Ông Lal Bihari là nhân vật nổi tiếng nhất ở Ấn Độ trong số những trường hợp “người chết sống dậy”. Đây là thuật ngữ ám chỉ một người bị chính người thân trong gia đình “khai tử trên giấy” và sau đó chiếm đoạt toàn bộ tài sản.
“Khai tử trên giấy” là chuyện không hiếm ở Ấn Độ. Bởi khi cần, một người nào đó có thể hối lộ các quan chức địa phương để họ xác nhận người thân trong gia đình đã chết. Những trường hợp bị “khai tử trên giấy” là người đi làm ăn xa và vắng mặt khỏi nơi cư trú suốt một thời gian dài. Đây chính là cơ hội để những người thân trong nhà nổi máu tham và tìm cách chiếm đoạt tài sản như đất đai hay nhà cửa.
Ông Lal Bihari trở thành nhân vật nổi tiếng trong số những người bị xem là "người chết sống dậy" ở Ấn Độ. (Ảnh: Odditycentral) |
Khi có giấy “khai tử” từ chính quyền địa phương, hành trình tìm lại công lý với những “người chết sống dậy” không hề đơn giản. Câu chuyện về cuộc đời của ông Lal Bihari là minh chứng.
Theo đó, vào năm 1976, ông Bihari trở về quê là ngôi làng ở thành phố Khalilabad của bang Uttar Pradesh làm giấy chứng nhận cư trú, thu nhập và tầng lớp xã hội để được vay tiền phục vụ công việc kinh doanh. Tuy nhiên, khi tới gặp chính quyền địa phương, một nhân viên hành chính nhìn ông Bihari và nói ông đã chết. Ban đầu, ông Bihari tưởng nhân viên hành chính chỉ nói đùa nên cười, song người đối diện lại tỏ thái độ nghiêm túc.
“Ông Lal Bihari đã chết vào năm ngoái. Tôi không biết ông là ai?”, nhân viên hành chính nhấn mạnh.
“Tôi đang đứng trước mặt anh đây. Anh cũng biết tôi. Tôi và anh từng gặp nhau”, ông Bihari đáp lời.
Nhưng nhân viên hành chính không tỏ ra quan tâm. Anh ta còn cho ông Bihari xem giấy chứng tử đã được cấp vào ngày 30/7/1976, tức một năm trước khi ông Bihari trở về quê hương sau thời gian đi làm ăn xa. Chưa hết, toàn bộ đất đai của ông Bihari cũng đã được chuyển giao quyền sử dụng cho người em họ.
Khi nghe chuyện, ông Bihari đã bị sốc nhưng vẫn tự tin cho rằng mình sẽ sớm chứng minh được sự thật mình còn sống. Song ông Bihari không hề biết rằng, đây chính là khởi đầu cho hành trình 18 năm tìm lại công lý cho bản thân.
Ban đầu, ông Bihari đã tới gặp một luật sự nhưng người này lại cười nhạo rằng “Một người chết vừa tới gặp tôi”. Sau đó, ông Bihari gửi đơn khiếu nại lên chính quyền địa phương, những người từng xác nhận trong giấy chứng tử ông Bihari đã chết. Chưa hết, người dân địa phương còn chế nhạo và gọi ông Bihari là 'mritak' (người chết) và thây ma. Lúc này, ông Bihari rơi vào cảnh bất lực.
Tới năm 1980, một chính trị gia có tên Shyam Lal Kanojia đã có những lời khuyên giúp ông Bihari thay đổi cuộc đời. Thay vì xấu hổ vì bị mọi người gọi là “người chết”, chính trị gia Kanojia khuyên ông Bihari nên tìm cách vạch mặt những kẻ đã đẩy mình vào hoàn cảnh trớ trêu.
"Vụ kiện của ông không đi đến đâu. Họ chỉ coi ông là người chết. Vậy tại sao ông không nhân cơ hội này để khiến những kẻ đẩy mình vào tình thế khó khăn phải xấu hổ?”, ông Kanojia nói.
Từ đây, ông Bihari bắt đầu "diễn trò" để thu hút sự chú ý của dư luận. Trong quá trình đi tìm lại sự thật, ông Bihari phát hiện ông chỉ là một trong số rất nhiều “người chết còn sống” ở Ấn Độ đang cần được hỗ trợ và hướng dẫn.
Dù bị xem là “người chết” suốt 18 năm, nhưng ông Bihari từng cố tham gia một cuộc bầu cử ở địa phương, hay đi nhận tiền trợ cấp góa phụ cho vợ. Ông còn bắt cóc em họ, người vốn là con trai cặp vợ chồng mà ông Bihari tin đã hối lộ các quan chức địa phương để khai tử ông trên giấy.
Đặc biệt, ông Bihari còn thành lập một tổ chức phi lợi nhuận để giúp đỡ những người có cùng cảnh ngộ. Báo chí viết về câu chuyện cuộc đời ông Bihari cũng ngày càng nhiều và thu hút sự quan tâm của dư luận Ấn Độ.
Cho tới năm 1994, ông Bihari mới được công nhận còn sống trong các giấy tờ hành chính nhờ địa phương có nhân viên phụ trách hành chính mới.
Sau 18 năm chiến đấu để tìm lại công lý, ông Bihari quyết định dành thời gian để hỗ trợ những “người chết còn sống” khác thông qua tổ chức có tên Mritak Sangh do ông điều hành.
Hàng trăm người đã được ông Bihari giúp đỡ và vạch mặt hàng chục quan tham. Câu chuyện “có một không hai” của ông Bihari còn được chuyển thể thành bộ phim mang tên “Kaagaz”.
Dù chính phủ Ấn Độ nhấn mạnh vụ việc như trên “không mang tính hệ thống và phổ biến”, song ông Bihari tin rằng số “người chết còn sống” ở Ấn Độ lên tới hàng chục nghìn người.
Không chỉ những người họ hàng mà ngay cả con cái trong nhà cũng có thể nổi lòng tham và “khai tử trên giấy” cho bố mẹ để chiếm đoạt tài sản. Đây là trường hợp của cụ ông Panchu (75 tuổi) sinh sống ở ngôi làng Adampur của Ấn Độ.
“Chính con trai đã khai tử cho tôi. Nếu không có ông Lal Bihari, tôi có lẽ vẫn là người đã chết”, cụ Panchu nói với Opena the Magazine.
Minh Thu (lược dịch)