Người chuyên 'cướp cơm Hà Bá' trên sông Hàn

22/06/2023 07:31

Dạo tháng 3 năm ngoái, trên cầu Thuận Phước nơi đang giữ kỷ lục là cầu treo dây võng dài nhất nước, liên tiếp xảy ra các vụ nhảy sông tự tử. Chỉ trong khoảng 1 tuần túc trực quanh cầu, tôi đã có tới 4-5 cái tin đăng trên Tiền Phong điện tử, có ngày xảy ra 2 vụ, đến nỗi không dám làm tiếp, sợ trang báo “bội thực” loại tin này...

Người chuyên 'cướp cơm Hà Bá' trên sông Hàn ảnh 1
Đại úy Nguyễn Thành Trung trong một lần làm nhiệm vụ

Cũng từ dạo ấy, tôi được làm quen với những cán bộ chiến sĩ Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy - Cứu nạn cứu hộ trên sông (PCCC - CNCH) Công an thành phố Đà Nẵng.

Những người dũng cảm lao vào đám cháy để cứu người và tài sản, lặn lội đêm hôm rà từng mét vuông trên sông nước tìm tung tích, thi thể nạn nhân, cẩn trọng từng chút một xử lý các tình huống người bị nạn mắc kẹt trong xe gặp nạn…

Trong phóng sự 2 kỳ “Nỗi buồn trên cây cầu treo dây võng” tôi viết sau đó (đăng nhật báo Tiền Phong ngày 31/3 và 1/4/2022), một trong những nhân vật ấn tượng là Đại úy có gương mặt thư sinh Nguyễn Thành Trung, người thường xuyên trực tiếp làm nhiệm vụ cứu nạn cứu hộ trên sông Hàn. Anh kể, bất kể ngày đêm, giông bão, hễ nhận được tin có tai nạn xảy ra là các thành viên của đội nhanh chóng lao đi cứu người.

“Cứu được người khỏi miệng hà bá, cảm thấy trong lòng thoải mái vô cùng, quên hết mệt mỏi, đêm về ngủ ngon hơn bao giờ hết. Nhưng ngày làm việc hạnh phúc nhất là khi cứu sống được nạn nhân đuối nước, hoặc khuyên nhủ thành công người có ý định tự tử, và vui hơn cả là một ngày trôi qua không có tình huống đột xuất nào xảy ra”.

Đại úy Nguyễn Thành Trung

Công tác chữa cháy và cứu nạn trên bờ đã khó khăn, nguy hiểm, nhưng hoạt động dưới nước còn khó khăn gấp bội. Khi lặn xuống đáy sông thì gần như không thấy gì nữa, đèn pin cầm theo cũng cấp sáng được khoảng hơn một gang tay. Công tác cứu hộ đúng là “mò kim đáy bể”.

Do đó, khi thực hiện nhiệm vụ, người chiến sĩ cứu nạn, cứu hộ phải sử dụng tay, chân và cơ thể thay đôi mắt, do đó rất nguy hiểm nếu chạm phải những vật sắc nhọn, thậm chí bom, mìn sót lại từ thời chiến tranh.

Trong điều kiện thời tiết cũng ảnh hưởng không nhỏ, mùa hè với bộ thiết bị chuyên dụng, chiến sĩ có thể lặn sâu trong nước khoảng 1 tiếng, nhưng mùa đông chỉ được 30 phút vì thân nhiệt giảm nhanh.

Ngoài ra, chưa kể công việc của các chiến sĩ hết sức đặc thù. “Quần áo bơi có một số bộ phận hở như cổ, cổ tay nên bị nước thấm vào. Đồng thời, khí nén trong bình đã được lọc hết hơi nước nên khi sử dụng sẽ có hiện tượng khô cổ họng, lên bờ phải bù nước ngay”, Đại úy Trung nói.

Xuống nước, mỗi chiến sĩ phải mang theo bộ thiết bị lặn nặng 20kg đến 25kg và phải đeo chì trên người (được quy đổi 10kg trọng lượng cơ thể bằng 1kg chì). Tính sơ bộ, các anh phải gánh trên người khoảng 30kg khi thực hiện tìm kiếm cứu nạn dưới nước.

Người chuyên 'cướp cơm Hà Bá' trên sông Hàn ảnh 2
Lực lượng cứu hộ túc trực sẵn sàng trên cầu Thuận Phước trong khi chờ thuyết phục một người bỏ ý định nhảy cầu. Ảnh: CA

Để tìm và vớt thi thể người gặp nạn dưới nước cần nhiều kinh nghiệm bởi sông nước mênh mông, dòng chảy xiết, khó xác định vị trí. Khi nhận nhiệm vụ, đơn vị phải cùng nhau bàn bạc, tính thời điểm xác chìm, dự đoán con nước lên hay xuống, hướng chảy để khoanh vùng tìm kiếm.

Kể lại một kỷ niệm không thể nào quên trong nhiều năm làm nghề cứu hộ của mình, Đại úy Trung cho biết, đó là ngày 7/3/2022, nhận tin báo có người chuẩn bị nhảy cầu Thuận Phước, anh cùng đơn vị lập tức đến hiện trường. Lúc này ông V.T (43 tuổi) dừng chiếc xe ô tô 4 chỗ và bước ra ngồi phía ngoài thành cầu. Người thân của ông nhà gần đó cũng đã chạy ra.

Anh em làm nhiệm vụ cùng gia đình đứng thuyết phục, động viên ông từ bỏ ý định tự tử. Suốt thời gian trên, các lực lượng Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH trên sông đã chuẩn bị sẵn các phương án để ứng cứu nếu ông nghĩ quẩn.

Người chuyên 'cướp cơm Hà Bá' trên sông Hàn ảnh 3
Phóng sự 2 kỳ về "cây cầu đòi nợ" trên báo Tiền Phong

“Cuộc thương thuyết kéo dài suốt gần 15 tiếng đồng hồ, mãi đến gần 12 giờ đêm cùng ngày, người đàn ông mới chịu leo vào để về nhà. Nhưng không ngờ 7 giờ sáng hôm sau, anh em nhận được tin báo người đàn ông đó đã nhảy xuống cầu ngay vị trí hôm qua”, Đại úy Trung ngậm ngùi nhớ lại.

Tình huống mà các chiến sĩ gặp phải trong lúc thực hiện nhiệm vụ là tâm lý thương xót người thân. Người nhà nạn nhân không chỉ khóc than, mà đôi khi quá nôn nóng đã mất bình tĩnh, không kiềm chế được cảm xúc, nhiều lúc nặng lời với lực lượng cứu nạn cứu hộ.

Chưa kể với những nạn nhân đuối nước thời gian tìm kiếm lâu, thi thể được tìm thấy đang trong quá trình phân hủy, anh em phải vững vàng tâm lý chiến thắng nỗi sợ hãi của bản thân.

Đến nay anh Trung và các chiến sĩ Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH Công an thành phố Đà Nẵng không nhớ được mình đã cứu giúp được bao nhiêu người, bao nhiêu tài sản, chỉ biết niềm vui cứ nhân lên khi cứu sống được một ai đó. Nhưng cũng không ít lần anh em dằn vặt, bứt rứt khi bất lực trước một tình huống bất khả kháng.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Người chuyên 'cướp cơm Hà Bá' trên sông Hàn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO