Người có số thẻ tù mang số VN2017 là ông Dương Tự Minh, nguyên là cán bộ Thành đoàn Hà Nội, nay là Phó trưởng Ban liên lạc các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tại nhà lao Hỏa Lò.
Truyền thống gia đình kiên trung cách mạng
Trong những ngày thu tháng Tám lịch sử, tôi có dịp gặp ông Dương Tự Minh, người cựu tù Hỏa Lò mang số thẻ VN2017 ngay tại nhà tù Hỏa Lò, khi ông có cuộc trò chuyện với thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử.
Năm nay đã gần 90 tuổi, nhưng ông Minh vẫn rất minh mẫn, từng lời kể mạch lạc, đầy sống động về một thời kỳ hào hùng của dân tộc.
Sinh ra trong một gia đình trí thức Hà Nội đi theo cách mạng, cha ông Dương Tự Minh là giáo sư liệt sỹ Dương Quảng Hàm, nhà nghiên cứu văn học sử Việt Nam đã được 4 tỉnh thành đặt tên đường phố.
"Các anh chị tôi có người đã tham gia Việt Minh từ thời tiền khởi nghĩa, sau này đều trở thành trí thức của chế độ ta, có 3 người được phong hàm giáo sư, một người là nhà giáo nhân dân, Anh hùng Lao động. Khi Cách mạng Tháng 8 nổ ra, khi đó tôi lên 10 tuổi, cha tôi được Chính phủ trọng dụng cử làm Thanh tra Trung học vụ, Hiệu trưởng trường Bưởi - Chu Văn An.
Cả nhà tôi đều tham gia các đoàn thể cách mạng, tôi nhỏ tuổi nhất cũng vào Đội Nhi đồng cứu quốc. Đây là thời kỳ sum họp hạnh phúc nhất của gia đình tôi trước khi ly tán vì chiến tranh", ông Dương Tự Minh kể.
Trong thời gian học tại trường, ông Dương Tự Minh cùng chị gái Dương Thị Cương tham gia vào tổ chức học sinh kháng chiến do Thành Đoàn thanh niên cứu quốc Hà Nội lãnh đạo. Công việc chính của Đoàn là tổ chức các hoạt động cho học sinh kháng chiến các trường ra báo bí mật, rải truyền đơn, treo cờ, tuyên truyền cho kháng chiến…
Khi đó, phong trào Học sinh kháng chiến chống Pháp tại Hà Nội đang trong thời kỳ cao trào, lôi cuốn được tất cả học sinh các trường nội thành đồng loạt bãi khóa đòi bảo đảm an toàn học tập cho học sinh, đòi thả ngay những học sinh bị bắt.
Chia sẻ về giai đoạn này, ông Dương Tự Minh ấn tượng nhất về buổi biểu diễn văn nghệ kỳ lạ giữa sào huyệt quân thù. Đó là buổi văn nghệ được tổ chức vào dịp Tết Canh Dần 1950, 4 năm sau khi giặc Pháp trở lại chiếm đóng Thủ đô của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa non trẻ.
"Cuộc bãi khóa kéo dài tới ngày thứ 12 thì Thủ hiến Hà Nội Nguyễn Hữu Trí đồng ý tiếp đại diện học sinh và ra tuyên bố đăng báo chấp nhận đề nghị của học sinh. Nhân dịp Tết đến, ban đại diện học sinh xin phép nhà cầm quyền cho tổ chức Đại hội văn nghệ tại Nhà hát Lớn thành phố và chúng đã đồng ý nhưng bắt đưa danh sách bài hát để kiểm duyệt.
Các tên bài có vẻ vô hại như Tiếng chuông nhà thờ (của Nguyễn Xuân Khoát), Đêm lửa rừng (thơ Hoàng Cầm)... thì cho qua, còn những bài có cái tên kháng chiến quá rõ ràng như Trường ca sông Lô của Văn Cao thì chúng tôi phải đổi tên là Trường ca sông Ô, giải thích với chúng đây là mối tình giữa Hạng Võ và Ngu Cơ. Rồi đến các vở kịch như Quán Thăng Long, Nửa đêm truyền hịch... tuy là kêu gọi đứng lên chống quân ngoại xâm nhưng là chuyện lịch sử, còn các tiết mục khác nếu có lời lẽ nào nói đến "diệt giặc Pháp" thì đều đổi thành "diệt giặc ác", ông Minh nhớ lại.
Bốn nữ sinh Chu Văn An trong tốp ca nam nữ Trường ca sông Lô (Ảnh: NVCC).
Đến mục "Đêm lửa rừng", đèn tắt hết, mấy thanh niên bôi lân tinh lên người múa may một lúc thì bỗng nhiên đèn bật sáng lòa, chiếu rõ hàng nghìn tờ truyền đơn kêu gọi chống Pháp từ tầng 3 được tung ra, bay khắp hội trường.
"Có thể nói lúc này hàng trăm học sinh đang được dự buổi biểu diễn văn nghệ kháng chiến đều mê say trong một bầu không khí vui sướng, hân hoan tột độ. Và cũng có thể nói đây là một buổi biểu diễn văn nghệ có một không hai giữa trung tâm Hà Nội, lúc đó đang là sào huyệt đầu não của kẻ thù. Bọn mật thám không ngăn được buổi biểu diễn của học sinh nhưng chúng đã âm thầm nhận mặt, ghi tên những người hăng hái nhất vào sổ đen của chúng.
Đến hè năm 1950, đợi khi học sinh nghỉ học, mất vũ khí bãi khóa, chúng mới mở cuộc khủng bố lớn, bắt bớ, tra tấn, giam cầm hàng trăm học sinh", ông Dương Tự Minh bồi hồi kể lại.
Các bạn trẻ đến thăm quan tại nhà tù Hỏa Lò (Ảnh: baotintuc).
Tấm thẻ tù đặc biệt
Trong những năm 1949-1950, phong trào hoạt động của học sinh, sinh viên rất mạnh khiến kẻ địch khiếp sợ, nhưng chúng không dám bắt những người chủ chốt vì sợ các trường sẽ đồng loạt bãi khóa phản đối. Chờ đến dịp hè, học sinh nghỉ học, địch mới đến từng nhà những học sinh hoạt động tích cực để bắt.
"Hai chị em chúng tôi cũng bị địch bắt trong dịp này. Sau khi được thả ra, chúng tôi lại tiếp tục hoạt động kháng chiến. Một thời gian sau, tôi được kết nạp vào Đoàn Thanh niên cứu quốc, tích cực tham gia in ấn và tán phát báo Nhựa sống, một tờ báo bí mật của Đoàn học sinh kháng chiến Hà Nội, từ đó giác ngộ được nhiều bạn học cùng tham gia", ông Dương Tự Minh kể.
Báo "Nhựa sống" kêu gọi các tầng lớp thanh niên, học sinh, sinh viên đoàn kết, tin tưởng ở Cách mạng Việt Nam, đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm đấu tranh của sinh viên thế giới. Tờ báo này được in ở nhiều cơ sở khác nhau, trong đó có một điểm in tại 98A Hàng Bông, là nhà ông Minh.
Ông Minh kể: "Sau khi in xong, chúng tôi tổ chức đem phát cho các đối tượng cần tuyên truyền. Khi đi học chúng tôi thường cho báo vào cặp, đến khi ra chơi thì lén đặt vào ngăn bàn các bạn trong lớp".
Tờ báo "Nhựa sống" có sự lôi cuốn mạnh trong tầng lớp thanh niên, học sinh, sinh viên khiến kẻ địch rất hoang mang nên chúng tổ chức triệt phá tờ báo. Vào tháng 10/1952, cơ sở in tại 98A Hàng Bông bị lộ do chỉ điểm, nhưng khi địch đến chỉ thu được một số báo "Nhựa sống" và ít tài liệu tuyên truyền.
Những cựu học sinh kháng chiến từng bị tù đày đến thăm nơi giam giữ mình ngày xưa (Ảnh: baotintuc).
"Trại giam tôi ở có rất đông tù nhân. Đó là một buồng lớn dài dằng dặc, hai bên có bệ xi măng cho tù nhân nằm, mọi đồ dùng cá nhân của người tù đều được xếp gọn ở phía sát tường. Một số nhóm tù ngồi chuyện trò trên sàn xi măng, nhấm nháp một chút nước sôi khi không có chè. Một số nhóm đang ngồi, hoặc nằm bò ra viết quanh "thầy giáo" để học", ông Minh kể.
Ông Dương Tự Minh nhớ lại, mặc dù là bị giam cầm, ăn cơm sạn, cá thối… nhưng đối với ông, nhà tù Hỏa Lò để lại cho ông rất nhiều kỷ niệm, bài học khó quên. Ông Minh được yêu cầu tham gia dạy học cho các bạn tù, người khác biết tiếng Pháp thì được phân công làm Trưởng ban đại diện trại, có thể giao dịch thẳng với bọn giám thị tây, đấu tranh bảo vệ quyền lợi cho anh em tù.
Ông Minh vẫn nhớ như in đêm giao thừa Tết Quý Tỵ 1953, các trại giam đều bày bàn thờ Tổ quốc có đủ cả cờ đỏ sao vàng và chân dung Hồ Chủ tịch tự vẽ ra. Tất cả những cái đó đều đã được bí mật chuẩn bị và cất giấu từ nhiều ngày trước.
Sáng ngày mồng 1 Tết các trại lại chuyển sang trang trí cờ hòa bình và hoa đào giấy. Ban lãnh đạo các trại tổ chức thi kéo co, đấu cờ tướng, biểu diễn văn nghệ. Quần áo diễn viên đóng vai Táo quân và Ngọc Hoàng khá đẹp, màu sắc rực rỡ tuy chỉ là bằng giấy báo bôi màu xanh đỏ.
"Bọn giám thị tây, ta cũng đứng xem. Bọn chúng không hiểu hoặc có hiểu cũng khó lòng bắt bẻ những câu nói ẩn ý của anh em tù kháng chiến mong ước độc lập tự do và chửi khéo bọn thực dân cướp nước. Tôi thích thú được hòa mình trong các cuộc đấu tranh sôi động đó và quên cả buồn khổ vì phải ăn Tết trong tù", người cựu tù Hỏa Lò kể lại với nụ cười mỉm, ánh mắt không giấu nổi xúc động.
Ông Dương Tự Minh và các bạn của mình là những học sinh Hà Nội bị giam lâu nhất tại Hỏa Lò kể từ cao trào của Học sinh kháng chiến năm học 1949-1950. Sau gần một năm bị giam giữ, nhóm của ông Minh được "tại ngoại hậu cứu" (tạm tha chờ ngày xét xử, nhưng hằng tháng phải trình diện cơ quan kiểm soát của địch).
Nhóm được tại ngoại rủ nhau đi chụp ảnh kỷ niệm ngày ra tù. Sau bức ảnh có đề một bài thơ của một bạn tù sáng tác: "Cánh cửa đề lao khép lại rồi/Nắng chiều cuốn lấy bước chân vui/Ba mươi sáu phố e còn hẹp/Ta thấy lòng ta vẫn ngậm ngùi".
Nhóm học sinh trong đó có ông Dương Tự Minh bị giam ở Hỏa Lò, chụp ảnh kỷ niệm sau khi được thả (Ảnh: baotintuc).
Một điều đặc biệt, ông Dương Tự Minh đã giữ được tấm thẻ tù sau khi được thả tự do. "Khi cầm tấm thẻ cũ này khi mới bị giam giữ, tôi đã luôn tự hỏi không biết trước mình, ai là người mang tấm thẻ này, bây giờ người đó còn sống hay đã chết? Người đó đã làm gì để chiếc thẻ có vết lõm ở phía sau? Nhưng có điều, sau tôi sẽ không còn ai phải đeo tấm thẻ đó nữa, bởi lẽ khi được ra tù tôi đã giấu được và mang nó về làm kỷ niệm", người cựu tù Hỏa Lò kể.
Sau đó, tấm thẻ mang số hiệu VN 2017 đã được ông Dương Tự Minh trao tặng lại cho Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò để nghiên cứu, phục vụ cho công tác trưng bày.
Tấm thẻ tù mang số hiệu VN2017 được ông Dương Tự Minh trao tặng cho Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò (Ảnh: baotintuc).
Ngay khi ra tù vào năm 1953, ông Dương Tự Minh được đưa về căn cứ bí mật của Thành Đoàn Hà Nội, rồi nhận nhiệm vụ trở lại nội thành hoạt động. Lúc này, ông thoát ly gia đình, hoạt động bí mật dưới tên khác.
Sau Giải phóng Thủ đô, Dương Tự Minh trở lại trường Chu Văn An học tiếp trung học, trở thành Bí thư Chi đoàn Thanh niên cứu quốc của trường. Năm 1955, ông vinh dự là đại diện cho học sinh vùng mới giải phóng đi dự Đại hội Thanh niên và sinh viên thế giới tại Vác-sa-va (Ba Lan).
Sau đó, ông về công tác tại Thành Đoàn Hà Nội, rồi Trung ương Đoàn. Năm 1987, sau hơn 30 năm hoạt động Đoàn, ông Dương Tự Minh chuyển sang công tác khác. Sau khi nghỉ hưu, ông hiện là Phó Ban liên lạc các chiến sĩ Cách mạng bị địch bắt tù đày tại nhà lao Hỏa Lò.