Hiện toàn TPHCM có 27 cây cầu bộ hành phục vụ người đi bộ sang đường ở các nút giao cắt và khu vực gần bệnh viện, trường học, nơi có mật độ giao thông đông đúc.
Tuy nhiên, không ít cầu bộ hành đã được xây dựng nhiều năm, nhưng đến nay người dân vẫn chưa có thói quen dùng cầu để qua đường. Hệ thống cầu bộ hành tại TPHCM hiện đang trong tình trạng "nơi có vắng người đi, nơi cần lại không có".
Đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh) đoạn từ ngã tư Hàng Xanh tới cầu Sài Gòn dài khoảng 2km, nhưng chỉ có duy nhất một cây cầu bộ hành Văn Thánh (cầu bộ hành số 2) bắc qua đoạn đường này.
"Đường lộ quá lớn, dòng xe di chuyển nhiều nên việc phải sang đường bằng cầu đi bộ là lựa chọn tối ưu nhất với em. Nếu ở đây lắp thêm mái che thì sẽ thuận tiện hơn cho người đi bộ", Thanh Tú (21 tuổi, sinh viên trường Hutech) nói.
Đại lộ Phạm Văn Đồng đoạn từ cầu Bình Lợi về vòng xoay Nguyễn Thái Sơn (quận Gò Vấp) dài khoảng 4km, nhưng có tới 3 cây cầu bộ hành bắc qua. Các cầu hầu hết được vệ sinh sạch sẽ, bề mặt rộng, không gian thoáng mát nhưng thưa thớt người qua lại.
Ông Nguyễn Quang Châu (57 tuổi) chia sẻ: "Tôi chọn tập thể dục trên cầu bộ hành bởi vì gần nhà tôi không có công viên hay khoảng đất trống nào, ở đây rất thoáng mát và sạch sẽ".
Một cầu bộ hành trên đường Phạm Văn Đồng bị người dân tận dụng làm nơi phơi đồ gây mất mỹ quan đô thị.
Ghi nhận tại cầu bộ hành bệnh viện Ung Bướu (quận Bình Thạnh), cầu thiết kế thang máy, mái che. Tuy nhiên, thang máy chủ yếu được các y bác sĩ, nhân viên bệnh viện sử dụng, người dân ít tiếp cận vì thang máy nằm bên trong khuôn viên bệnh viện.
Để rút ngắn thời gian qua đường, nhiều người dân vẫn chọn cách băng sang đường trực tiếp thay vì đi lên cầu bộ hành.
Cầu bộ hành này ngoài việc có thang máy còn được thiết kế các bậc cầu thang để người dân phía ngoài khuôn viên bệnh viện đi lại. Các bậc thang khá cao khiến một số người khuyết tật gặp khó khăn khi di chuyển lên, đa số đành lựa chọn đi bộ qua đường.
Ghi nhận tại khu vực đường Tôn Đức Thắng đoạn qua công viên bến Bạch Đằng (quận 1). Đây được xem là một trong những "điểm đen" về tình trạng người dân, du khách băng qua đường, vượt giải phân cách vì không có cầu bộ hành.
Tuyến đường Tôn Đức Thắng đoạn từ chân cầu Thủ Thiêm 2 tới cột cờ Thủ Ngữ dài khoảng 1km, tuy nhiên không có cầu bộ hành. Khu vực này lượng phương tiện qua lại tấp nập, người dân, du khách thường xuyên di chuyển ra bến Bạch Đằng để vui chơi, đi dạo tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.
"Em và các bạn thường xuyên ra bến Bạch Đằng để đi dạo, vui chơi vào chiều, tối cuối tuần, tuy nhiên bãi đậu xe thì ở khá xa và ngược đường với bến Bạch Đằng nên bọn em đành gửi xe rồi đi bộ từ phố Nguyễn Huệ qua công viên. Mỗi lần băng qua đường đều thấp thỏm lo lắng, cố gắng chờ đời khi vắng xe nhất mới dám qua", Hồng Hạnh chia sẻ.
Vào giờ cao điểm, lượng phương tiện trở nên đông đúc, người dân di chuyển từ khu vực phố đi bộ Nguyễn Huệ qua bến Bạch Đằng gặp nhiều khó khăn vì phải băng qua dòng xe hỗn loạn trên đường.
Một phụ nữ và con nhỏ "mắc kẹt" ngay giữa giải phân cách của đường Tôn Đức Thắng khoảng 10 phút mới qua đường vì dòng xe tấp nập qua lại.
Trong khi đó, tại một số điểm có vạch kẻ đường, đèn tín hiệu không hoạt động khiến người dân gặp khó trong việc di chuyển qua đường.
Nhiều du khách nước ngoài khá lo lắng và còn giúp đỡ người già qua đường vì dòng xe không dừng để nhường đường.
Trước đó, từ năm 2018, UBND quận 1 từng kiến nghị UBND TPHCM làm cầu vượt bộ hành hoặc hầm chui kết nối các điểm tham quan từ trung tâm ra phía sông Sài Gòn.
Hiện tại, về pháp lý, quy hoạch công trình cầu vượt hoặc hầm chui dành cho người đi bộ trong quy hoạch tuyến đường Tôn Đức Thắng (đoạn từ chân cầu Thủ Thiêm 2 tới cầu Khánh Hội) chưa được đề cập trong quy hoạch chung được duyệt.
Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Xây dựng, Sở GTVT, UBND quận 1, Ban An toàn giao thông, Phòng CSGT TPHCM đã thống nhất nghiên cứu phương án xây cầu vượt bộ hành trong giai đoạn chưa thể triển khai theo quy hoạch được duyệt.
Phương án này được ưu tiên xem xét do việc xây dựng hầm chui cho người đi bộ sẽ vướng quy hoạch hệ thống hầm chui giao thông dọc đường Tôn Đức Thắng trong tương lai.