Người có hành vi bạo lực gia đình phải trồng cây, làm sạch ngõ phố

Thế Kha| 14/11/2022 19:33

Chiều 14/11, với 465 đại biểu tán thành (bằng 93,37% tổng số đại biểu), Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi).

Đáng chú ý, luật mới được thông qua đã bổ sung biện pháp yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở công an xã nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình. Chủ tịch UBND cấp xã và tòa án được bổ sung thẩm quyền tự mình ban hành quyết định cấm tiếp xúc khi có căn cứ thấy rằng hành vi bạo lực gia đình đe dọa tính mạng của người bị bạo lực gia đình.

Người có hành vi bạo lực gia đình phải trồng cây, làm sạch ngõ phố - 1

Chiều 14/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2023 (Ảnh: Phạm Thắng).

Luật cũng bổ sung biện pháp "thực hiện công việc phục vụ cộng đồng". Công việc phục vụ cộng đồng là công việc có quy mô nhỏ, trực tiếp phục vụ cho lợi ích của cộng đồng nơi người có hành vi bạo lực gia đình cư trú gồm: tham gia trồng, chăm sóc cây xanh ở khu vực công cộng; sửa chữa, làm sạch đường làng, ngõ xóm, đường phố, ngõ phố, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng; tham gia công việc khác nhằm cải thiện môi trường sống và cảnh quan của cộng đồng.

Chủ tịch UBND cấp xã nơi người có hành vi bạo lực gia đình cư trú quyết định và tổ chức cho người có hành vi bạo lực gia đình thực hiện công việc phục vụ cộng đồng.

Ngoài ra, luật mới cũng bổ sung các trường hợp bị áp dụng biện pháp góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư; bổ sung quy định để bảo vệ người tham gia phòng, chống và báo tin, tố giác về bạo lực gia đình; bổ sung biện pháp giáo dục, hỗ trợ chuyển đổi hành vi bạo lực gia đình.

Một điểm mới đáng chú ý khác của Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi) là quy định về định nghĩa bạo lực gia đình và cụ thể về 16 hành vi bạo lực gia đình, dựa trên các yếu tố về bạo lực thể chất, tinh thần, kinh tế và tình dục.

Quy định rõ một số hành vi bị cấm gồm kích động, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ, giúp sức, cưỡng ép người khác thực hiện hành vi bạo lực gia đình; trả thù, đe dọa trả thù người giúp đỡ người bị bạo lực gia đình, người phát hiện, báo tin, tố giác...

Trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự luật trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh khẳng định việc ban hành luật nhằm đáp ứng yêu cầu phát sinh trong thực tiễn và khắc phục những bất cập trong các quy định của luật hiện hành.

Quá trình xây dựng luật đã bám sát phương pháp tiếp cận quyền con người, bảo đảm quyền con người, đặc biệt là đối tượng đặc thù như phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, đồng thời tôn trọng các quyền của công dân khi xử lý các hành vi vi phạm về bạo lực gia đình.

Người có hành vi bạo lực gia đình phải trồng cây, làm sạch ngõ phố - 2

Bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội (Ảnh: Phạm Thắng).

Để luật nhanh chóng đi vào cuộc sống, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ khẩn trương ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành; chú trọng đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực cho người làm công tác phòng, chống bạo lực gia đình và bố trí, huy động đủ nguồn lực cho việc tổ chức thi hành luật.

Đồng thời tiếp tục quan tâm triển khai tốt việc thực hiện pháp luật có liên quan về bình đẳng giới, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, trợ giúp xã hội, phòng, chống tác hại của rượu bia, xử lý vi phạm hành chính... để phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình và kịp thời bảo vệ, hỗ trợ hiệu quả người bị bạo lực gia đình.

 16 hành vi bạo lực gia đình bao gồm:

- Hành hạ, ngược đãi, đánh đập, đe dọa hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khỏe, tính mạng;

- Lăng mạ, chì chiết hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm;

- Cưỡng ép chứng kiến bạo lực đối với người, con vật nhằm gây áp lực thường xuyên về tâm lý;

- Bỏ mặc, không quan tâm; không nuôi dưỡng, chăm sóc thành viên gia đình là trẻ em, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người cao tuổi, người khuyết tật, người không có khả năng tự chăm sóc; không giáo dục thành viên gia đình là trẻ em;

- Kỳ thị, phân biệt đối xử về hình thể, giới, giới tính, năng lực của thành viên gia đình;

- Ngăn cản thành viên gia đình gặp gỡ người thân, có quan hệ xã hội hợp pháp, lành mạnh hoặc hành vi khác nhằm cô lập, gây áp lực thường xuyên về tâm lý;

- Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau;

- Tiết lộ hoặc phát tán thông tin thuộc đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình của thành viên gia đình nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm;

- Cưỡng ép thực hiện hành vi quan hệ tình dục trái ý muốn của vợ hoặc chồng;

- Cưỡng ép trình diễn hành vi khiêu dâm; cưỡng ép nghe âm thanh, xem hình ảnh, đọc nội dung khiêu dâm, kích thích bạo lực;

- Cưỡng ép tảo hôn, kết hôn, ly hôn hoặc cản trở kết hôn, ly hôn hợp pháp;

- Cưỡng ép mang thai, phá thai, lựa chọn giới tính thai nhi;

- Chiếm đoạt, hủy hoại tài sản chung của gia đình hoặc tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình;

- Cưỡng ép thành viên gia đình học tập, lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát tài sản, thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng lệ thuộc về mặt vật chất, tinh thần hoặc các mặt khác;

- Cô lập, giam cầm thành viên gia đình;

- Cưỡng ép thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở hợp pháp trái pháp luật.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Người có hành vi bạo lực gia đình phải trồng cây, làm sạch ngõ phố
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO