Anh Nguyễn Văn Hòa (37 tuổi, ở quận Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ, vợ chồng anh chưa làm thủ tục bổ sung thông tin con trai mới sinh vào sổ hộ khẩu gia đình vì nghe thông tin công an sẽ thu lại.
Việc công an thu sổ hộ khẩu khiến anh Hòa lo lắng sẽ gặp khó trong các giao dịch hành chính về sau. "Ngoài ra, gia đình tôi muốn giữ cuốn sổ này làm kỷ niệm", anh Hòa nói.
Liên quan vấn đề này, Bộ Công an cho biết, theo quy định, sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy vẫn có giá trị đến hết năm nay. Từ 1/1/2023, những sổ này sẽ không còn giá trị.
Phía Bộ Công an khẳng định không có chủ trương thu hồi sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy, mà chỉ thực hiện thu khi người dân đến cơ quan công an thay đổi, bổ sung thông tin.
Giải thích rõ hơn về nội dung trên, đại diện Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06 - Bộ Công an) cho biết, khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu hồi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã cấp và thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định của Luật Cư trú và không cấp mới, cấp lại sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.
Theo Luật Căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là tập hợp thông tin cơ bản của tất cả công dân Việt Nam được chuẩn hóa, số hóa, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin để phục vụ quản lý Nhà nước và giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
"Những thông tin có trong cuốn sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy đều được chúng tôi cập nhật trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Do đó, chúng tôi chỉ điều chỉnh thông tin trong hệ thống này, chứ không điều chỉnh trên cuốn sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú nữa. Chính vì vậy, cuốn sổ này không có tác dụng, không có giá trị khi thông tin của hộ dân này đã được thay đổi trong hệ thống dữ liệu dân cư, nên chúng tôi phải thu lại", vị đại diện C06 giải thích.
Trả lời về việc người dân muốn giữ cuốn sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy làm kỷ niệm, vị đại diện C06 cho biết, khi công dân thay đổi thông tin trong hộ khẩu giấy, tạm trú giấy, cán bộ công an chỉ điều chỉnh thông tin trên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, chứ không ghi thay đổi trên cuốn sổ này. Do đó, khi điều chỉnh xong, thông tin giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cuốn sổ hộ khẩu giấy không còn giống nhau nữa nên theo quy định phải thu lại. Việc này nhằm tránh việc người dân mang cuốn sổ này đi thực hiện các giao dịch khác khi thông tin đã bị thay đổi.
"Đối với những hộ không thực hiện thay đổi, bổ sung thông tin liên quan đến hộ khẩu giấy, tạm trú giấy, chúng tôi cũng không thu lại. Cuối năm nay, khi những cuốn sổ này không còn giá trị, người dân vẫn có quyền giữ lại làm kỷ niệm", vị đại diện C06 giải thích thêm.
Về lo lắng của nhiều người dân sẽ gặp khó khăn trong giao dịch hành chính khi sổ hộ khẩu giấy bị thu lại, trong khi nhiều cơ quan, đơn vị vẫn yêu cầu cuốn sổ này, vị đại diện C06 nói: "Khi cuốn sổ hộ khẩu, sổ tạm trú của người dân bị thu lại, cơ quan công an sẽ cấp cho một tờ giấy xác nhận có giá trị tương đương với sổ hộ khẩu để tạo thuận lợi cho việc giao dịch của người dân".
Bộ Công an đã chia sẻ dữ liệu quốc gia về dân cư cho các bộ, ngành, đơn vị chức năng theo quy định của pháp luật. Do đó, công dân chỉ cần cầm căn cước công dân gắn chip điện tử đến một số cơ quan, đơn vị để giao dịch hành chính mà không cần sổ hộ khẩu.
"Về vướng mắc của công dân khi giao dịch hành chính nhiều nơi vẫn đòi sổ hộ khẩu, thời gian tới Chính phủ sẽ có Chỉ thị hướng dẫn về việc này, để thực hiện đồng bộ trên toàn quốc, tạo thuận lợi nhất cho người dân", vị đại diện C06 nhấn mạnh.
Luật Căn cước công dân quy định thông tin về công dân được thu thập, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư gồm: Họ, chữ đệm và tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; nơi đăng ký khai sinh; quê quán; dân tộc; tôn giáo; quốc tịch; tình trạng hôn nhân; nơi thường trú; nơi ở hiện tại; nhóm máu...
Như vậy, nếu công dân chưa được cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc cập nhật nhưng chưa chính xác, cần nhanh chóng đi cập nhật lại để tạo thuận lợi cho việc thực hiện các thủ tục hành chính sau 31/12.
Những thông tin trên Cơ sở dữ liệu sẽ được sử dụng thay thế sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy hết hiệu lực.
Bên cạnh đó, Điều 12 Luật Căn cước công dân quy định số định danh cá nhân như sau: Số định danh cá nhân được xác lập từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư dùng để kết nối, cập nhật, chia sẻ, khai thác thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành; số định danh cá nhân do Bộ Công an thống nhất quản lý trên toàn quốc và cấp cho mỗi công dân Việt Nam, không lặp lại ở người khác.
Do đó, nếu công dân đang sử dụng Chứng minh nhân dân 9 số, tức là chưa biết số định danh cá nhân sẽ rất khó khăn trong việc xin xác nhận thông tin về cư trú.
Mọi công dân đến độ tuổi làm Căn cước công dân nhưng chưa đi làm thì cần nhanh chóng đi làm ngay nhằm tạo thuận lợi khi thực hiện các thủ tục hành chính khi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy chính thức không còn giá trị sử dụng.
Một trong những nhiệm vụ phục vụ cho việc bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy, Bộ Công an sẽ phải đẩy nhanh tiến độ cấp căn cước công dân gắn chip cho người dân đủ độ tuổi theo quy định. Theo đó, Bộ Công an đang chỉ đạo các địa phương phấn đấu đến hết tháng 9 sẽ cơ bản cấp đủ căn cước công dân gắn chip cho người dân trong độ tuổi cấp căn cước công dân trên toàn quốc (riêng công dân tại 5 thành phố trực thuộc Trung ương dự kiến hoàn thành trong tháng 8).