Người dân nói gì khi biến đường sắt thành đường hoa dài nhất Việt Nam?

Tâm Linh| 12/04/2023 09:02
Đọc bài báo này

Cung cấp bởi  

Logo vbee Image
0:00

Ngoài phân vân ai là người chăm sóc cây, người dân TPHCM còn lo lắng giới trẻ sẽ tụ tập trên đường ray để chụp ảnh, vi phạm an toàn giao thông đường sắt.

Trước khi kết thúc hành trình dài 1.729km để vào đến ga Sài Gòn (phường 9, quận 3), hành khách trên tàu và người dân địa phương sống ven đường tàu sẽ được ngắm nhìn đường tàu trồng hoa dài nhất Việt Nam.

Đó là kế hoạch của Công ty cổ phần Đường sắt Sài Gòn khi tổ chức lễ ký ra mắt mô hình "Hành lang đường sắt an toàn, sạch, xanh và thân thiện môi trường" nhằm phát động phong trào "Đường tàu - Đường hoa" tại TPHCM.

Người dân nói gì khi biến đường sắt thành đường hoa dài nhất Việt Nam? - 1

Hoa huỳnh liên hai bên đường ray trên đường Lê Văn Sỹ, quận Phú Nhuận, TPHCM (Ảnh: Hải Long).

Người dân sẵn sàng góp cây, góp sức 

Sáng và chiều mỗi ngày, anh Phụng (37 tuổi, ngụ đường Nguyễn Kiệm, phường 4, quận Phú Nhuận) lúi húi xách vài lượt chậu nước ra tưới cho hàng cây hoa trồng ven hàng rào đường ray trước nhà.

Chia sẻ với phóng viên, anh Phụng kể sinh ra và lớn lên ở đây, từ lúc nhà sát rạt đường ray đến khi khu phố sạch sẽ như bây giờ. Hồi bé, anh thường cùng đám trẻ chơi rất vui và thuộc từng góc đường tàu.

Vì thế, anh mong muốn "khoảng trời tuổi thơ" và không gian sống luôn sạch đẹp. Nhiều năm nay, anh đã góp công trang trí vài loại cây hoa trồng ven đường ray, hàng rào và chăm sóc chúng mỗi ngày.

Từng công tác ở đơn vị thuộc UBND phường 4 quận Phú Nhuận, anh Phụng cho biết, chính quyền địa phương quan tâm đến việc cải tạo mảng xanh đường sắt, từng trồng nhiều cây xanh ven ray. Bản thân anh Phụng cũng thường xuyên cùng đội nhóm của phường đi dọn vệ sinh và trồng cây xung quanh đoạn đường tàu.

"Mấy cây phường từng trồng giờ đã dần khô héo phải nhổ bỏ. Đoạn nào có người dân rảnh tay tiện thì tưới, còn lại khổ thân mấy cái cây chưa kịp lớn đã chết", anh Phụng nói.

Người dân nói gì khi biến đường sắt thành đường hoa dài nhất Việt Nam? - 2

Người dân quận Phú Nhuận trồng cây hoa dọc đường sắt nội đô TPHCM (Ảnh: Tâm Linh).

Ở đoạn ven ray đi qua đường Thích Quảng Đức (phường 5, quận Phú Nhuận), ông Nguyễn Văn Hồng (66 tuổi) cũng mỗi ngày cùng hàng xóm chia nhau đoạn vài mét quanh đường ray, tự giác quét dọn, trồng cây, chăm cây trước nhà.

"Những cây của phường trồng đã chết từ lâu, tôi dùng tiền túi mua cây khác tương tự về trồng thay vào. Nếu bỏ trống ô đất trồng cây, kiểu gì người dân cũng vứt rác vào", ông Hồng nói.

Theo lời ông Hồng, chỗ nào không trồng cây "vô tình" trở thành lối đi từ đường bộ vào khu đường ray, người dân đi vào vứt rác, dắt chó đi vệ sinh, thu nhặt phế liệu, thậm chí kẻ gian dễ dàng vào cắt trộm sắt thép.

Vì vậy, ngoài việc tình nguyện chăm sóc cây hoa, người dân ở đây tự mua tấm ván, cọc sắt thép để che chắn lại những vị trí lỗ hổng trên tường rào hành lang đường sắt.

Nhiều vấn đề khó quản lý

Nói về vấn đề vệ sinh môi trường, nữ nhân viên làm việc tại gác chắn đường Đỗ Chấn Phong (phường 9, quận Phú Nhuận) than thở về chuyện người dân xung quanh thiếu ý thức giữ gìn hành lang đường ray.

"Người dân đổ rác, tập kết rác thành bãi, cho thú nuôi phóng uế... Tôi đi tuần đường ray thì không thấy ai vứt gì, nhưng không có mặt thì rác lại xuất hiện. Nhân viên gác chắn tàu cũng phải phụ trách dọn vệ sinh để giữ gìn đường ray", nữ nhân viên gác kể lại với phóng viên.

Từ vấn đề giữ gìn vệ sinh, nữ gác tàu bày tỏ quan ngại, nếu trồng cây thuộc công trình của ngành đường sắt thì ai là người nhận nhiệm vụ chăm sóc?

Người dân nói gì khi biến đường sắt thành đường hoa dài nhất Việt Nam? - 3

Dù đã có cảnh quan cây xanh, nhiều đoạn đường sắt ở TPHCM vẫn bị rác thải rải rác bề mặt (Ảnh: Tâm Linh).

27 năm gắn bó bên đường ray TPHCM, ông Phan Văn Chiến (51 tuổi, hiện làm việc tại chắn Hoàng Văn Thụ, quận Phú Nhuận) từng chứng kiến nhiều thay đổi về bộ mặt đường sắt đi qua khu dân cư nội đô.

"Trước đây, ô tô hay xe máy dừng đỗ sát đường ray. Trước khi tàu đến, chúng tôi phải đi lùa các phương tiện chạy nháo nhào như lùa vịt. Nhà cửa cách đây hơn 20 năm cũng sát tàu chạy. Sau này thành phố xây dựng hành lang an toàn đường sắt ít nhất 8m, mới có không gian trồng cây", ông Chiến kể lại.

Nói về câu chuyện quản lý công trình ven ray đường tàu, ông Chiến cho rằng nhân viên các gác chắn không thể tưới hết cây cảnh trồng trên đoạn họ phụ trách.

"Nước ở mỗi trụ sở gác chắn có giới hạn theo số lượng nhân viên, nếu sử dụng vượt định mức thì nhân viên phải tự bỏ tiền túi bù vào. Hơn nữa, khó để kéo vòi nước từ một trụ gác đi cả đoạn trăm mét để tưới hết", ông Chiến giải thích.

Bên cạnh đó, ông Chiến cũng đề cập đến vấn đề bảo vệ an toàn cho người dân và tàu hỏa, trước hiện trạng nhiều hộ dân tự phát trồng cây cao quá hoặc trồng lan rộng vào gần đường ray. Chủ cây phải chui vào đường ray để chăm sóc cây, nếu không để ý tàu chạy thì quá nguy hiểm.

Hơn nữa, ở những vị trí có hàng cây đẹp hiện nay (ví dụ đoạn tàu đường Lê Văn Sỹ, phường 9, quận Phú Nhuận), giới trẻ hay tập trung trên đường ray nán lại chụp ảnh, đó là vi phạm an toàn giao thông đường sắt.

Nhân viên gác chắn cũng mong cơ quan chức năng cần có biện pháp nâng cao ý thức người dân, bố trí thêm camera và xử phạt phù hợp.

Người dân nói gì khi biến đường sắt thành đường hoa dài nhất Việt Nam? - 4

Người dân sống ven đường tàu nội đô TPHCM trồng nhiều loại cây cối gồm cây cảnh, cây ăn trái, hoa, rau... Tuy nhiên một số loại cây cao quá vi phạm an toàn hành lang đường sắt (Ảnh: Tâm Linh).

Trao đổi với Dân trí, ông Nguyễn Đình Đảng, Phó giám đốc Công ty cổ phần Đường sắt Sài Gòn cho biết, các đơn vị trong ngành đường sắt và chính quyền địa phương (phường, quận) sẽ phối hợp để quản lý việc giữ gìn và chỉnh trang dọc đường ray thành phố.

"Cơ sở vật chất của đường sắt địa phương hiện không thể đảm nhận việc tưới cây, chăm cây ở phạm vi rộng. Chúng tôi sẽ vận động người dân, mong sự góp sức của người dân và địa phương, có thể xin mỗi nhà một xô nước tưới cho hàng cây ven đường tàu trước nhà họ", ông Đảng nói.

Lãnh đạo Công ty cổ phần Đường sắt Sài Gòn cũng cho hay, sắp tới các đơn vị sẽ rà soát hơn 2km đường sắt đi qua quận Phú Nhuận, loại bỏ các loại cây không đúng với quy định luật đường sắt do người dân trồng trước đó, thay bằng cây phù hợp.

Theo Công ty cổ phần Đường sắt Sài Gòn, đoạn đường sắt Bắc - Nam trên địa bàn TPHCM dài khoảng 14km, đi qua 5 quận nội thành: Thủ Đức, Gò Vấp, Bình Thạnh, Phú Nhuận, quận 3 trước khi vào đến ga Sài Gòn (phường 9, quận 3).

Theo kế hoạch của ngành đường sắt địa phương, tại các khu ga, địa điểm làm việc trên tuyến sẽ bố trí các loại hoa lâu năm dễ trồng, dễ sống để đảm bảo mỹ quan và thuận lợi trong việc bảo vệ, chăm sóc. Tại các vị trí bị vướng công trình (cột điện, dây điện, biển báo...), đơn vị sẽ nghiên cứu trồng các loại cây, hoa có tầm thấp hoặc vừa.

Đồng thời, việc lựa chọn các giống cây hoa cũng để tạo nét đặc sắc cho mỗi khu vực nơi đường sắt đi qua. Đặc biệt, việc trồng cây luôn đảm bảo khoảng cách hành lang an toàn giao thông đường sắt.

"Sau này dọc đường tàu TPHCM sẽ là một 'công viên hỏa xa', không phải để người dân vào chơi, mà là để hành khách trên tàu, người dân địa phương ngắm nhìn con đường hoa 2 bên. Kết thúc hành trình tàu Bắc - Nam, con đường hoa hỏa xa sẽ để lại dấu ấn trong mắt hành khách", ông Nguyễn Văn Hồng chia sẻ suy nghĩ.

Theo Điều 35 Luật Đường sắt, để đảm bảo tầm nhìn cho người tham gia giao thông và phù hợp với cấp đường ngang, trong hành lang an toàn giao thông đường sắt chỉ được phép trồng cây thấp dưới 1,5m và phải trồng cách mép chân nền đường đắp ít nhất 2m, cách mép đỉnh mái đường đào ít nhất 5m hoặc cách mép ngoài rãnh thoát nước dọc của đường, rãnh thoát nước đỉnh ít nhất 3m.

Theo dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/xa-hoi/nguoi-dan-noi-gi-khi-bien-duong-sat-thanh-duong-hoa-dai-nhat-viet-nam-20230410181350786.htm
Copy Link
https://dantri.com.vn/xa-hoi/nguoi-dan-noi-gi-khi-bien-duong-sat-thanh-duong-hoa-dai-nhat-viet-nam-20230410181350786.htm
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Người dân nói gì khi biến đường sắt thành đường hoa dài nhất Việt Nam?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO