Rối loạn đường ruột có thể gây ra rất nhiều hội chứng kỳ lạ, một trong số đó là chứng tự sinh rượu (Auto-Brewery Syndrome – ABS) xảy ra khi một nhóm lớn vi sinh vật đường ruột có thể chuyển hóa carbohydrate trong thức ăn thành ethanol.
Đối với những người mắc ABS, cứ mỗi lần ăn thức ăn giàu tinh bột như cơm, bánh mì hoặc khoai tây, đường ruột của họ lại biến thành một cỗ máy ủ rượu ngay trong cơ thể. Những người này sẽ bị say rượu mặc dù không uống bất kỳ một giọt rượu nào.
ABS xảy ra khi một nhóm lớn vi sinh vật đường ruột có thể chuyển hóa carbohydrate trong thức ăn thành ethanol.
Người mắc hội chứng tự sinh rượu thường gặp rất nhiều rắc rối trong cuộc sống. Họ có thể bị say xỉn không tự chủ, bị cảnh sát giao thông bắt vì nồng độ cồn trong máu và hơi thở đều cao mà minh oan thế nào cũng không được.
Và những rắc rối này có thể bắt đầu sau một đợt điều trị kháng sinh, như trường hợp của người đàn ông người Bỉ dưới đây.
Hội chứng đường ruột tự sinh rượu
Theo báo cáo của các nhà khoa học trên tạp chí Annals of Internal Medicine, một người đàn ông 47 tuổi đã đến bệnh viện ở Bỉ để phàn nàn rằng kể từ khi ông ấy uống hết một toa thuốc kháng sinh thường xuyên cảm thấy đầu óc mình choáng váng như say rượu.
Điều kỳ lạ này đã diễn ra trong suốt 2 tháng. Các bác sĩ đã cho ông ấy xét nghiệm nồng độ cồn. Người đàn ông khẳng định trong 4 ngày gần nhất ông ấy không uống một giọt rượu hay bất kể đồ uống có cồn nào. Nhưng kết quả, nồng độ ethanol trong máu vẫn cao gấp 17 lần ngưỡng bình thường.
Các bác sĩ chẩn đoán ông đã mắc hội chứng tự sinh rượu (ABS), có thể là do một loại nấm men trong đường ruột phát triển tăng sinh quá mức sau khi điều trị kháng sinh. Họ kê cho bệnh nhân của mình một đơn thuốc chống nấm và khuyên ông nên ăn theo chế độ low-carb để quản lý tình trạng này.
Thật không may, 4 tuần điều trị với thuốc chống nấm hiệu lực cao amphotericin cũng không có tác dụng. Người đàn ông vẫn cảm thấy say xỉn liên tục và vợ ông nói rằng ngay cả trong hơi thở của chồng mình cũng có mùi rượu.
Rắc rối cuối cùng cũng xảy đến khi một lần, ông ấy bị cảnh sát giao thông bắt và tước bằng lái trong một cuộc tuần tra kiểm soát ngẫu nhiên. Nỗ lực thanh minh đã đưa ông ấy cùng viên sĩ quan cảnh sát quay trở lại bệnh viện để xác nhận tình trạng ABS của ông.
Lúc này, các bác sĩ đề nghị người đàn ông có thể thử một phương pháp điều trị rất mới: cấy phân để làm cân bằng hệ vi sinh đường ruột.
Cấy phân được thực hiện như thế nào?
Đúng như tên gọi của nó cấy phân là một biện pháp điều trị, lấy phân của những người khỏe mạnh, cấy vào đường ruột cho những người gặp vấn đề.
Không khó để tưởng tượng, phân của chúng ta chứa rất nhiều vi khuẩn đến từ đường ruột, nơi chúng đã hình thành và đi qua. Các vi khuẩn này không những giúp chúng ta tiêu hóa thức ăn, mà chúng còn góp vai trò vào xây dựng hệ thống miễn dịch giúp cơ thể bạn khỏe mạnh.
Thế nhưng, hệ vi sinh đường ruột đôi khi cũng nổi loạn và bị mất cân bằng, dẫn đến một số vấn đề tiêu hóa hoặc thần kinh. Chẳng hạn ngoài hội chứng ABS, nếu một vi khuẩn có tên là Clostridium difficile phát triển quá mạnh trong đó, bạn sẽ bị tiêu chảy mạn tính.
Trong những năm gần đây, cấy phân đã được sử dụng như một phương pháp hiệu quả để khôi phục cân bằng hệ vi sinh vật cho bệnh nhân. Đối với những người nhiễm C. difficile tái phát, cấy ghép phân đã đạt tới tỷ lệ chữa khỏi cao hơn 90%, vượt xa so với các phương pháp điều trị khác.
Điều này đã khiến các bác sĩ hy vọng cấy ghép phân có thể trở thành phương thuốc chữa bách bệnh liên quan đến hệ vi sinh vật đường ruột, chẳng hạn như bệnh viêm ruột (IBD) hoặc thậm chí cả bệnh tiểu đường type 2.
Trong lần này, các bác sĩ người Bỉ muốn thử nghiệm phương pháp trên người đàn ông mắc chứng ABS. Họ đã lấy mẫu phân từ cô con gái của ông 22 tuổi. Mẫu phân sau đó được xay nhuyễn với nước muối rồi truyền xuống ruột của bệnh nhân qua một ống thông từ mũi.
Các phương pháp cấy phân khác đòi hỏi sử dụng một ống thụt từ hậu môn lên, hoặc đông khô phân thành các viên thuốc để người bệnh nuốt vào qua miệng.
Mặc dù trong những năm gần đây đã có một số ca cấy phân được thực hiện, nhưng các nhà khoa học vẫn chưa chắc chắn về độ an toàn của phương pháp này. Một số bệnh nhân sau khi cấy phân đã bị đau bụng, nôn mửa hoặc tăng cân bất ngờ.
May mắn thay, người đàn ông 47 tuổi ở Bỉ đã đáp ứng điều trị mà không gặp một tác dụng phụ nào. Ngay ngày hôm sau, ông ấy đã cảm thấy tốt hơn, nồng độ ethanol trong máu đã giảm và hội chứng ABS đã không quay lại trong suốt 34 tháng kể từ khi được điều trị.
"Trên cơ sở kinh nghiệm của chúng tôi với bệnh nhân này, chúng tôi khuyên các bác sĩ lâm sàng khác có bệnh nhân mắc hội chứng lên men đường ruột nên xem xét điều trị bằng phương pháp cấy ghép vi sinh vật trong phân, đặc biệt nếu các liệu pháp truyền thống khác đã thất bại", nhóm nghiên cứu viết trong báo cáo của mình.
Về phần người đàn ông, sau khi đã khỏi bệnh, ông ấy bây giờ đã có thể ăn đồ chứa tinh bột thoải mái và lấy lại bằng lái xe của mình. Các bác sĩ cho biết ông hoàn toàn có thể uống bia rượu ở mức vừa phải, chỉ cần tuân thủ pháp luật và đảm bảo sức khỏe của mình.