuổi lo ngại về việc bảo mật thông tin cá nhân khi sử dụng xác thực sinh trắc học, trong khi tỉ lệ này ở các nhóm tuổi khác dao động từ 24% - 39%. Người dùng miền Nam cũng thể hiện sự lo ngại cao hơn các khu vực khác với tỉ lệ là 43,6%, trong khi con số này của khu vực miền Bắc là 31,6% và miền Trung là 33,3%.

Về vấn đề an toàn khi sử dụng sinh trắc học, tuy có khoảng 1/3 người dùng lo ngại về vấn đề bảo mật thông tin nhưng đa số họ đều đồng ý rằng xác thực sinh trắc học có thể làm tăng mức độ an toàn cho các giao dịch trực tuyến. Theo khảo sát, có gần 70% đáp viên cho biết họ rất đồng ý với quan điểm này.

Cảnh báo lừa đảo lợi dụng danh nghĩa hỗ trợ cài đặt sinh trắc học


Theo ghi nhận của các chuyên gia Bkav, đã có tình trạng các kẻ xấu đã mạo danh cán bộ ngân hàng gọi điện, nhắn tin, kết bạn qua Zalo, Facebook với khách hàng… lừa hướng dẫn thu thập thông tin sinh trắc học.

Bên cạnh hình thức lừa đảo hỗ trợ cập nhật sinh trắc học đang rộ lên những ngày gần đây, các chuyên gia của Bkav cũng cảnh báo nguy cơ lừa đảo deepfake trong giao dịch ngân hàng.

Trong nhiều trường hợp, kẻ xấu yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng, hình ảnh căn cước công dân, hình ảnh khuôn mặt, thậm chí cả giọng nói và cử chỉ của khách hàng… để được hỗ trợ. Khi có được thông tin cá nhân và tài khoản người dùng, chúng dễ dàng đăng nhập tài khoản đánh cắp toàn bộ tiền của nạn nhân.

nguoi-dung-than-kho-cap-nhat-sinh-trac-hoc-la-co-hoi-cho-ke-xau-lua-dao-chiem-doat-tien-trong-tai-khoan-ngan-hang-3.jpg
Cảnh báo kẻ xấu lợi dụng hỗ trợ cài đặt sinh trắc học để chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng. Ành: Internet.

Ngoài ra, kẻ xấu cũng lừa thu thập thông tin của người dùng bằng cách dụ họ bấm vào đường link giả mạo do chúng tạo ra để tải và cài đặt ứng dụng thu thập sinh trắc học nhưng thực chất là tải về file có chứa mã độc, phần mềm gián điệp, nhằm khai thác sâu hơn nữa các thông tin của nạn nhân.

Để tránh bị lừa đảo trong quá trình cập nhật sinh trắc học, các chuyên gia Bkav khuyến cáo người dùng tuyệt đối không cung cấp mã OTP, mật khẩu ngân hàng số... cho bất kì ai, kể cả nhân viên ngân hàng.

Bên cạnh đó, người dùng nên cẩn trọng và không truy cập các đường link lạ được gửi qua chat, SMS hoặc email và hết sức cẩn trọng khi thực hiện các giao dịch tài chính, ngay cả khi đã áp dụng các biện pháp xác thực sinh trắc học.

Các ngân hàng cần liên tục cập nhật các giải pháp công nghệ tiên tiến, kết hợp nhiều lớp bảo mật để chống lại các cuộc tấn công Deepfake. Việc nâng cao nhận thức và sự phối hợp chặt chẽ giữa ngân hàng và khách hàng là rất quan trọng để bảo vệ an toàn tài chính trong kỷ nguyên số.

Trước tình trạng người dùng gặp khó khi cài đặt sinh trắc học, tại họp báo Chính phủ thường kỳ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có nhiều phương án gỡ khó.

Theo đó, NHNN phối hợp với Bộ Công an làm sạch tài khoản và chỉ giao dịch trên 10 triệu đồng mới yêu cầu khách hàng thực hiện bước sinh trắc học. Hiện thống kê chính xác được 19 triệu tài khoản đã xác thực thành công, trong đó có 10% số người được ngân hàng hỗ trợ trực tiếp tại quầy.

Về khó khăn khi thực hiện, NHNN có 2 văn bản hướng dẫn trong các tình huống như không có căn cước công dân gắn chip khi có thể thông VNeID với App của Ngân hàng.

"Chúng ta sẽ làm theo lộ trình, làm dần dần và làm đến đâu chắc đến đó với mục tiêu duy nhất là bảo đảm quyền và lợi ích của khách hàng", Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng nhấn mạnh.

Bài liên quan
  • Cảnh báo giả mạo ngân hàng để thu thập sinh trắc học
    Nếu không muốn bị tạm ngừng giao dịch từ 1/1/2025, tài khoản ngân hàng phải được xác thực sinh trắc học và cập nhật dữ liệu CCCD gắn chip. Lợi dụng điều này, đối tượng xấu mạo danh nhân viên ngân hàng để lừa đảo.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Người dùng than khó cập nhật sinh trắc học là cơ hội cho kẻ xấu lừa đảo chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO