Được biết đến với biệt danh "bệnh nhân Berlin", Brown được chẩn đoán mắc cả HIV và bệnh bạch cầu tủy cấp tính, một loại ung thư bạch cầu, khi sống ở Berlin hơn một thập kỷ trước.
Khi được chẩn đoán ung thư vào năm 2006, Brown đã thực hiện xạ trị và cấy ghép tủy xương vào năm 2007. Mục tiêu của phương pháp điều trị là tiêu diệt căn bệnh ung thư đang tồn tại trong cơ thể anh ta và bắt đầu sản xuất các tế bào bạch cầu khỏe mạnh, được tạo ra trong tủy xương.
Bác sĩ, tiến sĩ Gero Huetter, đã thực hiện điều trị cả bệnh bạch cầu của Brown và HIV bằng cách sử dụng cùng một ca phẫu thuật.
Huetter đã tìm kiếm một người hiến tặng tủy xương có một đột biến gene hiếm gặp để cung cấp sức đề kháng tự nhiên chống lại sự lây nhiễm HIV. Virus này thường nhắm vào các tế bào bạch cầu được gọi là tế bào CD4-T, nó xâm nhập qua một thụ thể cụ thể trên bề mặt tế bào. Những người bị đột biến gene có một phiên bản thay đổi của thụ thể này, vì vậy virus không thể chui vào bên trong.
Sau khi cấy ghép tủy xương lần đầu tiên vào năm 2007, Brown đã được loại bỏ HIV và vẫn không nhiễm virus cho đến khi qua đời. Brown yêu cầu cấy ghép lần thứ hai vào năm 2008 để loại bỏ bệnh bạch cầu của mình, nhưng sau nhiều năm thuyên giảm, bệnh ung thư đã trở lại vào năm ngoái, di căn đến cột sống và não.
"Tôi rất đau lòng khi người hùng của tôi giờ đã ra đi. Tim thực sự là người ngọt ngào nhất trên thế giới", Tim Hoeffgen, một người bạn của Brown, viết trong một bài đăng trên trên mạng xã hội.
Trong khi đó, Adeeba Kamarulzaman, chủ tịch Hiệp hội AIDS Quốc tế, cho biết: “Chúng tôi mang ơn Timothy và bác sĩ của anh ấy, Gero Huetter, rất biết ơn vì đã mở ra cánh cửa cho các nhà khoa học khám phá khái niệm cho thấy có thể chữa khỏi HIV”.