Người đàn ông đột quỵ ở sân bay Tân Sơn Nhất được cứu sống

Ngọc Hân (T/H)| 10/12/2020 21:00

Việt BáoTrong lúc cùng gia đình chờ lên máy bay thì người đàn ông bị ngã quỹ. May mắn, ông được đưa đi cấp cứu trong giờ vàng.

Ngày 10/12, Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM) cho biết, nơi đây vừa cấp cứu thành công bệnh nhân bị đột quỵ não.

Người bệnh 52 tuổi, trong lúc cùng gia đình chờ lên máy bay ở sân bay Tân Sơn Nhất thì ông đột ngột ngã quỵ Tri giác của người đàn ông lơ mơ, hỏi không trả lời, nói đớ, yếu nửa người. Gia đình lập tức đưa ông vào Bệnh viện Thống Nhất cấp cứu.

BS.CKI Nguyễn Đức Tới, Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Thống Nhất cho biết, bệnh nhân được chẩn đoán đột quỵ não còn trong giờ vàng (2 giờ sau khi xuất hiện triệu chứng đột quỵ). Ngay lập tức, bệnh viện kích hoạt báo động đỏ cứu bệnh nhân. Các bác sĩ của Đơn vị đột quỵ đã có mặt, sẵn sàng chuẩn bị phòng mổ.

Sau can thiệp, bệnh nhân tỉnh táo, tri giác trở về bình thường, chức năng vận động hồi phục nhưng còn nói khó. Ảnh: BVCC.

BS.CKII Nguyễn Thị Phương Nga, Trưởng Nội Thần kinh cho biết, trước khi can thiệp mạch, bác sĩ thần kinh liên tục kích động bệnh nhân trong vòng 5 phút.

Sau khi xem chỉ số cận lâm sàng, các bác sĩ quyết định điều trị cho người bệnh bằng phương pháp tiêu huyết khối tĩnh mạch. Tuy nhiên, tình trạng bệnh nhân không cải thiện. Lúc này, bệnh nhân diễn biến xấu, liệt nửa người bên phải nên được can thiệp nội mạch để lấy cục máu đông.

Sau can thiệp, bệnh nhân tỉnh táo, tri giác trở về bình thường, chức năng vận động hồi phục nhưng còn nói khó.

Đột quỵ còn được gọi là tai biến mạch máu não. Đây là tình trạng não bộ bị tổn thương nghiêm trọng do quá trình cấp máu não bị gián đoạn hoặc giảm đáng kể khiến não bộ bị thiếu oxy, không đủ dinh dưỡng để nuôi các tế bào. Trong vòng vài phút nếu không được cung cấp đủ máu các tế bào não sẽ bắt đầu chết.

Những người có bệnh nền mạn tính như đái tháo đường, tim bẩm sinh, cao huyết áp, lớn tuổi... thường có nguy cơ cao dẫn đến đột quỵ. Tuy nhiên, hiện nay, căn bệnh này đang dần trẻ hóa.

Bác sĩ Nga cho biết, trung bình mỗi quý, Bệnh viện Thống nhất tiếp nhận khoảng 200 ca đột quỵ, bao gồm xuất huyết não và nhồi máu não. Ở bệnh nhân trên may mắn được cấp cứu thành công do chuyển đến bệnh viện trong giờ vàng đột quỵ.

Thông thường, 3-4 giờ đầu tiên khi bệnh nhân khởi phát đột quỵ được xem là “thời gian vàng" do lúc này các dấu hiệu của bệnh vừa mới xuất hiện. Sau 3-4 giờ, nơi vùng não xảy ra tai biến và mô não cận kề vùng tai biến sẽ bị hư hại, khó phục hồi.

Cách nhận biết người bị đột quỵ

Đột quỵ xảy ra khi mạch máu nuôi não bị tắc nghẽn hoặc bị vỡ làm cho não bị thiếu oxy, không đủ dinh dưỡng để nuôi các tế bào.

Đột quỵ não có thể gây ra nhiều triệu chứng như: Nhức đầu, rối loạn ý thức...nhưng chúng ta chỉ cần nhớ các dấu hiệu sau, xuất hiện đột ngột thì nguy cơ bị đột quỵ từ 90 - 95%, đó là dấu hiệu F.A.S.T

- Liệt mặt (Face): Miệng bị lệch sang một bên, nếp nhăn mũi - má mờ

- Yếu, liệt tay (Arm) hoặc chân: Không thể cầm, nắm, đi lại

- Rối loạn ngôn ngữ (Speech): Đột ngột rối loạn lời nói, không nói được hoặc lời nói không rõ ... như bình thường trước đó.

- Thời điểm phát bệnh (Time): Khi gặp những triệu chứng trên, cần gọi cấp cứu ngay. Người bệnh cần ghi nhớ thời điểm phát bệnh để thông báo với nhân viên y tế.

Bác sĩ khuyến cáo: “3 đến 4 giờ đầu sau đột quỵ, nếu người bệnh được đưa đến bệnh viện chữa trị kịp thời thì cơ hội sống sót và phục hồi cao. Với những người có tiền sử bệnh tim mạch, cao huyết áp... nếu thấy những dấu hiệu trên thì gia đình chủ động gọi cấp cứu hoặc đưa đến bệnh viện sớm”.

Càng trì hoãn việc điều trị, trong vòng vài phút nếu không được cung cấp đủ máu các tế bào não sẽ bắt đầu chết, thời gian kéo dài càng lâu, số lượng tế bào não chết càng nhiều sẽ ảnh hưởng lớn tới khả năng vận động và tư duy của cơ thể, thậm chí là tử vong. Vì vậy, bệnh nhân đột quỵ cần được sớm đưa vào bệnh viện để các bác sĩ cứu chữa trong thời gian vàng này.



Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Người đàn ông đột quỵ ở sân bay Tân Sơn Nhất được cứu sống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO