Người dân TP.HCM bắt đầu đăng ký sử dụng vỉa hè qua phần mềm

10/05/2024 14:31

Bao năm lặp lại vòng luẩn quẩn lấn chiếm vỉa hè để bán hàng, chạy trốn khi có lực lượng chức năng đến kiểm tra rồi nộp phạt khi bị bắt giữ... nay tiểu thương TP.HCM đã ‘danh chính’ sử dụng tạm vỉa hè để kinh doanh.

Sau nhiều tháng rà soát, lấy ý kiến người dân, đến nay 11 tuyến đường tại quận trung tâm TPHCM được thí điểm thu phí sử dụng một phần vỉa hè cho kinh doanh dịch vụ, mua, bán hàng hóa. Việc đăng ký, xét duyệt hồ sơ và đóng phí được thực hiện thông qua phần mềm.

W-z5425931426184_8a54684abd6dd2c2b0e58bce43cf491e.jpg
Người dân chiếm dụng vỉa hè đường Phạm Ngọc Thạch (quận 3, TP.HCM) để bày bán bán hàng ăn. Ảnh: Tuấn Kiệt.

Thoát cảnh 'vừa bán vừa lo chạy'

Theo ghi nhận của PV VietNamNet, các tuyến đường này đều đảm bảo điều kiện rộng ít nhất 3m, trong đó có 1,5m dành cho người đi bộ. Hiện tại, quận 1 thí điểm mức thu 10/11 tuyến đường có giá thuê là 100.000 đồng/m2/tháng (trừ đường Võ Văn Kiệt, phường Cô Giang có mức thuê là 50.000 đồng/m2/tháng).

Với mức giá này, nhiều tiểu thương đánh giá là phù hợp và sẽ giúp mang lại nhiều lợi ích cho họ trong kinh doanh, nhất là thoát được cảnh 'vừa bán, vừa lo chạy'.

kinh doanh.jpg
Vỉa hè đường Trần Hưng Đạo dần 'kiểu mẫu' đảm bảo thông thoáng cho người đi bộ. Ảnh: Tuấn Kiệt.

Bà Trần Thị Thuỳ (52 tuổi), chủ quán cà phê trên đường Trần Hưng Đạo, phường Cô Giang, quận 1 (TP.HCM) cho biết, từ đầu tuần UBND phường đã xuống phát giấy để người dân điền thông tin về nhu cầu sử dụng tạm một phần hè phố có thu phí.

“Tôi ủng hộ việc thuê vỉa hè để kinh doanh vì trước đây bán nước uống cũng hay đặt bàn ghế lấn chiếm vỉa hè. Những lần đó tâm lý rất lo lắng khi vừa bán mà phải vừa canh chừng, sợ bị kiểm tra. Giờ thì khác, mỗi tháng tôi bỏ ra 800.000 đồng để thuê 8m vỉa hè và có thể an tâm kê thêm mấy cái ghế nhựa, bàn nhỏ cho khách ngồi uống nước”, bà Thuỷ chia sẻ.

z5426834664386_191150b0ffff055c408f0243f79fac09.jpg
Anh Trần Huy Hoàng, chủ quán phở trên đường Hải Triều, phường Bến Nghé. Ảnh: N.Huy.

Tương tự, anh Trần Huy Hoàng, chủ quán phở trên đường Hải Triều, phường Bến Nghé thừa nhận từng bày bàn ghế lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh và bị nhắc nhở.

Tuy nhiên, việc sử dụng một phần vỉa hè là nhu cầu có thật, giúp quảng bá sản phẩm, thương hiệu để khách biết tới quán. Do đó, khi quận 1 thí điểm thu phí sử dụng tạm thời hè phố, anh Hoàng rất vui mừng.

"Tôi thấy cách đăng ký hồ sơ cũng tiện, mức đóng chia theo quý hoặc theo kỳ 6 tháng, 9 tháng hay 1 năm. Hiện tại, gia đình tôi thuê 8 m vỉa hè, kinh phí 800.000 đồng/tháng và đóng tiền trước 3 tháng để xem xét tình hình hoạt động. Nếu khách đông, doanh thu tốt, tôi sẽ tiếp tục gia hạn thời gian sử dụng tạm đoạn hè phố này", anh Hoàng chia sẻ.

W-z5426012017114_24012728db17a739816767777b9fbee6.jpg
Vỉa hè đường Hải Triều, phường Bến Nghé bố trí phần đi bộ đảm bảo mỹ quan và trật tự an toàn giao thông. Ảnh: Tuấn Kiệt.

40 hộ dân đăng ký 'thuê' vỉa hè 

Ông Dương Thanh Bình- Phó Trưởng Phòng Quản lý đô thị quận 1 (TP.HCM) cho biết, phần mềm "Tra cứu và đăng ký sử dụng tạm thời một phần hè phố quận 1" đã giúp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hè phố theo hướng thông minh, công khai, hiện đại.

Người dân có thể tra cứu từng tuyến đường để biết thông tin về mục đích sử dụng, diện tích sử dụng và mức đóng phí. Toàn bộ quá trình người dân đăng ký sử dụng tạm thời vỉa hè, nộp phí, UBND phường theo dõi, giám sát đều được thực hiện trên nền tảng số.

"Sau khi người dân tra cứu và đăng ký trên phần mềm, hồ sơ sẽ được phường khảo sát, thẩm định và tối đa trong vòng 3 ngày sẽ duyệt phương án, chuyển mã QR đến người dân đóng phí sử dụng. Sau một ngày triển khai thí đã có 40 hộ kinh doanh đăng ký sử dụng một phần vỉa hè để buôn bán và đóng phí" - ông Bình cho hay.

z5426880836042_03e9c8c0d28fbc693da7247195d06e89.jpg
Phần mềm “Tra cứu và đăng ký sử dụng tạm thời hè phố quận 1. Ảnh: T.K

Ngoài quận 1, hiện nay nhiều địa phương khác như quận 10, quận 11, quận 12 cũng đã rà soát danh mục các tuyến đường có vỉa hè đủ điều kiện để sử dụng tạm thời một phần ngoài mục đích giao thông.

Trong đó, UBND quận 10 sau khi khảo sát có 28 tuyến đường có vỉa hè, đoạn vỉa hè rộng từ 3m trở lên đủ điều kiện sử dụng tạm thời để tổ chức kinh doanh dịch vụ, mua bán hàng hóa. Hiện nay, người dân đã đăng ký sử dụng vỉa hè tại một số tuyến, như đường Ba Tháng Hai…

W-z5425923769950_422a0afd64f5700e951064836a736e4d.jpg
Vỉa hè đường Ba Tháng Hai, quận 10 cũng được kẻ vạch màu vàng, với một phần bên ngoài dành cho người đi bộ, phần bên trong dành cho người có nhu cầu thuê buôn bán. Ảnh: Tuấn Kiệt.

Tại quận 12, địa phương này cũng ban hành danh mục 15 tuyến đường với bề rộng vỉa hè từ 3 m trở lên, bảo đảm điều kiện sử dụng tạm có thu phí.

Quận 5 có 66 tuyến đường kinh doanh, buôn bán có thu phí; 4 chợ truyền thống sử dụng lòng đường, vỉa hè...

Theo Sở GTVT TP.HCM, đề án thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố nếu triển khai hiệu quả không chỉ giúp công tác quản lý trật tự lòng lề đường đi vào nề nếp, văn minh, hiện đại mà còn tạo nguồn thu, sự công bằng, bình đẳng cho các đối tượng có nhu cầu sử dụng vỉa hè để kinh doanh, buôn bán một cách công khai.

11 tuyến đường ở quận 1 thực hiện thí điểm thu phí vỉa hè

Hoàng Sa (phường Tân Định); Mạc Đĩnh Chi (phường Đa Kao); Hải Triều, Chu Mạnh Trinh (phường Bến Nghé); Lê Thánh Tôn, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh (phường Bến Thành); Hàm Nghi (phường Nguyễn Thái Bình); Cô Bắc (phường Cầu Ông Lãnh); Võ Văn Kiệt (phường Cô Giang); Trần Hưng Đạo trên địa bàn 4 phường (Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Cư Trinh, Cầu Ông Lãnh, Cầu Kho).

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/nguoi-dan-tp-hcm-bat-dau-dang-ky-su-dung-via-he-qua-phan-mem-2279291.html
Copy Link
https://vietnamnet.vn/nguoi-dan-tp-hcm-bat-dau-dang-ky-su-dung-via-he-qua-phan-mem-2279291.html
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Người dân TP.HCM bắt đầu đăng ký sử dụng vỉa hè qua phần mềm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO