Tạo thói quen khám bệnh định kỳ cho người dân
Theo đề xuất của Sở Y tế TPHCM, trong tương lai gần, đảm bảo mỗi người dân thành phố đều được khám sức khỏe định kỳ 1 lần/năm. Nếu được lãnh đạo thành phố thông qua, dự kiến nguồn ngân sách sẽ được bố trí cho các UBND quận, huyện, Thành phố Thủ Đức là khoảng 513 tỉ đồng để thực hiện chương trình này.
Bệnh viện Lê Văn Thịnh TPHCM là bệnh viện tuyến quận, hạng II của thành phố. Mỗi ngày bệnh viện khám và điều trị cho hàng nghìn bệnh nhân tại Thành phố Thủ Đức và các tỉnh lân cận. BS.CKII Trần Văn Khanh - Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh cho biết, trong công tác khám chữa bệnh cho người bệnh mãn tính hoặc người có bệnh lý nền hiện nay, người dân đi khám bằng thẻ bảo hiểm y tế. Cũng có nhiều người dân là công chức, cán bộ hoặc người lao động được công ty cho đi khám bệnh định kỳ hằng năm.
Tính toán độ bền, triển khai thận trọng và kỹ lưỡng trong từng bước
PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Trưởng khoa Y tế công cộng Trường Đại học Y Dược TPHCM nhận định, hiện nhiều người dân chưa quan tâm nhiều đến kiểm tra sức khỏe định kỳ bởi nhiều lý do như chưa biết điều này quan trọng, biết quan trọng nhưng không đủ điều kiện để khám (kinh tế, thời gian,…).
Về việc triển khai khám sức khỏe định kỳ hằng năm cho người dân thành phố theo đề xuất của Sở Y tế, vị chuyên gia này nhấn mạnh cần triển khai thận trọng và kỹ lưỡng trong từng bước. Bước đầu, nên khám sàng lọc 2 bệnh gồm tăng huyết áp và đái tháo đường ở người cao tuổi.
Còn theo bác sĩ Trương Hữu Khanh - Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM, về lý thuyết, đề xuất của Sở Y tế TPHCM tốt cho người dân nhưng vấn đề quan tâm chính là chất lượng và độ bền vững.
Có nghĩa là, phải đảm bảo duy trì, không thể năm nay thực hiện khám cho người dân, năm sau tạm hoãn do thiếu kinh phí.
Theo đó, chất lượng nguồn nhân lực phải được đào tạo. Việc đào tạo và tái đào tạo giữa các đội ngũ cũng là điều quan trọng. Đơn cử, khi một bác sĩ quản lý sức khỏe trọn đời cho người dân về hưu hoặc chuyển công tác cần có sự chuyển giao cho người kế tiếp để đảm bảo công việc diễn ra nhịp nhàng, không có sự trì hoãn.
Đồng thời, tính toán cơ sở khám phù hợp với lựa chọn của người dân, nếu cơ sở ở xa sẽ khó đáp ứng nhu cầu của người dân. Cùng với đó, hệ thống quản lí phải đủ mạnh để lưu trữ thông tin của người dân. Cuối cùng, phải tính đến tài chính và kinh phí. Từ đó, tiến tới quản lý những đối tượng bệnh nhân cần được quản lý và quan tâm chăm sóc bởi khi khám sẽ phát sinh bệnh.
Sở Y tế TPHCM vừa trình UBND thành phố kế hoạch về Khám sức khỏe định kỳ, phát hiện và quản lý các bệnh không lây nhiễm gắn với lập hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân TPHCM giai đoạn 2023-2025 và những năm tiếp theo. Trong đó Sở Y tế TP cho rằng, ở mỗi độ tuổi khác nhau, người dân sẽ có các nguy cơ mắc các bệnh lý khác nhau. Do đó, việc xác định nhóm tuổi để lựa chọn loại hình khám sức khỏe phù hợp là điều cần thiết, nhằm phát hiện sớm bệnh lý, điều trị kịp thời và giảm chi phí khám sức khỏe.
Ngành y tế TPHCM đồng thời đặt chỉ tiêu từ năm 2025 tất cả mọi người dân đều được khám sức khỏe định kỳ tối thiểu một lần/năm. Trước mắt giai đoạn 2023 - 2025, người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên) sẽ được ưu tiên khám sức khỏe định kỳ một lần/năm, nâng cao cả chất lượng sống lẫn tuổi thọ cho nhóm người này.