Ngủ ngáy cảnh báo bạn đang gặp vấn đề gì về sức khỏe?

ANH ĐÀO (tổng hợp)| 21/04/2022 18:27

Theo các bác sĩ, có nhiều quan điểm sai lầm khi cho rằng ngủ ngáy là tốt, là khỏe. Thực chất ngủ ngáy có thể là dấu hiệu của hội chứng ngừng thở khi ngủ. Đây là một trong những bệnh lý nguy hiểm cần phát hiện và điều trị kịp thời.

ngung-tho-khi-ngu-do-nguyen-nhan-trung-uong.jpeg
Ngáy ngủ là một trong những dấu hiệu cảnh báo hội chứng ngừng thở khi ngủ - Ảnh: Internet

Dấu hiệu nhận biết hội chứng ngừng thở

ThS.BS Phan Thanh Thủy - Trung tâm hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai – cho biết ngủ ngáy là một triệu chứng rất nhiều người đã từng gặp. Có những quan điểm sai lầm rằng ngủ ngáy là tốt, là khoẻ. Tuy nhiên, ngủ ngáy có thể là dấu hiệu của hội chứng ngừng thở khi ngủ.

Nếu phát hiện thấy những người xung quanh bạn có các triệu chứng như ngủ ngáy, ngủ gật nhiều vào ban ngày, thức giấc trong tình trạng đầu đau như búa bổ, và đôi khi quan sát thấy khi ngủ người đó có những giai đoạn ngưng không thở, sau đó thở rất nhanh và thở gấp gáp bù lại. Nếu có, người đó có thể mắc hội chứng ngừng thở khi ngủ.

Theo bác sĩ Thủy, đây là tình trạng xuất hiện những cơn ngừng thở và/hoặc giảm thở trong khi ngủ. Những cơn ngừng thở này gây suy giảm oxy trong máu và gây một loạt các biến chứng về sức khoẻ mà bản thân người bệnh không hề biết. Hội chứng ngừng thở này có thể gặp ở cả nam giới, nữ giới và trẻ em.

Hội chứng ngừng thở khi ngủ nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Đầu tiên là do xuất hiện các cơn ngừng thở ban đêm khiến cho chất lượng giấc ngủ rất kém, người bệnh có biểu hiện buồn ngủ, rất hay ngủ gật ban ngày, gây giảm chất lượng cuộc sống, làm việc kém hiệu quả, nếu ở trẻ nhỏ thậm chí học hành giảm sút, giảm trí nhớ, mất tập trung, ngủ gật trong lớp học.

Đặc biệt ở người lái xe bị hội chứng ngừng thở có thể gây tai nạn giao thông, cực kỳ nguy hiểm cho tính mạng của bản thân và những người xung quanh. Theo các nghiên cứu đã được công bố thì nguy cơ gây tai nạn giao thông ở những bệnh nhân mắc hội chứng ngừng thở khi ngủ cao gấp 3 lần so với những người không mắc hội chứng này.

Khi ngưng thở lúc ngủ, không khí không vào đến phổi để trao đổi oxy, gây ra thiếu oxy toàn thân, ảnh hưởng đến mạch máu ở tim, phổi, thận, tuyến tụy, não... Từ đó gây nên một loạt các rối loạn chuyển hóa, tăng huyết áp, ảnh hưởng đến các mạch máu não, mạch máu ở tim và khắp cơ thể, dẫn đến bệnh tăng huyết áp, nguy cơ mắc bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim, đột quỵ do tắc mạch não, xuất huyết não.

Một trong các rối loạn chuyển hoá hay gặp trong hội chứng ngừng thở là đái tháo đường và kéo theo một loạt các biến chứng của đái tháo đường.

Chính vì vậy, ngưng thở khi ngủ về lâu dài có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và có nguy cơ gây đột quỵ, thậm chí đột tử trong đêm, người nhà không thể phát hiện hoặc đưa đi cấp cứu.

20190522_073055_208678_39ba02133b52d20c8b4.max-1800x1800.jpg
Khi phát hiện hội chứng ngưng thở cần đến cơ sở y tế chuyên khoa để điều trị - Ảnh: Internet

Thay đổi lối sống

TS.BS Phạm Thị Bích Thủy - Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương – cho biết hội chứng ngừng thở khi ngủ có thể điều trị ở bằng các biện pháp đơn giản như: Đối với những bệnh nhân ở giai đoạn nhẹ, với mức độ khó thở được đánh giá là chưa rõ rệt, những biện pháp hỗ trợ điều trị được đánh giá là đơn giản, dễ thực hiện và tương đối có hiệu quả như:

+ Thay đổi lối sống: Thực hiện lối sống lành mạnh, sinh hoạt, làm việc, nghỉ ngơi hợp lý.

+ Từ bỏ các thói quen có hại: Không uống rượu bia, không hút thuốc lá. Không lạm dụng thuốc an thần gây ngủ.

+ Ăn uống đủ chất dinh dưỡng.

+ Tập thể dục thể thao thường xuyên.

+ Giảm cân nếu có béo phì.

Các bác sĩ nhấn mạnh hội chứng ngừng thở khi ngủ có thể gây nhiều hậu quả nguy hiểm đối với sức khỏe và chất lượng sống của bệnh nhân. Vì vậy, bên cạnh các biện pháp chủ động làm giảm các yếu tố nguy cơ gây bệnh như: có lối sống lành mạnh; ăn uống đủ chất; hạn chế tối đa uống rượu, bia; không hút thuốc lá; tập luyện đều đặn, giữ cân nặng hợp lý… thì chúng ta không nên chủ quan.

Khi bản thân phát hiện thấy mình có triệu chứng bệnh, hoặc khi người thân hoặc những người xung quanh phản ánh những dấu hiệu có thể mắc hội chứng ngừng thở khi ngủ. Bệnh nhân nên đến cơ sở y tế chuyên khoa khám, làm các xét nghiệm chẩn đoán chính xác nguyên nhân để có biện pháp can thiệp phù hợp, kịp thời.

Bài liên quan
  • Ung thư hạch được điều trị như thế nào?
    Điều trị ung thư hạch về cơ bản gồm các phương pháp theo dõi chưa cần điều trị, phẫu thuật lấy bỏ tổ chức ung thư để chẩn đoán, giải phóng chèn ép, xạ trị và hóa trị liệu.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Ngủ ngáy cảnh báo bạn đang gặp vấn đề gì về sức khỏe?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO