Tháng 8.2021, anh Đình Dũ (26 tuổi, ngụ ở TPHCM) lần đầu mắc COVID-19 khiến sức khoẻ của anh vô cùng mệt mỏi, sốt liên tục. Đến tháng 3.2022, anh Đình Dũ mắc COVID-19 lần thứ hai nhưng triệu chứng nhẹ hơn. Theo anh Dũ cảm nhận sức khoẻ của mình sau hai lần mắc COVID-19, một trong những điều quan trọng khiến triệu chứng nhẹ hơn là tiêm vaccine ngừa COVID-19 đủ mũi.
“Mọi thứ tốt hơn, nhẹ nhàng hơn lần một mắc COVID-19. Khi nghe TPHCM tổ chức tiêm vaccine mũi 4, tôi sẵn sàng tiêm để có “tấm thẻ” bảo hiểm cho sức khoẻ mình trước đại dịch vẫn còn lưu hành trong cộng đồng”, anh Đình Dũ chia sẻ.
Suy nghĩ của chị Nguyễn Thị Huyền (30 tuổi, quận Phụ Nhuận, TPHCM) lại khác, trong giai đoạn đỉnh dịch TPHCM, vì muốn bảo vệ bản thân và gia đình trước đại dịch, chị Huyền tuân thủ tiêm đủ 3 mũi vaccine. Tuy nhiên, khi nhận được thông tin TPHCM tổ chức tiêm vaccine mũi 4, chị Huyền không muốn tiêm tiếp tục vì còn nhiều phân vân.
“Tôi có ý định có con lần thứ 2, mà vaccine ngừa COVID-19 chưa có những nghiên cứu về tác dụng phụ của vaccine tới đâu, có ảnh hưởng đến sinh sản hay không nên tôi quyết định không tiêm mũi 4”, chị Huyền chia sẻ.
Theo BS.CKII Nguyễn Minh Tiến – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, hiện nay ở Mỹ mỗi năm người dân sẽ được tiêm vaccine bổ sung sau các mũi tiêm trước đó từ 6-12 tháng. Theo nghiên cứu của Mỹ, mũi 3 tồn tại từ 6 – 12 tháng trước đại dịch.
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 hiệu quả đã được chứng minh trong gần 2 năm qua, tuy nhiên nhiều người dân lo ngại tác dụng phụ của vaccine như viêm cơ tim, thuyên tắc mạch máu não, tăng đông máu… nhưng tỉ lệ không nhiều.
Ngoài ra, có những chia sẻ của người dân liên quan đến vấn đề sinh sản. Trước tình hình chưa có kết quả nghiên cứu tác dụng phụ liên quan đến sinh sản, các chuyên gia khuyên người dân nên cân nhắc để tiêm vaccine khi có ý định mang thai.
Những người trên 50 tuổi hoặc có bệnh lý nền nên tiêm vaccine mũi 4 bổ sung, phòng tránh chuyển nặng khi mắc COVID-19.
Sở Y tế TPHCM vừa cho biết, dự kiến tuần này sẽ tiêm vaccine mũi 4 phòng COVID-19 cho hơn 1,8 triệu người. Ngoài ra, người từ 18 tuổi trở lên bị suy giảm miễn dịch từ thể vừa đến thể nặng hoặc thuộc nhóm nguy cơ cao phơi nhiễm COVID-19 như cán bộ y tế, tuyến đầu chống dịch, công nhân, người làm việc tại khu công nghiệp cũng thuộc đối tượng tiêm đợt này.
Người lao động làm việc tại các đơn vị hoặc người đang điều trị nội trú (kể cả người có địa chỉ lưu trú tỉnh thành khác) sẽ được tiêm tại bệnh viện và các cơ sở tiêm chủng. Bên cạnh đó, thành phổ tổ chức các điểm tiêm lưu động trên địa bàn theo quyết định của UBND các quận, huyện và TP.Thủ Đức. Trường hợp đi lại khó khăn, không thể di chuyển đến các điểm tiêm sẽ được tiêm tại nhà.