Người đàn ông 61 tuổi đột quỵ sau hai ngày tê tay

Phương Linh| 07/07/2021 14:18

Khi không cầm được bát để ăn cơm và các công việc hằng ngày, ông Nam được vợ đưa đến bệnh viện.

Ông Nam, 61 tuổi, quê Lào Cai, có tiền sử tăng huyết áp lâu năm. Ông kể, vài năm trước ông có triệu chứng của tai biến mạch máu não, nhưng không đi khám, vì thấy vẫn vận động và sinh hoạt bình thường.

Ngày 4/7, ông đột ngột xuất hiện tê yếu tay phải, cầm bát không vững, các chức năng sinh hoạt gần như bình thường. Ngày 6/7, bệnh nhân được vợ đưa đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Lào Cai khám

BS.CKI Nguyễn Văn Thắng, Phụ trách bộ phận Phục hồi chức năng bệnh viện cho biết, ông Nam đến bệnh viện có hiện tượng nói khó nhẹ. Bác sĩ phải trao đổi rất nhiều mới thấy một vài câu trả lời của bệnh nhân. Tuy nhiên, bệnh nhân nói không trôi chảy.

te-tay(1).jpg
Sau hai ngày tê tay, ông Nam mới được vợ đưa đến bệnh viện khám.

Ngoài ra, bệnh nhân có dấu hiệu liệt nửa người phải kín đáo, chỉ được phát hiện qua khám nghiệm pháp gọng kìm. Với cách này, bệnh nhân bấm chặt ngón trỏ và ngón cái tạo thành một gọng kìm, người khám luồn ngón trỏ và ngón cái của mình vào và lấy sức dạng ra. Bên liệt gọng kìm của bệnh nhân sẽ rời ra dễ dàng.

Bác sĩ nhận định, mọi chức năng vận động sinh hoạt của bệnh nhân gần như bình thườn, phải khám rất tỷ mỉ, so sánh hai bên, mới định khu được tổn thương và chỉ định ngay chụp cộng hưởng từ sọ não (MRI).

Kết quả chụp MRI cho thấy, hình ảnh nhồi máu não cấp cạnh não thất bên bên trái. Bệnh nhân được chẩn đoán nhồi máu não, tăng huyết áp, viêm quanh khớp vai phải và được điều trị thuốc theo phác đồ kết hợp phục hồi chức năng sớm.

Bác sĩ Nguyễn Thị Hương, Trưởng khoa Thần kinh đánh giá, trường hợp của ông Nam là một tình trạng nhồi máu não cấp, đã được đánh giá đúng và xử lý kịp thời, có thể điều trị tại khoa phục hồi chức năng để bệnh nhân được tập luyện sớm đúng cách song song với việc dùng thuốc.

Theo bác sĩ Hương, tổn thương nhồi máu não ổ nhỏ như trên, hay gặp ở những bệnh nhân tăng huyết áp lâu năm nhưng không được kiểm soát tốt. Tình trạng nhồi máu não ổ nhỏ có thể xuất hiện thành nhiều lần, không ảnh hưởng nhiều đến vận động khiến bệnh nhân chủ quan coi thường không đi khám.

Tuy nhiên, nếu nhồi máu não xảy ra ở bán cầu não trái là nơi chịu trách nhiệm chi phối về ngôn ngữ, dễ dẫn tới hiện tượng nói khó, giảm nhận thức, càng khiến việc mô tả triệu chứng của bệnh nhân khó khăn làm ảnh hưởng đến việc khám và chẩn đoán. Đồng thời, những khiếm khuyết nhỏ của não, kết hợp với hậu quả vận động khó khăn, rối loạn ngôn ngữ, lâu ngày cũng dẫn đến những vấn đề liên quan đến sa sút trí tuệ.

Bác sĩ Thắng nhận định mặc dù đã có nhiều tiến bộ đáng kể về phương diện chẩn đoán, điều trị và dự phòng nhưng cho đến nay, tai biến mạch máu não vẫn là gánh nặng không chỉ riêng với Việt Nam mà đối với mọi quốc gia. Vì vậy việc tuyên truyền phổ biến kiến thức và tác động thay đổi hành vi, lối sống, thói quen sinh hoạt, chăm sóc sức khỏe người dân là vô cùng cần thiết. Người dân hãy quan tâm tới sức khỏe bản thân và gia đình bằng thói quen khám chữa bệnh định kỳ theo sự tư vấn của các bác sĩ.

    Bài liên quan
    Nổi bật Việt Báo
    Đừng bỏ lỡ
    Người đàn ông 61 tuổi đột quỵ sau hai ngày tê tay
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO