Người dân phố biển Quy Nhơn đắm say trong âm vang cồng chiêng

Doãn Công| 17/12/2023 13:59

Bất chấp trời có lúc mưa lớn, đông đảo người dân phố biển Quy Nhơn và du khách đắm say hòa mình với những vũ điệu và âm vang cồng chiêng của đồng bào các dân tộc miền núi.

Liên hoan văn hóa cồng chiêng các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Định lần thứ II năm 2023 diễn ra tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành (TP Quy Nhơn) tối 16/12.

Người dân phố biển Quy Nhơn đắm say trong âm vang cồng chiêng - 1

Khai hội liên hoan văn hóa cồng chiêng các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Định lần thứ II năm 2023 (Ảnh: Nguyễn Dũng).

Liên hoan thu hút trên 250 nghệ nhân, diễn viên cồng chiêng của 7 đoàn cồng chiêng đến từ các địa phương như huyện Vĩnh Thạnh, Vân Canh, An Lão, Hoài Ân, Tây Sơn, Phù Cát.

Điểm nhấn của liên hoan lần này có sự tham gia của trường phổ thông Dân tộc nội trú trung học phổ thông Bình Định.

Đặc biệt, suốt đêm khai mạc sự kiện, dù trời có lúc mưa nặng hạt nhưng người dân, du khách mặc áo mưa, che dù để xem.

Người dân phố biển Quy Nhơn đắm say trong âm vang cồng chiêng - 2

Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Định tặng cờ lưu niệm cho các đội tham gia liên hoan (Ảnh: Nguyễn Dũng).

Các đoàn đã mang đến các tiết mục biểu diễn đặc sắc với những sắc thái văn hóa truyền thống của các dân tộc Chăm H'roi, Bana, H're như: Nhạc hội trong Lễ cúng mừng năm mới, Làng H'rê vui hội, Chiêng mừng - Âm vang Đak Mang, Mừng được mùa…

Người dân phố biển Quy Nhơn đắm say trong âm vang cồng chiêng - 3

Nghệ nhân biểu diễn nhạc cụ dân tộc trống Kơ toang - Tiếng trống giao duyên (Ảnh: Nguyễn Dũng).

Chương trình còn đan xen nhiều tiết mục hát múa, biểu diễn võ cổ truyền do các ca sĩ, võ sinh đến từ Nhà hát ca múa nhạc tổng hợp Đam San (tỉnh Gia Lai), Nhà hát ca múa nhạc dân gian Sao Biển (tỉnh Phú Yên) và Trung tâm văn hóa tỉnh, Trung tâm Võ thuật cổ truyền tỉnh biểu diễn tạo không khí sôi động, tăng thêm tính hấp dẫn làm rạng rỡ bản sắc văn hóa của các dân tộc anh em trên quê hương Bình Định tại liên hoan…

Người dân phố biển Quy Nhơn đắm say trong âm vang cồng chiêng - 4

Âm vang nhịp điệu núi rừng (Ảnh: Nguyễn Dũng).

Phát biểu khai mạc liên hoan, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn cho biết, Bình Định là nơi hội tụ và giao thoa văn hóa của nhiều dân tộc anh em trong khu vực.

Ngoài dân tộc Kinh chiếm đa số, Bình Định hiện có 39 dân tộc thiểu số sinh sống. Trong đó, chủ yếu là dân tộc Chăm H'roi, Bana, H're với lối sống và phong tục tập quán có nhiều sắc thái làm nên nét đặc trưng riêng đậm chất nhân văn và tinh thần thượng võ của văn hóa Bình Định.

Người dân phố biển Quy Nhơn đắm say trong âm vang cồng chiêng - 5

Liên hoan mang đến nhiều tiết mục ấn tượng (Ảnh: Nguyễn Dũng).

Những năm qua, tỉnh Bình Định luôn ưu tiên dành nguồn lực đầu tư hỗ trợ cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Bình Định, giai đoạn 2021-2030; trong đó có công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.

Người dân phố biển Quy Nhơn đắm say trong âm vang cồng chiêng - 6

Dù có nhiều lúc trời mưa nặng hạt nhưng khán giả vẫn xem và cổ vũ nhiệt tình cho các đoàn tham gia liên hoan (Ảnh: Bình Định).

"Liên hoan nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số, khích lệ sáng tạo những giá trị văn hóa mới, phát huy vai trò của đồng bào các dân tộc thiểu số trong xây dựng, phát triển đời sống văn hóa, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của tỉnh", ông Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Người dân phố biển Quy Nhơn đắm say trong âm vang cồng chiêng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO