Theo Yonhap, luật mới sẽ chính thức có hiệu lực từ năm 2027 sau khi Hội đồng Nội các phê chuẩn và Tổng thống Yoon Suk Yeol ký duyệt, các động thái được coi là mang tính thủ tục vì chính phủ của ông Yoon ủng hộ lệnh cấm thịt chó.
Sau 3 năm nữa, bất cứ hành vi chăn nuôi, giết mổ hoặc buôn bán thịt chó cho con người tiêu thụ nào cũng bị coi là bất hợp pháp ở Hàn Quốc và có thể bị phạt từ 2 - 3 năm tù giam cũng như nộp phạt đến 30 triệu won (22.800 USD).
“Luật này nhằm góp phần hiện thực hóa các giá trị của quyền động vật, tôn trọng sự sống cũng như việc chung sống hòa hợp giữa con người và động vật”, trích tuyên bố của luật mới.
Luật cũng đề cập đến việc hỗ trợ cho những người chăn nuôi và doanh nghiệp từ bỏ các hoạt động kinh doanh thịt chó và chuyển sang các giải pháp thay thế. Các quan chức chính phủ, nông dân, chuyên gia và nhà hoạt động vì quyền động vật sẽ thảo luận về những chi tiết này.
Reuters đưa tin, các nhóm hoạt động vì quyền của động vật ngay lập tức hoan nghênh lệnh cấm thịt chó. Chae Jung-ah, giám đốc điều hành một tổ chức hoạt động vì quyền động vật có tên Hiệp hội Nhân đạo quốc tế ở Hàn Quốc thậm chí ca ngợi đây là “quyết định lịch sử”.
Theo một cuộc khảo sát ở Hàn Quốc, do tổ chức Nhận thức, nghiên cứu và giáo dục về phúc lợi động vật công bố ngày 8/1, hơn 94% số người được hỏi cho biết họ đã không ăn thịt chó trong năm qua và khoảng 93% khẳng định sẽ không làm như vậy trong tương lai. Các cuộc thăm dò khác cho thấy tỷ lệ ủng hộ lệnh cấm vào khoảng 56%.
Dẫu vậy, những người nông bày tỏ rất buồn về luật mới. Son Won Hak, cựu lãnh đạo một hội nông dân tiết lộ, những người nuôi chó lấy thịt sẽ nộp đơn thỉnh cầu lên Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc và tổ chức biểu tình phản đối lệnh cấm. Các nông dân cũng sẽ nhóm họp trong ngày hôm nay (10/1) để thảo luận về các bước hành động khác.
Ju Yeongbong, một quan chức thuộc Hiệp hội nông dân Hàn Quốc nói, hầu hết những người chăn nuôi chó lấy thịt đều ở độ tuổi 60 - 80 và hy vọng tiếp tục công việc kinh doanh của mình cho đến khi những người lớn tuổi, khách hàng chính của họ qua đời. Ông Ju tin lệnh cấm sẽ “tước bỏ sinh kế của họ”, vì nhà chức trách có thể sẽ chỉ hỗ trợ việc tháo dỡ cơ sở vật chất và chuyển đổi công năng mà không bồi thường cho việc từ bỏ các vật nuôi.
Đồng quan điểm, ông Son lưu ý, nhiều nông dân lớn tuổi sẵn sàng đóng cửa trang trại nuôi chó lấy thịt nếu được đền bù tài chính thỏa đáng, trong bối cảnh dư luận có cái nhìn tiêu cực về công việc của họ.
Cheon JinKyung, người đứng đầu Tổ chức hỗ trợ quyền động vật Hàn Quốc tại Seoul, cáo buộc các nông dân đang đòi bồi thường cao một cách phi lý. Bà Cheon cho rằng việc bồi thường dựa trên số lượng chó thuộc sở hữu của những người nông dân sẽ không được chấp nhận. Song, bà cũng thừa nhận, việc chi trả hỗ trợ có thể sẽ là một vấn đề lớn.
Theo thống kê của Chính phủ Hàn Quốc, nước này hiện có khoảng 1.150 trang trại nuôi tổng cộng 570.000 con chó, 34 cơ sở giết mổ được cấp phép, 219 nhà phân phối và khoảng 1.600 nhà hàng bán các món ăn làm từ thịt chó.
Các nỗ lực trước đây nhằm cấm thịt chó ở xứ sở kim chi đã thất bại vì sự phản đối của những người trong lĩnh vực kinh doanh này. Ngay cả người dân bình thường cũng có những quan điểm trái ngược nhau về lệnh cấm.
“Chó khác với bò, gà và lợn. Tại sao bạn vẫn ăn thịt chó khi giờ đây chúng được coi là thú cưng trong gia đình hơn là thức ăn?”, Kim Myung-ae, một cư dân 58 tuổi ở Seoul bày tỏ.
Tuy nhiên, một cư dân khác ở Seoul có tên Jeong Yoon Hee không đồng tình quan điểm trên và cho rằng việc ăn thịt chó hay không là lựa chọn cá nhân cũng như văn hóa ẩm thực. Một số người khác lại nêu câu hỏi, điều gì sẽ xảy ra nếu tiếp sau lệnh cấm thịt chó sẽ là các lệnh cấm ăn thịt gà, cá, tôm… để bảo vệ các quyền của động vật.