Người bạn của những bệnh nhân tâm thần tại Đà Nẵng

Nguyễn Linh| 27/02/2023 11:03

Làm bác sĩ đã khó, làm bác sĩ của bệnh nhân tâm thần còn khó hơn. Ngoài là một người bác sĩ họ còn là người thân, người bạn và đôi lúc cũng chính là những người “chiến sĩ” đã giành lại sự sống cho các bệnh nhân tại Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng.

Người bạn của những bệnh nhân tâm thần tại Đà Nẵng
Các y bác sĩ ở Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng từ lâu đã trở thành người thân của những bệnh nhân ở đây. Ảnh: Nguyễn Linh

Mũi kim “tử thần”

Một buổi chiều cuối tuần chúng tôi ghé Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) để thăm những bệnh nhân đang điều trị tại đây. Tiếp chúng tôi là bà Lê Thị Tha là một điều dưỡng viên có hơn 33 năm làm việc tại Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng.

Tuy đã trải qua nhiều biến động trong cuộc sống nhưng với bà Lê Thị Tha, ký ức về lần bị bệnh nhân lên cơn nghiện ma túy đâm kim tiêm vào tay cách đây 7 năm vẫn còn nguyên vẹn.

“Khuya hôm đó là ca trực của tôi, khi đang trên đường đi kiểm tra từng buồng, phòng thì tôi phát hiện trong nhà vệ sinh có một bệnh nhân nam đang lén sử dụng kim tiêm để chích ma túy. Ngay lập tức tôi chạy vào giằng co với bệnh nhân để dành lại ống tiêm nhưng không may bị bệnh nhân đâm kim tiêm vào tay”, bà Lê Thị Tha kể.

Lần đó, bà Tha vừa sợ vừa lo nhưng mặc nhiên chưa bao giờ nghĩ đến việc sẽ từ bỏ công việc điều dưỡng này.

Bà Lê Thị Tha tận tay bón cơm cho bệnh nhân không ăn được. Ảnh: Nguyễn Linh
Bà Lê Thị Tha tận tay bón cơm cho bệnh nhân không ăn được. Ảnh: Nguyễn Linh

Suốt một tháng trời điều trị phơi nhiễm HIV, bà Tha dường như chỉ nằm một chỗ, không thể làm gì được vì thuốc quá mạnh. Vậy mà ngay sau khi khỏe lại vị điều dưỡng này liền tiếp tục với công việc như chưa có chuyện gì xảy ra.

“Những chuyện như hất cháo vào mặt hay bị bệnh nhân rượt đánh đối với chúng tôi là chuyện bình thường, chuyện hằng ngày, ai ở đây cũng phải vài lần như vậy. Chúng tôi quen rồi, những lúc lên cơn, họ mới như vậy thôi nên chúng tôi không trách mà lại thấy thương họ nhiều hơn”, bà Lê Thị Tha bộc bạch.

Cũng đã vài lần “nếm mùi”, chị Trương Thị Cẩm Oanh, điều dưỡng trưởng tại khoa Nữ của Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng, tuy đã có hơn 20 năm kinh nghiệm trong nghề nhưng đôi lúc vẫn thấy lo:

“Lúc mới vào nghề tôi được cử công tác ở khoa Nam nên rất sợ, không dám lại gần để chăm sóc, quan sát, nhưng nếu không lại gần để chăm sóc sinh hoạt cùng bệnh nhân thì sẽ không nắm được bệnh trạng, rất khó để trị bệnh. Vì vậy tôi phải dùng hết dũng cảm để tiếp xúc và chăm sóc cho bệnh nhân, có như vậy bản thân mới hiểu và giúp họ nhanh khỏi bệnh hơn.”

Chị Trương Thị Cẩm Oanh không biết tự bao giờ đã trở thành bạn của bệnh nhân tâm thần. Ảnh: Nguyễn Linh
Chị Trương Thị Cẩm Oanh không biết tự bao giờ đã trở thành bạn của bệnh nhân tâm thần. Ảnh: Nguyễn Linh

Chị Trương Thị Cẩm Oanh kể, năm chị mới ra trường, 23 tuổi, có lần đang trong phòng trực một mình thì có một bệnh nhân nam nhào vào phòng và ôm chặt khiến chị hoảng hốt. Bệnh nhân nam nên rất khỏe, dù cố vùng vẫy nhưng chị Oanh cũng không thể thoát ra được, may mắn chị được các bệnh nhân nam khác tỉnh táo hơn ở gần đó giúp đỡ mới thoát ra được. Đó là lần đầu tiên chị bị bệnh nhân tấn công mà có lẽ mãi sau này cũng không thể nào quên được.

Bệnh viện là nhà

Chỉ còn vài tháng nữa là bà Lê Thị Tha sẽ nghỉ hưu, từ giã nơi làm việc hơn 30 năm của mình để an dưỡng, nghỉ ngơi nhưng sâu trong ánh mắt, nữ điều dưỡng này vẫn mong được ở lại để chăm sóc cho bệnh nhân.

Hằng ngày đến giờ ăn, bà Tha đều tận tay đút thức ăn cho bệnh nhân, dùng những lời ngon ngọt để dỗ dành, thoạt nhìn cứ tưởng là người nhà bệnh nhân.

Dù trải qua rất nhiều câu chuyện nghề đầy nguy hiểm và vất vả nhưng trong mỗi người điều dưỡng ở đây vẫn hiện hữu tình yêu thương, bao dung và độ lượng của một người lương y.

“Họ như con, cháu của tôi ở nhà vậy, giúp họ được chừng nào thì giúp. Bản thân họ cũng đâu muốn phải vào những nơi như thế này. Nếu có thể tôi cũng muốn được ở lại để tiếp tục chăm sóc cho họ, dù ít dù nhiều vẫn mong họ khỏe mạnh và mau quay trở lại với gia đình của mình”, bà Lê Thị Tha nói.

Có lẽ đối với những người ở bên ngoài, Bệnh viện Tâm thần là nơi rất “kinh khủng”, nơi những người “điên” thường xuyên hú, hét, điên dại… mà chẳng ai muốn vào.

Nhưng dưới đôi bàn tay chu đáo của các y bác sĩ của Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng, các bệnh nhân được chăm sóc kỹ lưỡng, quần áo phẳng phiu… Đặc biệt từng căn phòng, từng dãy hành lang đều rất sạch sẽ, gọn gàng ngăn nắp.

Các bệnh nhân tại Bệnh viện Tâm Thần Đà Nẵng hầu hết đều phải chịu áp lực công việc, học hành, gia đình, người thân, chuyện làm ăn… nên mới phải vào đó. Vì vậy họ như một đứa trẻ, thích nghe những lời ngọt ngào, thích được cho quà và thích được yêu thương, đặc biệt là từ các y bác sĩ.

Bác sĩ Nguyễn Cửu Thanh, Trưởng Khoa Nữ, Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng luôn tìm cách để hiểu tâm sự của bệnh nhân mà mình đang điều trị. Ảnh: Nguyễn Linh
Bác sĩ Nguyễn Cửu Thanh, Trưởng Khoa Nữ, Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng luôn tìm cách để hiểu tâm sự của bệnh nhân mà mình đang điều trị. Ảnh: Nguyễn Linh

Bác sĩ Nguyễn Cửu Thanh, Trưởng khoa Nữ, Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng cho biết: “Có những người đã ở đây với chúng tôi hơn 20 năm rồi. Họ có nhà có con cái nhưng lúc về nhà họ lại không chịu uống thuốc nên bệnh tình diễn biến trầm trọng phải vào lại đây. Vì vậy bệnh viện chính là nhà của họ còn nhà ở ngoài kia chỉ là nhà trọ thôi. Họ ở đây còn nhiều hơn ở nhà."

Theo bác sĩ Nguyễn Cửu Thanh, trừ những lúc rối loạn bệnh nhân không kiểm soát được bản thân nên mới có hành động quậy phá. Lúc ổn định rồi thì họ xem các y bác sĩ như người thân trong gia đình mà hỏi han, nói cười, đặc biệt rất tôn trọng và quý mến bác sĩ.

Theo laodong.vn
https://laodong.vn/y-te/nguoi-ban-cua-nhung-benh-nhan-tam-than-tai-da-nang-1152014.ldo
Copy Link
https://laodong.vn/y-te/nguoi-ban-cua-nhung-benh-nhan-tam-than-tai-da-nang-1152014.ldo
Bài liên quan
  • Christmas Festival to entertain visitors to Đà Nẵng
    A public space in celebration of Christmas Day and New Year – Danang X’mas-New Year – will be opened at the pedestrian area and stages on the Hàn River banks near the Rồng (Dragon) Bridge from December 19 to January 2, offering entertainment and festive activities for all residents and visitors.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Người bạn của những bệnh nhân tâm thần tại Đà Nẵng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO