"Cướp, cướp".
Nghe tiếng tri hô, anh Cường đang ngồi hóng mát ở băng ghế đá, bật dậy theo phản xạ, lao đến. Tay trái ôm lấy tên cướp, tay phải anh cố đẩy, dằn hắn xuống mặt đường. Trong tiếng ồn ào, la hét của người dân, anh Cường ngỡ mình đã khống chế được kẻ ác.
"Đùng, đùng!", hai tiếng nổ xé toang bầu không khí hỗn loạn, khiến tất cả chết lặng, im bặt.
Mọi người thất thần quay nhìn đồng bọn của tên cướp đứng phía sau, tay cầm súng chĩa về hướng anh Cường.
Anh ngã xuống, thấy phần cổ nóng ấm. Máu chảy không ngừng, tràn xuống tay, ướt đẫm chiếc áo sơ mi trắng mà anh mặc.
Thấy người bắt cướp nằm bất động, anh trai và ba của anh chạy đến đỡ anh dậy. Tên cướp tiếp tục chĩa súng vào cha con anh, thêm hai người lần lượt đổ gục, thương tích ở ngực và cổ.
Anh Cường vẫn nhớ rõ dáng vẻ tên cướp chạy đi, khẩu súng tiếp tục nã vào nhiều người khác. Dù rất muốn đuổi theo, nhưng vết thương nặng khiến anh nằm gục dưới đường.
Giờ đây, khi kể lại lần chết "hụt" năm đó, anh Cường lại rùng mình với từng chi tiết.
Tối 19/5/2003, Nguyễn Ngọc Tuấn và Nguyễn Văn Tiếp mang theo 3 khẩu súng ngắn K54 và hơn 100 viên đạn, thực hiện vụ cướp tiệm vàng Ngọc Hà tại quận Tân Bình, TPHCM. Tại đây, các đối tượng đã dùng súng bắn chết 1 người và làm bị thương 9 người khác.
Anh Trần Thanh Cường (SN 1978) là một trong những người lao ra bắt cướp, bị bắn trọng thương.
Cơn đau ngỡ chết thêm lần nữa
12h trưa, anh Cường ngồi nghỉ ngơi sau buổi sáng giám sát việc thi công một công trình công ty mình nhận thầu. Trời Sài Gòn trong cao điểm mùa khô nắng nóng như rang khiến vết sẹo ở cổ anh sưng đỏ, gây đau nhức.
Anh Cường nhăn mặt, tay xoa xoa vết sẹo kéo dài, ngồi trầm ngâm.
"Cứ trái gió trở trời, vết sẹo lại được cớ sưng đau. Nó không sưng ở bên ngoài mà đội lên ở bên trong. 21 năm qua, tôi cũng quen với chiếc huy chương này rồi", anh Cường cố tếu táo.
Anh gọi vết sẹo ấy là chiếc huy chương, bởi nó đánh dấu hành trình anh trở về từ cõi chết sau vụ bắt cướp.
"Tôi nhớ mãi khoảnh khắc 2 viên đạn đi song song từ cổ xuyên qua phần cánh mũi, khiến cả khuôn mặt tôi gần như... vỡ tan tành. Lúc được đưa đến bệnh viện bằng xe cấp cứu, tôi cứ có cảm giác buồn ngủ, muốn thiếp đi.
Từ hiện trường vụ cướp, tôi là người bị thương nặng nhất nên được nằm trên cáng cứu thương, những người còn lại bị thương nhẹ hơn, trong đó có ba và anh trai tôi, phải ngồi cạnh trên xe cứu thương để cùng vào bệnh viện", anh Cường rùng mình điểm lại tên các nạn nhân trên chiếc xe cứu thương chật ních người ấy.
Đến bệnh viện, anh được đẩy vào thang máy rồi ngất lịm đi trước khi vào phòng phẫu thuật. Tối đó, những người khác lần lượt được xuất viện sau khi xử lý vết thương, chỉ anh Cường mãi vẫn chưa được ra phòng hậu phẫu.
"Gia đình nghĩ tôi không thể qua khỏi nên về nhà chuẩn bị bàn thờ. Bác sĩ cũng chỉ nói sẽ cố gắng hết sức. Bởi lúc đó 10 phần mạng sống của tôi, có tới 9 phần đã đến cõi chết. May mắn, cuộc phẫu thuật rồi cũng hoàn thành, tôi được ra khỏi phòng phẫu thuật vào trưa hôm sau", anh nói.
Tỉnh dậy, anh Cường thấy toàn thân đau thấu trời, đến mức ngỡ phải qua cửa tử lần thứ hai. Cục bông gòn lớn nhét đầy miệng đã bốc mùi hôi thối, anh phải cố chịu đựng. Liên tục mỗi ngày, anh phải được hút đờm, máu, xử lý vết mổ.
Máy hút đi sâu vào cuống họng. Mỗi lúc dụng cụ cào sâu, đau đớn, khó thở, anh không thể nói mà chỉ trợn trắng mắt, đập tay xuống giường ra hiệu. Anh bị mất một phần lưỡi, phần cố giữ được cũng phải khâu 42 mũi.
"Tay chân tôi bị trói ở 4 góc giường. Bác sĩ dặn mẹ tôi dù có đau lòng cách mấy cũng không được cởi trói cho tôi. Vì lúc đó tôi sẽ lôi miếng bông gòn trong miệng ra, máu sẽ chảy không ngừng và tôi sẽ chết. Nhìn bộ dạng tôi lúc đó, mẹ tôi không lúc nào thôi nước mắt", anh Cường nghẹn ngào.
Nằm ở bệnh viện, anh được đoàn của lãnh đạo thành phố đến thăm hỏi, tặng bằng khen, tiền mặt và được tài trợ toàn bộ viện phí. Nhưng đó chỉ là điều anh được nghe mẹ kể lại. Bởi lúc ấy, đau đớn thường trực khiến anh thường ngất lịm liên hồi.
Không hối hận vì bắt cướp nhưng ân hận vì có lỗi với gia đình
Nằm viện mấy tháng ròng, anh trở về nhà với chiếc lưng lở loét. "Càng bàng hoàng hơn là lúc tôi hay tin tên cướp bắn tôi cũng là người Long An. Chúng tôi là đồng hương, gần đến mức ngỡ đã là họ hàng, bà con", anh Cường ngậm ngùi.
Thoát khỏi tay thần chết, anh tiếp tục sống như người thực vật. Anh không nói được, tay chân không còn sức chuyển động và cổ ngọeo hẳn sang bên phải.
Anh không thể ăn uống như người bình thường. Mỗi bữa, mẹ anh phải bơm một ống xi-lanh dinh dưỡng xuống thẳng dạ dày con. "Vì cơ thể còn yếu, tôi không thể ăn nhiều được. Mỗi ống xi-lanh chỉ bằng một muỗng cơm. Cầm cự dai dẳng như vậy, dạ dày tôi luôn trong tình trạng bị đói và đau âm ỉ", anh Cường cho hay.
Là anh cả của hai người em, anh Cường lúc ấy không thể che chở cho các em. Cả gia đình phải làm lụng, kiếm tiền chữa trị cho anh. Không vượt qua được cảnh khó khăn, anh và vợ đành ly hôn, vợ anh rời đi, để lại con gái nhỏ nhờ nhà nội chăm sóc.
"Trong thâm tâm, tôi vẫn không hiểu vì sao bản thân không thấy hối hận với việc nhảy ra khống chế tên cướp khi đó. Nhưng tôi thấy có lỗi với gia đình.
Tôi tự trách mình sao lại vô dụng đến thế. Những hôm đau đớn đến mức không ngủ được, tôi nhiều lần định đập đầu vào tường chết đi cho rồi", anh nghẹn ngào.
Trong khoảnh khắc muốn từ bỏ, anh Cường thấy con gái 3 tuổi chạy đến ôm mình. Nụ cười ngây thơ của con khiến anh trào nước mắt. Anh một lần nữa thấy có lỗi, vì dám có ý nghĩ từ bỏ những người thương yêu anh.
Qua những lần chết đi sống lại ấy, anh dần ăn được cháo rồi từng chút một tập ăn cơm trở lại. Kiên trì tập vật lý trị liệu suốt 3 năm, từ chỗ cầm không nổi bao gạo 2kg, đôi bàn tay anh dần mang được vật nặng. Chiếc cổ ngọeo sang phải cũng dần dựng thẳng lại được.
"Thấy cơ thể lành lặn, tôi liền xin vào phụ việc cho một công ty tổ chức sự kiện. Vì đã nhiều năm chỉ ngồi một chỗ, tôi như một chiếc lò xò bị nén lâu ngày.
Tôi không kể cho bất kỳ ai nghe chuyện quá khứ của mình. Tôi lao đầu vào công việc, ai kêu gì thì tôi làm nấy, dù chỉ được trả 810.000 đồng/tháng", anh Cường cười xòa.
Công việc quá tải, thu nhập thậm chí không đủ để nạp tiền gọi điện thoại cho khách hàng nhưng anh vẫn mê mẩn làm. Những công việc người khác từ chối làm, anh đều xung phong "ra trận".
Mỗi khi trái gió trở trời, vết thương cũ lại đau nhức, anh Cường cắn răng nén đau, thường làm việc đến 2-3h sáng mới về nhà. Thậm chí, sau này khi kết hôn lần thứ 2, anh còn chấp nhận đi công tác xa nhà ngay lúc vợ sắp sinh.
Một người ở dưới đáy, đường duy nhất là đi lên!
Nhờ cống hiến hết mình cho công việc, anh Cường là một trong số ít những người được công ty giữ lại sau nhiều lần sàng lọc, sa thải.
Nhiều năm sau, anh tích cóp được số vốn, mở công ty riêng mang tên Tân Minh Nhựt, chuyên tổ chức sự kiện, làm âm thanh, ánh sáng tại TPHCM. Tính cách hoạt bát, thích giúp đỡ người khác, anh Cường luôn được lãnh đạo và đồng nghiệp cũ yêu thương.
Vì thế, sau 5 tháng hoạt động, công ty của anh đã làm ăn phát đạt, khách hàng nhờ uy tín của anh mà tìm tới. Đến nay, mỗi năm, anh có thể tổ chức hàng trăm sự kiện lớn nhỏ, doanh thu, lãi suất ngày càng lớn dần.
"Kết quả đó, ngoài sự cố gắng, tôi nghĩ là nhờ bản thân đã làm việc hết tâm sức. Tiền làm ra, tôi chia làm hai phần: lo cho gia đình và tái đầu tư. Những bộ loa, đèn khi đem đến phục vụ khách hàng, tôi đều mua mới liên tục. Vì khi làm việc bằng cả trái tim, đồng tiền nhận được thực sự ý nghĩa, đáng quý", nam "hiệp sĩ" chia sẻ.
Không những vậy, anh còn tạo việc làm cho 20 người. Có những người theo anh học nghề từ năm 16 tuổi, nay đã trưởng thành và lo được cho gia đình.
Anh Võ Trường Phụng (25 tuổi, ngụ tại quận Tân Bình), từng là học viên nhỏ tuổi nhất ở công ty anh Cường.
"Năm đó tôi chỉ mới 16 tuổi. Mê nghề này quá nên tôi đến xin chú cho theo phụ, học nghề. Ban đầu chú không đồng ý vì tôi còn nhỏ, tôi phải năn nỉ mãi chú mới để tôi vào làm những công việc nhẹ, không dùng sức nhiều", anh Phụng kể.
Học nghề, phụ việc vài năm, anh Phụng được giao phụ trách mảng ánh sáng. Mấy năm trước, anh còn được anh Cường tặng cho chiếc xe máy đầu tiên trong đời.
"Tôi cũng chỉ biết quá khứ huy hoàng của anh Cường khi đọc được những bài viết về anh trên mạng xã hội. Vốn đã khâm phục tính cần cù, chịu khó của anh, nay tôi còn ngưỡng mộ anh hơn vì tinh thần nghĩa hiệp, khảng khái. Đôi lúc anh hơi nóng tính, nhưng tôi hiểu rõ là do anh muốn những người em có tương lai tốt hơn", anh Phụng .
Nói đến đây, anh Phụng nhìn về phía người anh "hiệp sĩ" của mình. Dù là ông chủ của cơ ngơi bạc tỷ, người đàn ông trở về từ cõi chết đó vẫn không để bản thân nghỉ ngơi giây phút nào, suốt 20 năm qua.
"Từ cõi chết trở về, tôi lại càng trân quý cuộc sống này. Cuộc đời đã cho tôi cơ hội sống lại, cho tôi một công việc để nuôi gia đình thì không lí do gì tôi từ bỏ. Với một người đang ở dưới đáy, đường duy nhất chính là đi lên!", nam "hiệp sĩ" tâm đắc.
Ảnh: Nguyễn Vy, NVCC