Mới đây, Bộ Giao thông vận tải đề nghị các địa phương xây dựng phương án phân luồng, chuẩn bị thu phí không dừng (ETC) trên tất cả các cao tốc từ 1/8.
Hiện nay, có hai đơn vị cung cấp thẻ thu phí không dừng là thẻ ePass của Công ty Cổ phần Giao thông số Việt Nam và thẻ e-Tag của Công ty TNHH thu phí tự động VETC. Hai bên này kết nối liên thông với nhau nên về lý thuyết đều có thể đi qua tất cả các trạm ETC như nhau.
Bên cạnh những tiện ích của trạm ETC, nhiều tài xế nêu ra những bất cập, cũng như đề xuất các giải pháp để thuận tiện di chuyển.
Những bất cập của dịch vụ thu phí không dừng
Anh Hải Nam (30 tuổi ở Hà Nội), đánh giá ETC là một hệ thống rất tiện tích, tiết kiệm thời gian, đúng xu hướng 4.0 giảm thiểu sử dụng tiền mặt… nên được áp dụng toàn diện và đồng bộ.
Tuy nhiên, theo lái xe này, việc áp dụng ETC tại Việt Nam còn nhiều điểm chưa phù hợp khi các tài xế chưa tạo dựng được thói quen. Ngoài ra, hệ thống ETC hoạt động không trơn tru, nhiều trạm hay bị lỗi, không nhận được mã hoặc có trường hợp bị trừ tiền 2 lần.
"Điều này gây ức chế cho tài xế, đặc biệt từ khi có nghị định xử phạt tài xế không dán ETC hoặc đi vào làn ETC mà không đủ tiền", anh Nam phân tích.
Bên cạnh đó, nam tài xế cho hay, ứng dụng ETC do không liên thông với tài khoản ngân hàng gây khó khăn và trở ngại cho các lái xe. Nhiều tài xế hoặc chủ doanh nghiệp sở hữu nhiều xe, một ngày có thể đi lại hàng chục, thậm chí hàng trăm lượt, rất khó để nhớ liệu còn tiền trong tài khoản ETC hay không. Điều này vô tình dẫn đến tình trạng hết tiền, khiến làn ETC bị ùn tắc.
Anh đề xuất ứng dụng ETC nên liên kết với tài khoản ngân hàng, trừ tiền thẳng vào ngân hàng hoặc có chế độ "ghi nợ" trong trường hợp không đủ tiền. Khoản tiền chưa thanh toán sẽ bị trừ vào lần tiếp theo, truy thu theo thông tin của tài xế...
Trong khi đó, Trần Đức (35 tuổi, lái xe khách tuyến Thái Bình - Hà Nội), cho rằng cách triển khai và thực hiện của đơn vị quản lý cao tốc chưa tốt và thiếu đồng bộ, dù đã có lộ trình dán thẻ, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay.
"Một số sự cố có thể gặp lỗi thẻ, lỗi máy quét, thẻ thiếu tiền trong tài khoản, bong mất thẻ, dịch vụ cấp hoặc đổi mới còn phục vụ kém ở một số nơi... Hi vọng các bác tài đi cao tốc sẽ thuận tiện và ít bị sự cố", anh Đức nói.
Trong khi đó, anh Trung Nguyên, 40 tuổi, vừa dán thẻ e-Tag hồi tháng 5, ở góc bên phải kính lái. Anh được nhân viên hướng dẫn về vị trí dán: hoặc mặt trong kính lái hoặc mặt ngoài chóa đèn pha. Mỗi vị trí dán đều có ưu, nhược điểm riêng.
Dán ở mặt trong kính lái giúp thẻ bền hơn do không chịu tác động của thời tiết cũng như bị đất, cát văng vào. Tuy nhiên vị trí dán này chỉ phù hợp những xe không dán phim cách nhiệt hoặc dán loại phim không phải kim loại.
"Tuy nhiên, nếu ánh nắng hắt vào kính lái gây lóa, khiến thiết bị khó quét thẻ. Để khắc phục tình trạng này, tôi thấy một số trạm đã lắp đặt mái che", anh Nguyên chia sẻ.
Còn nếu dán thẻ định danh phía dưới đèn sẽ giúp tầm nhìn người lái trông thoáng hơn, độ nhạy khi qua trạm thu phí cũng tốt hơn loại dán phía trong kính lái.
Tuy nhiên, dù sử dụng loại keo có độ bám dính tốt, dán thẻ ở chóa đèn cũng dễ bị bong tróc nếu bất cẩn trong lúc rửa xe hay xảy ra va chạm phía trước và phải dán lại với mức phí 120.000 đồng/lần.
"Thậm chí đôi khi trời mưa khiến bùn, đất bắn lên che mờ đèn, thiết bị cũng không thể quét thẻ, lại phải có thêm một công đoạn thủ công", nam tài xế cho hay.
Do chưa có sự đồng bộ về vị trí dán thẻ ETC, anh đề xuất các đơn vị nên thống nhất, tạo sự đồng bộ và thuận tiện cho các tài xế.
Nếu lỗi thuộc về trạm thu phí, tài xế phải làm gì?
Trao đổi với PV Dân Trí, luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng luật sư Đồng Đội, Đoàn luật sư TP Hà Nội nhận định, việc nghiên cứu áp dụng công nghệ thu phí không dừng tại Việt Nam mang lại nhiều ý nghĩa, khắc phục được những bất cập của hình thức thu phí thủ công, như giảm ùn tắc giao thông, quản lý được nguồn tiền thu vào và giảm tải được số lượng lớn nhân lực tham gia thu phí trên cao tốc.
Tuy nhiên trong quá trình sử dụng thực tế, nhiều chủ xe gặp phải không ít tình huống rắc rối khi di chuyển qua những trạm thu phí tự động dù đã dán thẻ định danh.
Theo luật sư Tiền, quy định hiện hành nêu rõ, việc xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến các hành vi vi phạm khi đi qua trạm thu phí không dừng căn cứ vào Nghị định 100/2019/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP.
Trong đó, các hành vi bị xử phạt như: Xe không gắn thẻ đầu cuối; Xe gắn thẻ đầu cuối mà số tiền trong tài khoản thu phí không đủ để chi trả khi qua làn thu phí điện tử tự động không dừng.
Nếu thực hiện một trong hai hành vi trên, theo quy định tại điểm c khoản 4 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (được sửa đổi bởi điểm b khoản 3, điểm d khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP), người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng. Ngoài ra, người điều khiển phương tiện giao thông còn có thể bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 tháng đến 3 tháng.
Tuy nhiên, luật sư đánh giá, trong quá trình sử dụng, vận hành làn thu phí không dừng có thể xảy ra những sự cố nhất định, trong đó xuất phát cả từ nguyên nhân khách quan. Trong những trường hợp như vậy, cần phải nhìn nhận khách quan lỗi xuất phát từ đâu, do hành vi vi phạm của người điều khiển xe hay do hệ thống thu phí có vấn đề trong khi vận hành.
Về quy định liên quan đến hệ thống thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng, khoản 2 Điều 6 Quyết định số 19/2020/QĐ-TTg ngày 17/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ: "Hệ thống thu phí điện tử không dừng phải được thiết kế, lắp đặt, xây dựng đồng bộ trên toàn quốc, bảo đảm vận hành liên tục, nhanh chóng, chính xác, hiệu quả và an toàn".
Luật sư Tiền phân tích, từ quy định trên cho thấy, việc thiết kế, đầu tư, xây dựng, cải tạo, quản lý, vận hành, bảo trì hệ thống thu phí điện tử không dừng được thực hiện theo Tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật và quy định của pháp luật. Đồng thời, trách nhiệm vận hành, bảo trì đối với những hạng mục công trình, thiết bị phục vụ công tác thu phí thuộc về nhà cung cấp dịch vụ thu phí. Nội dung này cũng được thể hiện trong Quyết định nêu trên của Thủ tướng chính phủ.
"Do đó, trường hợp lỗi hệ thống sẽ hiếm khi xảy ra, bởi đơn vị cung cấp dịch vụ phải luôn đảm bảo máy móc, thiết bị, công nghệ vận hành ổn định, không xảy ra sự cố. Nhưng nếu có lỗi xuất phát từ công tác quản lý, vận hành hay bảo trì khi gặp sự cố kỹ thuật thì đơn vị chịu trách nhiệm cung cấp dịch vụ thu phí phải chịu trách nhiệm", ông Tiền nói.
Luật sư lấy ví dụ như việc trạm thu phí bị lỗi, tài xế buộc phải lùi xe trên đường cao tốc để chuyển sang cửa khác hoặc trường hợp tài xế đủ điều kiện đi qua trạm nhưng barie không mở hoặc lỗi mạng... khi đó lỗi không thuộc về người điều khiển phương tiện, đồng nghĩa với việc không có căn cứ để xem xét xử phạt vi phạm hành chính đối với họ trong những tình huống nêu trên.
Ngoài ra, nếu có thiệt hại xảy ra do lỗi hệ thống thu phí điện tử không dừng, gây hậu quả như ùn tắc giao thông, ảnh hưởng đến công việc hay các nhu cầu cá nhân khác của người điều khiển phương tiện, thì có thể phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Theo đó, phía đơn vị trực tiếp quản lý, vận hành hệ thống thu phí cũng như người trực tiếp gây ra sự cố, hỏng hóc kỹ thuật thuộc đơn vị này đều có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho các bị hại do sự cố xảy ra, nếu chứng minh được sự cố trong vận hành hệ thống gây ra thiệt hại thực tế cho họ.
Luật sư Trần Xuân Tiền cho biết thêm, để khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ ETC, trước hết các nhà cung cấp dịch vụ phải bảo đảm sự thuận tiện cho người sử dụng, đảm bảo hệ thống được vận hành ổn định, đồng thời nhanh chóng xử lý những bất cập, tránh gây bức xúc cho khách hàng.
Ngược lại, người điều khiển phương tiện giao thông khi đi qua các trạm thu phí mà gặp sự cố cần hết sức bình tĩnh, chú ý quan sát. Nếu gặp sự cố cần chủ động liên hệ đến đường dây nóng để đơn vị quản lý, vận hành hệ thống kịp thời giải quyết, tránh tâm lý nóng vội mà vi phạm quy định của pháp luật, có thể dẫn đến những hậu quả pháp lý không đáng có.