Ngày 20/12, trước việc Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) thông báo từ đầu năm 2024, người dân phải trả thêm 25.000 đồng tiền xử lý nước thải nếu sử dụng 10.000 đồng tiền nước sạch, nhiều người dân ở TPHCM đã bày tỏ ý kiến về khoản thu này.
"Thu phí thì cố gắng cải thiện"
Ông Trương Văn Hùng (54 tuổi), sống trên đường Âu Cơ (quận 11) cho biết, việc thu phí xử lý nước thải, người dân hoàn toàn đồng ý. Tuy nhiên, số tiền 25.000 đồng được thu theo lộ trình giai đoạn 2022-2025, mỗi năm thêm 5% của UBND TP, ông băn khoăn sau lộ trình trên thì các năm tiếp theo, khoản phí này có tiếp tục tăng không.
"Nếu cứ áp dụng thì tiếp thì phí chồng phí, cuộc sống người dân thêm phần khó khăn, nhất là đối với người thu nhập thấp", ông Hùng nói.
Bên cạnh đó, bà Nguyễn Thu Hà (46 tuổi, ngụ đường Phan Huy Ích, quận Gò Vấp) cho rằng, người dân góp kinh phí để xử lý nước thải thì hợp lý. Tuy nhiên, nước ở các kênh rạch tại các khu dân cư ngày càng ô nhiễm nặng chứ không giảm. Người phụ nữ đặt câu hỏi liệu việc tăng thu phí xử lý nước thải mỗi năm có hợp lý.
Thêm vào đó, người dân góp tiền thoát nước nhưng mỗi trận mưa lớn, nước thải từ các cống lại tràn vào nhà gây hư hỏng tài sản, mất vệ sinh. Người dân lại phải sử dụng một lượng lớn nước sạch để rửa nhà.
"Tôi ở trên đường Phan Huy Ích, cứ mưa là nước tràn vào nhà. Mỗi tháng, gia đình tôi đóng hơn 800.000 tiền nước, trong đó có khoản tiền không nhỏ cho phí xử lý nước thải. Cơ quan chức năng thu phí được thì phải cố gắng cải thiện tình trạng ngập nước, giảm ô nhiễm trên các kênh rạch, như vậy người dân mới đồng thuận", bà Hà nói.
Đại diện Sawaco cho biết, từ 1/6/2021, UBND TPHCM đã ban hành Quyết định số 17/2021/QĐ-UBND về giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2022-2025.
Theo đó, lộ trình thu tiền thoát nước và xử lý nước thải tính trên giá nước cấp được thành phố quy định từ năm 2022 là 15%, năm 2023 là 20%, năm 2024 là 25% và năm 2025 là 30%.
Khoản tiền trên được UBND TPHCM giao Sawaco thu hộ. Số tiền thu hộ căn cứ khối lượng nước sạch tiêu thụ hàng tháng của người dân, sau đó đơn vị này sẽ nộp vào ngân sách Nhà nước để sử dụng thoát nước, xử lý nước thải.
Thu 25% là còn thấp?
Trao đổi với phóng viên Dân trí, đại diện Trung tâm Hạ tầng kỹ thuật TPHCM (Sở Xây dựng TPHCM) cho biết, số tiền xử lý nước thải và thoát nước được Sawaco thu hộ do Sở Tài chính TPHCM quản lý, còn Trung tâm Hạ tầng kỹ thuật TPHCM chỉ trực tiếp quản lý việc xử lý nước thải của thành phố.
Theo vị này, số tiền thu hộ trên chỉ đủ kinh phí để vận hành, quản lý hệ thống xử lý nước thải, chưa nói đến các chi phí khổng lồ để đầu tư, xây dựng.
Khi người dân sử dụng nước sạch và cho ra nước thải, lượng nước này sẽ được gom về các nhà máy xử lý để xử lý. Người phát sinh nước thải phải chịu phí, tính bằng cách dựa vào lượng nước sử dụng.
"Năm 2024 thành phố thu 25% phí trên 100.000 đồng tiền sử dụng nước sạch thì còn thấp, chưa ăn thua gì so với kinh phí xây dựng, vận hành, xử lý được 1m3 nước thải. Nước thải sau khi xử lý sẽ được kiểm tra chất lượng trước khi xả ra sông rạch", vị này nói.
Theo Trung tâm Hạ tầng kỹ thuật TPHCM, thành phố chỉ tăng 5%/năm chứ chưa thể tăng cao vì ảnh hưởng đến chi trả người dân. Sau giai đoạn thu từ 2022-2025, đơn vị chưa biết thành phố thống nhất thu tiếp loại phí này như thế nào.
Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn cho biết, trong năm 2024, ngoài đóng phí dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải với mức mới là 25%, người dân TPHCM sẽ phải đóng thuế giá trị gia tăng (VAT) theo quy định mới tại Nghị quyết 110/2023/QH15 Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, ngày 29/11. Cụ thể mức thuế VAT trong 6 tháng đầu năm 2024 là 8% và 6 tháng cuối năm 2024 là 10%.
Hiện nay, giá nước sạch tại TPHCM theo định mức thấp nhất cho hộ gia đình sử dụng 4m3 mỗi người mỗi tháng là 6.700 đồng/m3; định mức 4-6 m3 là 12.900 đồng/m3; từ 6m3 trở lên là 14.900 đồng/m3. Cơ quan hành chính sự nghiệp, đoàn thể giá 13.000 đồng/m3. Đơn vị sản xuất giá 12.100 đồng/m3. Đơn vị kinh doanh, dịch vụ giá 21.300 đồng/m3.