Người dân lâm cảnh “màn trời chiếu đất” sau bão số 4

MINH AN (t/h)| 28/09/2022 18:42

Sáng sớm 28/9, bão số 4 (bão Noru) đổ bộ vào miền Trung, gây ra mưa to gió lớn tại nhiều địa phương, khiến nhiều nhà dân bị tốc mái, cây xanh gãy đổ khắp nơi, mất điện trên diện rộng…

Hàng trăm ngôi nhà tan hoang

Theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh TT-Huế, thống kê ban đầu từ các địa phương cho biết, bão số 4 đã khiến 5 người trên địa bàn toàn tỉnh bị thương.

Bão số 4 đã khiến 1 nhà bị sập hoàn toàn, 190 nhà bị sập và tốc mái; khoảng 500 cây xanh gãy đổ gây ách tắc giao thông trên nhiều tuyến đường. Nhiều khu vực bị cắt điện, có 5 cột điện trung thế bị ngã đổ.

Trên địa bàn tỉnh có 13 tuyến cáp quang bị đứt, 34 trạm thu phát sóng bị mất liên lạc do mất điện lưới.

lu4.jpeg
Nhà dân tại Đà Nẵng bị tốc mái, còn lại là đống đổ nát

Tại Quảng Trị, thiệt hại do lốc xoáy tại thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh hồi 15h30 ngày 27/9 khiến nhiều quán ven biển và 120 nhà bị tốc mái, sập tường (trong đó 2 ngôi nhà sập hoàn toàn). Bốn người bị thương đã được đi cấp cứu tại cơ sở y tế. Chưa có báo cáo về sự cố và yêu cầu cứu hộ, cứu nạn.

Tại Quảng Nam, nhiều hộ dân xã Bình Minh, huyện Thăng Bình (tỉnh Quảng Nam) bàng hoàng rơi nước mắt sau khi đi tránh bão số 4 trở về thì thấy ngôi nhà mình chỉ còn là đống hoang tàn.

Sáng 28/9, sau một đêm tránh trú bão tại nhà người quen trở về, mẹ con bà Nguyễn Thị Chín (52 tuổi, trú thôn Hà Bình, xã Bình Minh, Quảng Nam) nước mắt rưng rưng khi thấy ngôi nhà mình bị phá hủy nặng nề.

lu5.jpeg
Căn nhà của mẹ con bà Chín

Bà Chín không thể tin nổi căn nhà dù đã được chằng néo cẩn thận đã bị gió giật bay hoàn toàn mái tôn của gian nhà chính. Không chỉ vậy, phần tường cao phía trên và chái hành lang cũng bị gió bão giật sập làm gạch ngói rơi tung tóe xuống bàn ghế, giường chõng, vật dụng bên dưới.

lu6.jpeg
Nhà cửa đổ nát sau bão số 4

Bà Chín mếu máo nói ngôi nhà được xây dựng gần 20 năm. Mấy năm trước vợ chồng bà bỏ thêm tiền tu sửa lại chắc chắn hơn với mục đích chống bão lớn nhưng không ngờ trận bão số 4 này đã cuốn bay tất cả.

Với tình cảnh này chỉ còn cách tháo dỡ để xây lại nơi ở mới. Chồng bà Chín đang theo tàu câu mực ngoài khơi gần Trường Sa, sáng nay nghe vợ gọi báo tin nhà sập, ông không kìm được bật khóc ngay trong bộ đàm.

Sau trận cuồng phong Noru, một gia đình khác ở Quảng Ngãi cũng lâm vào tình cảnh "màn trời chiếu đất" khi ngôi nhà 2 tầng của họ đổ sập trước sức công phá dữ dội của mưa gió.

Trưa 28/9, ông Kiều Hà (50 tuổi, trú thôn Đông Lỗ, xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) cùng vợ lọ mọ lần giở trong mớ ngổn ngang của ngôi nhà mới đổ sập trong đêm bão để nhặt nhạnh những đồ đạc còn có thể sử dụng.

Ông Hà kể, ngay khi nghe cán bộ địa phương cảnh báo mối nguy hiểm của siêu bão Noru, vợ chồng ông đã sơ tán người già và trẻ con đến nơi an toàn tránh trú. Trong khi đó, hai vợ chồng ông chọn cách ở lại bởi ông Hà tin tưởng ngôi nhà hai tầng của mình sẽ trụ vững trước cuồng phong.

"Nào ngờ, khuya 27/9, mưa to kèm theo gió rít liên hồi nổi lên dồn dập. Một lúc sau, tôi và vợ thót tim khi chứng kiến bức tường lớn ập xuống ngay cạnh chiếc giường hai vợ chồng đang nằm canh bão.

Khoảng cách bức tường đổ sập xuống nền nhà chỉ cách chỗ tôi chừng 1 mét. Đúng là chúng tôi đã thoát chết trong gang tấc", ông Hà bàng hoàng nhớ lại.

lu7.jpeg
Căn nhà hai tầng của vợ chồng ông Hà đổ sập trong mưa bão

Căn nhà tránh nắng che mưa của vợ chồng ông Hà giờ đây đang chìm trong ngổn ngang. Chiếc xe máy cùng một số vật dụng hư hỏng nặng sau vụ sập nhà. Bao nhiêu mồ hôi, công sức đổ vào xây dựng ngôi nhà đã bị cơn bão quái ác cuốn phăng.

Với những người nông dân quanh năm “một nắng hai sương” gắn bó với đồng ruộng thì chỉ một cơn bão đi qua cũng cướp sạch của họ tài sản...

Lũ chia cắt nhiều bản làng

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Quảng Trị, do ảnh hưởng của cơn bão số 4, trên địa bàn tỉnh xảy ra mưa to đến rất to; lượng mưa phổ biến đo được tại khu vực đồng bằng từ 120 - 150mm; vùng núi từ 150 - 200mm, có nơi cao hơn như Hướng Sơn 216mm, Tà Rụt 301mm.

lu1.jpg
Nhiều nơi tại Quảng Trị xuất hiện tình trạng sạt lở đất

Mưa lớn đã làm mực nước trên các con sông dâng cao. Tại huyện miền núi Đakrông, nước sông cao từ 0,5 - 1,5m làm một số ngầm tràn của các xã bị ngập, gây chia cắt giao thông, như: ngầm tràn Tà Rụt - A Ngo (xã A Ngo); ngầm tràn Ly Tôn (xã Tà Long).

Tại huyện Hướng Hóa, mực nước cũng đang lên, làm chia cắt ngầm tràn của các xã Ba Tầng, Hướng Sơn.

lu3.jpg
Bộ đội biên phòng Quảng Trị tặng quà cho bà con

Sau khi bão đổ bộ, hoàn lưu bão tiếp tục gây mưa lớn và làm thiệt hại nhiều công trình giao thông trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Cụ thể, tuyến đường 14, đoạn cầu treo Đakrông đi Tà Rụt (huyện Đakrông) bị sạt lở 3 điểm; cầu tràn Km28 đi thôn Xi Pa, xã Tà Long bị ngập 0,9m gây chia cắt giao thông. Hiện địa phương đã khắc phục tạm thời, bảo đảm giao thông thông suốt.

Đặc biệt, vào sáng 28/9, mưa lũ đã làm cuốn trôi cầu tạm bắc qua bản Thúc lên trung tâm xã Vĩnh Ô (huyện Vĩnh Linh), làm cho giao thông ách tắc, khiến hơn 370 hộ dân với gần 1.400 nhân khẩu tại xã này bị cô lập với bên ngoài.

lu2.jpg
Mực nước suối dâng cao khiến nhiều khu dân cư tại Quảng Trị sạt lở

Theo lãnh đạo xã Vĩnh Ô, hiện nay, nước lũ ở xã này đang lên cao. Nhiều cầu tràn trên địa bàn nước chảy rất xiết. Chính quyền xã đã chỉ đạo lượng lượng chức năng khẩn trương làm rào chắn cảnh báo.

Đồng thời khuyến cáo người dân, tất cả các phương tiện tham gia giao thông hết sức lưu ý, không được đi lại khi chưa được khắc phục.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Người dân lâm cảnh “màn trời chiếu đất” sau bão số 4
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO