Thời gian qua, Công an TPHCM đã nhiều lần khuyến cáo, cảnh báo người dân về các thủ đoạn, chiêu thức, hậu quả của lừa đảo qua mạng và cách phòng tránh. Tuy nhiên thực tế, nhiều người vẫn vướng vào các kịch bản do đối tượng lừa đảo liên tục thay đổi để câu kéo, dụ dỗ.
Tại buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội của TPHCM chiều 14/9, phóng viên Dân trí tiếp tục đặt câu hỏi cho cơ quan chức năng về việc, nạn nhân của các vụ lừa đảo chuyển tiền qua mạng có cơ hội lấy lại tài sản hay không, công tác phối hợp giữa ngành công an và ngân hàng ra sao? Cơ quan công an có biện pháp gì để hạn chế đến mức thấp nhất các vụ việc lừa đảo trên mạng xã hội ngoài việc cảnh báo và khuyến cáo.
Trả lời câu hỏi, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Phòng Tham mưu Công an TPHCM, cho biết, khi gặp tình huống bị lừa đảo chuyển khoản qua mạng, người dân cần nhanh chóng liên hệ với ngân hàng để phong tỏa tài khoản, trình báo cơ quan công an để tiếp nhận, điều tra, xử lý.
Đại diện Công an TPHCM cũng thẳng thắn nêu rõ, các đối tượng lừa đảo trên mạng có đặc điểm là thường hoạt động ẩn danh, giả danh. Những người này cũng chuẩn bị sẵn nhiều phương án nhằm xóa dấu vết trên mạng, đối phó với cơ quan chức năng nên tỷ lệ điều tra khám phá các vụ án lừa đảo qua mạng khá thấp so với các loại án khác.
Thời gian qua, lực lượng công an đã liên tiếp khám phá nhiều vụ án lừa đảo qua mạng có tổ chức, số lượng nạn nhân lên đến hàng trăm người. Thượng tá Hà nhấn mạnh, việc người dân trình báo cơ quan công an về việc bị lừa đảo qua mạng sẽ giúp lực lượng tổng hợp tình hình, tuyên truyền, điều tra, xử lý các vụ việc.
"Dù tỷ lệ điều tra khám phá thấp nhưng việc trình báo của người dân sẽ giúp công an rất nhiều trong công tác tuyên truyền, cảnh báo, mở rộng các vụ án", đại diện Công an TPHCM chia sẻ.
Phó Phòng Tham mưu Công an TPHCM thông tin thêm, trong quá trình điều tra, xử lý các vụ lừa chuyển khoản qua mạng, cơ quan công an có quyền yêu cầu ngân hàng phối hợp, cung cấp thông tin phục vụ điều tra, xác minh theo quy định của pháp luật.