Người đàn ông bị cắn khi liều lĩnh bắt rắn độc bằng tay không

T.Thủy| 22/08/2022 10:05

Sự việc là một lời cảnh báo chung cho tất cả mọi người, tuyệt đối không tự ý bắt rắn nếu không có các dụng cụ chuyên dụng hoặc không biết rõ loại rắn đó có độc hay không.

Theo đó, chuyên gia bắt rắn người Ấn Độ Pravin K. Bose đã chia sẻ lên trang Facebook cá nhân của mình đoạn clip, cho thấy khoảnh khắc một người đàn ông đang dùng tay không để bắt một con rắn, mà không sử dụng bất kỳ công cụ chuyên dụng hoặc đồ bảo hộ nào.

Con rắn mà người đàn ông này đang tìm cách bắt giữ là một cá thể rắn lục Russell, nhưng theo Pravin, có vẻ như người đàn ông này không hay biết rằng đây là một loài rắn có chất độc chết người.

Sau khi nắm được vào đuôi con rắn, người đàn ông đã cố gắng dùng tay để nắm vào đầu con vật, tuy nhiên, hành động thiếu chuyên nghiệp đã khiến người này bị con rắn cắn trúng tay. Sau khi bị cắn, người đàn ông đã bị giật mình và phải thả con rắn ra, để mặc cho nó trườn đi.

Người đàn ông bị cắn khi liều lĩnh bắt rắn độc bằng tay không (Video: Facebook).

"Hết lần này đến lần khác, nhiều người đã bị rắn cắn khi không hề hay biết mình đang phải đối mặt với loài rắn nào", Pravin K. Bose bình luận về hành động của người đàn ông trong đoạn clip trên trang Facebook cá nhân. "Con rắn đã bị đau và hoảng sợ khi bị nắm vào thân, đó là lý do tại sao chúng tôi luôn sử dụng gậy và túi chuyên dụng để giải cứu rắn, vì đó là cách an toàn nhất để thực hiện công việc này".

"Nhiều người, giống như người đàn ông trong đoạn clip này, sử dụng tay không để bắt rắn. Đó là một con rắn lục Russell, một trong những loài rắn có cú cắn nhanh nhất trên thế giới. Hy vọng anh ấy sẽ sớm hồi phục".

"Mọi người hãy chú ý rằng, giải cứu rắn là một hành động nguy hiểm mà ngay cả những người cứu hộ chuyên nghiệp cũng có thể bị cắn. Đừng làm những hành động dại dột như người đàn ông này", Pravin chia sẻ thêm.

Rắn lục Russell là một trong "tứ đại rắn độc" tại Ấn Độ, là 4 loài rắn độc gây ra nhiều ca tử vong do rắn cắn nhất tại quốc gia này, bao gồm rắn hổ mang Ấn Độ, rắn cạp nia Ấn Độ, rắn lục Russell và rắn lục vảy cưa. Trong đó, rắn lục Russell là loài gây ra số ca bị rắn cắn nhiều nhất.

Rắn lục Russell  khi trưởng thành có thể dài 120cm, đôi khi có trường hợp dài hơn 150cm, nhưng rất hiếm. Loài rắn này có thể xuất hiện tại khu vực có con người sinh sống, do vậy các trường hợp do bị loài rắn này cắn là khá phổ biến tại Ấn Độ.

Mỗi cú cắn của rắn lục Russell chứa chất độc đủ để giết 22 người trưởng thành (Ảnh: Stock).

Mỗi cú cắn của rắn lục Russell chứa chất độc đủ để giết 22 người trưởng thành (Ảnh: Stock).

Rắn lục Russell là một trong những loài rắn có cú cắn nhanh nhất thế giới và mỗi phát cắn sẽ có chất độc đủ giết chết 22 người trưởng thành.

Rắn lục Russell có nọc độc gồm các hỗn hợp gây hoại tử, tác dụng lên thần kinh và gây xuất huyết. Ngoài khả năng gây tử vong, nọc độc của loài rắn này còn có thể làm giảm tác dụng của các tuyến nội tiết tố, làm cho lông trên cơ thể biến mất, cơ bắp bị tan đi… khiến những người trưởng thành giống như trở thành những đứa trẻ.

Theo nhiều chuyên gia bắt rắn, các loài rắn - dù có độc hay không, thường hiếm khi chủ động tấn công, mà luôn tìm cách lẩn trốn khi đối mặt với con người. Các loài rắn thường chỉ cắn người trong trường hợp bị giẫm trúng hoặc khi cảm thấy bị đe dọa, chẳng hạn khi con người tìm cách bắt hay tấn công chúng…

Tuy nhiên, có một số loài rắn như cạp nong… có bản tính thích chui vào những góc khuất để lẩn trốn, nên thường bị vô tình giẫm phải, dẫn đến hành vi tấn công con người.

Các chuyên gia bắt rắn khuyến nghị nếu không biết rõ rắn có độc hay không, mọi người tuyệt đối tránh xa và không chủ động bắt rắn, mà nên gọi điện nhờ những người có kinh nghiệm xử lý trong trường hợp rắn bò vào nhà.

Theo Pravin K.Bose/YN

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Người đàn ông bị cắn khi liều lĩnh bắt rắn độc bằng tay không
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO