Người dân ASEAN vừa lo 'cơm áo gạo tiền' vừa bất an với biến đổi khí hậu

Vy Vy| 25/09/2023 09:26

Gần 50% người dân ASEAN được hỏi cho rằng, biến đổi khí hậu là mối đe dọa nghiêm trọng tức thời đối với đất nước.

ASEAN
Nhiều nước ASEAN phải chịu ảnh hưởng của thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu. (Nguồn: BusinessLive)

Theo Báo cáo về Khảo sát triển vọng khí hậu Đông Nam Á 2023 vừa được Viện nghiên cứu Đông Nam Á công bố, 49,4% số người được hỏi ở Đông Nam Á cho biết, họ coi biến đổi khí hậu là mối đe dọa nghiêm trọng tức thời đối với đất nước, giảm mạnh so với con số 69% của cuộc khảo sát trước đó.

Ông Nik Nazmi Bin Ahmad, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên, môi trường và biến đổi khí hậu Malaysia giải thích rằng: "Chắc chắn những con số này sẽ gây ra nhiều bình luận với câu hỏi tại sao. Theo tôi, có lẽ kết quả này chỉ đơn giản phản ánh người dân Đông Nam Á đang lo lắng nhiều cho vấn đề 'cơm ăn áo mặc', đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và tiến trình phục hồi đang diễn ra".

Theo kết quả khảo sát, người dân ASEAN ngày càng quan tâm đến các vấn đề như loại bỏ trợ cấp nhiên liệu, thuế carbon quốc gia và việc ngừng sử dụng than.

Ví dụ, có tới 68,7% người được hỏi ủng hộ thuế carbon quốc gia và trên 60% ủng hộ việc loại bỏ dần việc tiêu thụ than ngay lập tức hoặc vào năm 2030.

Ngoài ra, kết quả khảo sát cũng cho thấy, người dân ASEAN xác định, ba tác động lớn nhất của biến đổi khí hậu hiện nay là lũ lụt, nắng nóng và hạn hán.

Ông Choi Shing Kwok, Giám đốc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore, cho biết: "Chúng tôi cũng nhận thấy dấu hiệu hành động về khí hậu đang được lồng ghép vào các lĩnh vực kinh tế then chốt, đặc biệt là ngành sản xuất điện".

Cụ thể, ông Choi Shing Kwok dẫn ra ví dụ Kế hoạch phát triển Điện 8 mới được công bố gần đây của Việt Nam đặt ra mục tiêu tăng công suất điện gió từ 4,6 Gigawatt lên 28 Gigawatt vào năm 2030 và chuyển đổi hoặc ngừng hoạt động tất cả các nhà máy điện đốt than vào năm 2050.

Cuộc khảo sát được thực hiện trong bốn tuần từ tháng 7 đến tháng 8 năm nay, thu thập câu trả lời của 2.225 người Đông Nam Á trên tất cả 10 quốc gia trong khu vực, tạo nên nguồn dữ liệu quý cho báo chí, các tổ chức và giới nghiên cứu.

Kết quả của khảo sát trên cũng giúp các chính phủ trong công tác hoạch định chính sách nhằm thực hiện những cam kết về biến đổi khí hậu kịp theo đúng thời hạn đặt ra.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Người dân ASEAN vừa lo 'cơm áo gạo tiền' vừa bất an với biến đổi khí hậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO