Chúng tôi bắt gặp hình ảnh này khi trú mưa trước cửa hàng 305 Hoàng Diệu (phường 6, quận 4, TP.HCM). Người phụ nữ ấy có gương mặt rất tươi và sáng với mái tóc cắt ngắn, đã nhiều sợi bạc.
Gom ve chai
"Tôi đi suốt buổi sáng mà chỉ lượm được một mớ ve chai nhỏ. Đến 12 giờ, tôi mới qua quận 1 xin cơm từ thiện rồi quay về đây", bà kể. Nhìn số ve chai bà chỉ, có nhiều chai nhựa và thùng giấy được bà xếp gọn gàng, cẩn thận.
Bà tiếp tục chia sẻ: "Tôi không có nhà. 4 năm nay rồi, tôi lang thang trên con đường Hoàng Diệu này và sống nhờ vào lòng tốt của bà con cho qua ngày".
Tên bà là Hàng Ngọc Lan, 70 tuổi, quê ở Tiền Giang. Trước đây, bà sống cùng chị em và các cháu trong căn nhà trên đường Nguyễn Hữu Hào (quận 4, TP.HCM).
Năm 1982, người em gái sinh đứa con trai được hơn một tháng thì xảy ra xung đột với chồng nên bỏ nhà ra đi. Thương cháu, bà cưu mang nuôi nấng cho đến khi khôn lớn.
Nói đến đây, gương mặt bà chùng xuống, đôi mắt ươn ướt. Bà nghẹn ngào: "Tôi bán căn nhà đó mua lại nhà khác cho nó đứng tên. Sau đó, nó lấy vợ và có con nó nhẫn tâm đuổi tôi ra khỏi nhà. Tôi sống vất vưởng như thế này đây".
Bà cho biết, bà sống như thế này đã 4 năm. Cuộc sống rất tạm bợ, khắc khổ nhưng qua trò chuyện, bà luôn luôn biểu lộ sự lạc quan, vui vẻ.
Bà nói tiếp: "Ban ngày tôi đi lượm ve chai ở khắp hang cùng ngõ hẻm. Được bao nhiêu tôi dồn lại để đến chiều đem đến vựa ve chai bán. Mỗi ngày tôi kiếm được vài chục ngàn, ngày nào khá lắm được khoảng 100 ngàn.
Bữa cơm trưa
Hiện nay, cuộc sống của tôi nhờ vào lòng hảo tâm của bá tánh. Hàng ngày, tôi đến quán cơm từ thiện xin 2 suất cơm cho bữa trưa và chiều.
Tiền kiếm được tôi dành để ăn sáng, thuốc men khi đau ốm. Tối đến, tôi thường lên cầu Ông Lãnh (quận 1, TP.HCM) hoặc trước siêu thị 24 giờ mong những người hảo tâm bố thí ít nhiều.
Giấc ngủ của tôi hàng đêm thường là trước hiên của các cửa hàng dọc theo đường Hoàng Diệu. Gần đây lực lượng dân phòng đuổi gắt quá, tôi đành phải vào ngủ tạm ở một nhà gần chùa Long Bửu với giá 10.000 đồng/đêm".
Bà kể, có hôm trời mưa, bộ đồ trên người ướt sũng. Bà phải mặc như thế cho hết đêm đến sáng nhờ nắng hong cho khô bởi vì không có chỗ phơi, không có chỗ thay quần áo.
Trên sổ khám bệnh của cơ sở y tế từ thiện Nơi bà tá túc vào buổi trưa cấp cho bà có ghi: Hàng Ngọc Lan, vỉa hè 273 Hoàng Diệu.
Trong suốt cuộc trò chuyện, chúng tôi không hề nghe bà than khổ, không hề oán trách ai, bà chỉ buồn cho cảnh tuổi già vẫn còn long đong. Bà chia sẻ, về người cháu, bà cũng không giận. Bà chỉ mong đến một lúc nào đó, nó sẽ nghĩ lại về người đã từng nuôi nấng nó...
Bà ao ước một điều duy nhất, mong những tấm lòng hảo tâm, chính quyền địa phương giúp đỡ bà có được một chỗ nghỉ qua đêm. Cơn mưa chỉ còn lất phất. Từ giã bà ra đi, chúng tôi chỉ mong bà hằng đêm tìm được một giấc ngủ bình an.
Trần Chánh Nghĩa
Đã đăng trên VietNamNet ngày 25/07/2017
https://vietnamnet.vn/nguoi-dan-ba-tuoi-70-doc-long-nuoi-chau-cuoi-doi-vat-vuong-song-via-he-385713.html